Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu khoa học về quần đảo Trường Sa

Sáng 27-12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Quốc phòng 'Nghiên cứu tổng hợp sinh thái, tài nguyên sinh vật quần đảo Trường Sa phục vụ tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với quốc phòng, quân sự', mã số KCB-TS. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

 Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì hội nghị.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Chủ nhiệm chương trình cho biết, trong 3 năm triển khai, chương trình gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều chuyến khảo sát thực địa tại quần đảo Trường Sa gặp thời tiết diễn biến phức tạp. Song với sự quyết tâm, chủ động, linh hoạt của Ban chủ nhiệm chương trình; sự phối hợp, giúp đỡ của Cục Khoa học Quân sự/ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các bộ, ngành liên quan, cùng nỗ lực, quyết tâm của các chuyên gia, cán bộ khoa học, chương trình đã được tổ chức thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị, hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, thu được nhiều dữ liệu khoa học có giá trị. Toàn bộ 7 đề tài trong chương trình đã được nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng, 55 bài báo được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, số lượng và chủng loại sản phẩm phong phú, đạt và vượt yêu cầu đề ra.

Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga báo cáo kết quả chương trình.

Thiếu tướng Đặng Hồng Triển, Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga báo cáo kết quả chương trình.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, quần đảo Trường Sa không chỉ là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh, là tuyến phòng thủ phía Đông của đất nước, mà còn là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên quý giá, như khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, sinh vật biển... Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, chương trình KCB-TS sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao kết quả các đề tài thuộc chương trình để đưa vào sử dụng phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu mở rộng nghiên cứu trên các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa và các đảo gần bờ.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao kết quả khoa học và thực tiễn của các đề tài khoa học thuộc chương trình, với nhiều sản phẩm vượt trội, khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội, cũng như sự phối hợp hiệu quả của các cán bộ khoa học ngoài quân đội, các chuyên gia quốc tế trong quá trình thực hiện.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình KCB-TS.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình KCB-TS.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, chương trình nghiên cứu được triển khai thành công có đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học đầy tâm huyết, đam mê với sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là chương trình nghiên cứu khoa học đơn thuần, bởi các sản phẩm thu được từ chương trình rất toàn diện, có ý nghĩa sâu sắc, có thể ứng dụng ngay vào đời sống dân sinh, phục vụ công tác bảo tồn sinh thái biển, phát triển tiềm năng kinh tế biển theo nội dung Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.

Kết quả của chương trình cung cấp nhiều cơ sở thực tiễn, pháp lý, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục công nhận kết quả, thủ tục chuyển giao kết quả, sản phẩm của chương trình theo quy định và báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện giai đoạn 2 của chương trình.

Tin, ảnh: HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/thuong-tuong-hoang-xuan-chien-chu-tri-hoi-nghi-tong-ket-chuong-trinh-nghien-cuu-khoa-hoc-ve-quan-dao-truong-sa-758138