Thường trực HĐND TP Hà Nội giải trình về an toàn thực phẩm

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như việc vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không đảm bảo ATTP vào TP; Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh tại các chợ, các điểm lẻ gặp khó khăn; Hoạt động giết mổ gia súc gia cầm còn tồn tại trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú ý, gây mất vệ sinh môi trường, ATTP chưa được kiểm soát; Việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm còn chậm, công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa quyết liệt, chưa thường xuyên; ý thức của dân và người sản xuất về thực phẩm, chấp hành quy định của pháp luật về ATTP còn chưa cao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình ngày 4-11. Ảnh: T.Hải

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình ngày 4-11. Ảnh: T.Hải

Trước thực trạng đó, HĐND TP đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn TP Hà Nội với mục đích đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và chỉ đạo của chính quyền TP trong việc thực hiện ATTP. Từ đó, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp các ngành, các cơ quan liên quan trong triển khai quy định của pháp luật về ATTP và thực hiện các kết luận của HĐND TP. Đồng thời, kiến nghị đề xuất những biện pháp để khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Tại phiên giải trình, các đại biểu nêu thực trạng một số lĩnh vực và giải pháp khắc phục như: Hoạt động bán hàng rong khó được kiểm soát về ATTP; việc có sản phẩm quá hạn sử dụng vẫn bày bán trong siêu thị, việc sản xuất thực phẩm chức năng; tình trạng hoa quả, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, việc tồn tại chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo ATTP trên địa bàn một số phường; tình trạng tồn tại nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát về ATTP.

Giải trình các nội dung đại biểu nêu, GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành công thương, NN&PTNT tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khuyến khích người dân cùng tham gia phát hiện, phản ánh các cơ sở không đảm bảo về ATTP. Về việc sản xuất thực phẩm chức năng, ngành y tế đang nỗ lực tăng cường quản lý việc quảng cáo, phối hợp với Sở TT&TT khi cấp phép quảng cáo trên mạng internet và công khai các cơ sở vi phạm trên website.

Đối với việc quản lý các bếp ăn tập thể, theo đánh giá một số bếp vẫn chưa đảm bảo về vệ sinh ATTP trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sắp xếp thiết bị nấu, bát đũa,… Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tăng cường tuyên truyền đối với các cơ sở nấu tập thể, tăng cường tập huấn cho lực lượng về đảm bảo ATTP, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất để tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, diễn tập về phòng chống ngộ độc,…

Về vấn đề sản phẩm trong các siêu thị quá hạn sử dụng vẫn bày bán, GĐ Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng hóa đều có giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, hàng nhập khẩu có tem bằng tiếng Việt và có hạn sử dụng. Sở Công thương đã cấp cho các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm, đồng thời có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, xử lý vi phạm…

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua TP tích cực triển khai, rà soát lại, kêu gọi đầu tư hệ thống cơ sở giết mổ bán tự động và tự động, đến nay, trên địa bàn TP đã có cơ sở giết mổ hiện đại ở phường Yên Nghĩa, đáp ứng một phần nhu cầu, cung cấp cho chuỗi cửa hàng và siêu thị trên địa bàn TP. Tuy nhiên, vẫn còn các cơ sở giết mổ chưa đảm bảo vệ sinh, hộ nuôi nhỏ lẻ còn rất đông, thói quen tiêu dùng cũng không dễ thay đổi. Chưa đề ra cơ chế chính sách chuyển đổi cho các hộ và giá thành như thế nào, như vậy, chưa giải quyết được triệt để vấn đề này.

Trước tình hình đó, Thường trực Thành ủy đã đồng ý chủ trương đầu tư, mở rộng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. TP cũng tổ chức họp, mời các tập đoàn lớn của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng mấu chốt vướng mắc nhất hiện nay là thủ tục đất đai, nếu có mặt bằng thì phải đấu thầu nhưng nếu đấu thầu thì các DN lớn lại từ chối. Ngoài ra, mặt bằng để tập trung gia súc, gia cầm trước khi giết mổ cũng là vấn đề khó khăn.

Bên cạnh việc đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, TP đã cấp tốc, kêu gọi xã hội hóa đối với việc test nhanh các mẫu thức ăn sẵn và thực phẩm, đồng thời ký kết với các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong việc này. Để ứng phó với việc mất ATTP vẫn xảy ra, đặc biệt là ở bếp ăn tập thể hay ngộ độc methanol trong rượu, TP đã xây dựng quy trình ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", kết hợp với các cơ sở y tế của Trung ương để ứng cứu kịp thời. TP đã cố gắng để hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc xảy ra ở các bếp ăn tập thể…

Trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các cơ sở cung cấp cam kết về sản phẩm, chú trọng siết chặt về chất bảo quản. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền và tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản phẩm từ sản xuất tới tiêu dùng; Tiếp tục tổ chức diễn tập, ứng phó với các tình huống, hoàn thiện quy định về quản lý và xử phạt; Nâng cấp cơ sở vật chất tại các chợ, xây dựng cơ chế hỗ trợ đối với các cơ sở giết mổ tập trung. Hoàn thiện các quy định hỗ trợ chuyển đổi các hộ nhỏ lẻ chuyển đổi phương thức giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường quản lý đối với các cơ sở bán thuốc…

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuong-truc-hdnd-tp-ha-noi-giai-trinh-ve-an-toan-thuc-pham-168946.html