Thường trực Huyện ủy Yên Dũng đối thoại với các hiệu trưởng

Ngày 16/8, Thường trực Huyện ủy Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức đối thoại với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Cùng dự có chủ tịch UBND các xã, thị trấn; đại diện các phòng, ngành liên quan.

Huyện Yên Dũng hiện có 60 trường, trong đó có 22 trường mầm non (21 trường công lập, 1 trường tư thục), 18 trường tiểu học, 18 trường THCS, 2 trường TH&THCS với tổng số 1.120 lớp, 37.699 học sinh. Năm học 2023-2024, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường công lập trực thuộc là 1.972 người.

 Bí thư Huyện ủy Thạch Văn Chung phát biểu.

Bí thư Huyện ủy Thạch Văn Chung phát biểu.

100% các trường tiểu học và THCS đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3. Có 18/18 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Năm học 2023-2024, ngân sách huyện, xã, thị trấn đầu tư cho giáo dục là 177,828 tỷ đồng để xây dựng mới trường, lớp học, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, khen thưởng.

Tại buổi đối thoại, hiệu trưởng các nhà trường phản ánh cơ sở vật chất còn thiếu nên chưa thể đạt chuẩn khi xét công nhận lại. Đơn cử như Trường Tiểu học Đồng Phúc thiếu phòng học, đang mượn của trường THCS 4 phòng, nhà trường phải dồn hai phòng học tiếng Anh vào một với sĩ số gần 50 học sinh một lớp. Phòng đa chức năng cũng không có; phòng truyền thống Đội chật chội. Dãy văn phòng, phòng hiệu bộ xuống cấp do xây dựng đã hơn 20 năm.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lãng Sơn cho biết diện tích đất chưa bảo đảm, thiếu hơn 2.000 m2; phòng chức năng, nhà đa năng chưa có. Đề nghị sớm di chuyển trường mầm non ra khu mới để trường tiểu học tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất của trường mầm non nhằm mở rộng diện tích theo kế hoạch (hiện chậm tiến độ).

Hiện nay, một số trường còn thiếu giáo viên môn tin học, giáo dục thể chất, nhân viên y tế học đường. Trường Mầm non Yên Lư thiếu 14 giáo viên theo quy định, nguyên nhân do tăng dân số cơ học, địa phương có 5 điểm trường. Đề xuất đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên để các nhà trường chủ động bố trí trước thềm năm học mới.

 Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Tiếp thu giải trình một số nội dung các hiệu trưởng nêu, đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan và UBND huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên; thiếu ở những địa phương tăng số lớp do tăng dân số cơ học.

Yên Dũng được giao 2.094 biên chế, hiện thiếu 84 biên chế mầm non, 23 biên chế tiểu học, 12 biên chế THCS. Trong khi đó huyện vẫn phải tiếp tục lộ trình tinh giản biên chế, mỗi năm giảm 102 đồng chí.

Thiếu giáo viên là do tăng dân số cơ học, nhất là ở địa bàn phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, một số giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ việc đi lao động xuất khẩu hoặc xin chuyển công tác. Có trường trong một năm học có 8 giáo viên nghỉ thai sản. Hiện tại toàn huyện thiếu 3 giáo viên tin học, 7 giáo viên giáo dục thể chất, giáo viên mỹ thuật cũng thiếu… do không có đầu vào, không tuyển được người.

Để khắc phục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã trưng tập 78 giáo viên ở các trường thừa tiến hành dạy liên cấp. Đối với các trường chưa có nhân viên y tế học đường đề nghị phối hợp với Trạm Y tế địa phương để thực hiện sơ cấp cứu ban đầu.

Lãnh đạo UBND huyện đề nghị hiệu trưởng các trường chủ động đề xuất, phân bổ kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất cho đơn vị mình; sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý.

Thường xuyên cập nhật các văn bản mới để thực hiện cho đúng về quản lý tài chính. Khi huy động xã hội hóa mua sắm một số đồ dùng (như điều hòa nhiệt độ, quạt, mành rèm…) phải được 100% phụ huynh đồng ý.

 Thầy giáo Lê Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân An phát biểu.

Thầy giáo Lê Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân An phát biểu.

Kết luận buổi đối thoại, đồng chí Thạch Văn Chung, Bí thư Huyện ủy chúc mừng ngành giáo dục huyện Yên Dũng đã đạt được kết quả cao trong năm học vừa qua.

Đồng chí cho biết tại buổi đối thoại, Thường trực Huyện ủy lắng nghe cán bộ quản lý các trường phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó định hướng cho năm học mới, đồng thời có văn bản kiến nghị đến cấp trên trước khi sáp nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị ngành giáo dục, các trường tiếp tục chủ động, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt 2 trụ cột chính, đó là: Dạy tốt, học tốt và làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Cụ thể như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay việc bồi dưỡng học sinh giỏi, bố trí ngân sách của huyện hợp lý cho công tác này.

Các hiệu trưởng rà soát cơ sở vật chất trường lớp học, tổng hợp báo cáo UBND huyện làm cơ sở để Thường trực Huyện ủy chỉ đạo giải quyết trong thẩm quyền.

Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ để bảo đảm tốt môi trường sư phạm. Các văn bản chỉ đạo của ngành liên quan đến chế độ chính sách, thi đua khen thưởng, kỷ luật phải đọc kỹ, hiểu đúng, thực hiện đúng nhất là trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, giáo viên, tránh mất dân chủ, mất đoàn kết, phát sinh đơn thư khiếu kiện.

Theo lộ trình, năm 2025, huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang sẽ sáp nhập. Việc sáp nhập phần nào tác động đến tâm lý của giáo viên và học sinh, vì vậy, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị các hiệu trưởng với trí tuệ và kinh nghiệm tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, không để xáo trộn.

TP Bắc Giang hiện đứng đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục, nếu Yên Dũng không nỗ lực thì sẽ rất dễ trở thành “vùng trũng” sau sáp nhập. Vì vậy, đề nghị ngành giáo dục, các thầy cô hiệu trưởng quan tâm tập trung để duy trì thành quả, kết quả đã đạt được, cùng với TP Bắc Giang tiếp tục nâng chất lượng giáo dục.

Tin, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuong-truc-huyen-uy-yen-dung-doi-thoai-voi-cac-hieu-truong-124015.bbg