Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - bậc thầy về nghệ thuật ngoại giao quốc phòng
Với vai trò là phụ trách lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm giữ gìn hòa bình ở khu vực và đóng góp cho hòa bình trên thế giới.
Đóng góp to lớn cho nền tình báo quốc phòng Việt Nam
Thượng tướng Võ Văn Tuấn - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, ông và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh biết nhau từ rất lâu nhưng để trực tiếp, phối hợp làm việc là từ khi ông lên Bộ Tổng tham mưu năm 2011, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Thông qua các chức vụ, vị trí công tác và cuộc đời binh nghiệp, từ khi bước chân vào bộ đội cho đến khi trở thành Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một nhà tình báo có tầm nhìn cũng như đóng góp rất to lớn cho nền tình báo quốc phòng Việt Nam. Đến khi được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách công tác đối ngoại quốc phòng, ông đã có những đóng góp quan trọng", Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Trong đó, đối với khu vực ASEAN, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền làm sao để xây dựng trong cộng đồng ASEAN có sự hợp tác thống nhất giữa các lực lượng quốc phòng. Chính vì thế, Việt Nam đã có sáng kiến về thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thông qua ADMM, ADMM+, một trong những hợp tác trong khu vực và quốc tế về quốc phòng, khi đã có sự hiểu biết với nhau, thì đó là nhân tố để bảo đảm giữ gìn hòa bình ở khu vực và đóng góp cho hòa bình trên thế giới.
Với các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những sáng kiến, đề xuất để làm sao sự phối hợp, hiểu biết lẫn nhau, dẫn tới xây dựng mối quan hệ với các nước trên cơ sở quan hệ hợp tác quốc phòng là rất quan trọng.
Như năm 2014, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề xuất, sau đó chúng ta đã tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đầu tiên là cấp thứ trưởng, sau đó nâng lên cấp bộ trưởng quốc phòng của hai nước hằng năm.
"Có thể nói, mô hình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã góp phần quan trọng thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các đơn vị bảo vệ biên giới hai nước, nâng cao khả năng phối hợp, giải quyết ổn thỏa và kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh ở biên giới ngay từ cấp cơ sở tại địa phương. Điển hình như: việc vi phạm pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch bệnh..., góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh biên giới mỗi nước. Mô hình giao lưu còn góp phần thúc đẩy đối ngoại nhân dân, giúp cho nhân dân hai nước có thêm cơ hội giao lưu văn hóa, tiếp xúc, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học vào sản xuất…", Thượng tướng Võ Văn Tuấn nói.
Tương tự, với Lào và Campuchia, chúng ta cũng tổ chức các hội nghị giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới 4 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đây là cơ sở rất quan trọng để xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, cũng như tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới, cũng như quan hệ của các nước trở nên tốt đẹp.
Một nhà ngoại giao tài ba
Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể, với vai trò là phụ trách lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những đóng góp quan trọng. Cụ thể như hiện chúng ta đã tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù tham gia sau nhưng Việt Nam là thành viên rất tích cực, trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ. Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam được đánh giá rất cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, trong đó có đóng góp quan trọng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Liên quan đến vấn đề công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh. Với uy tín và mối quan hệ của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thuyết phục rất nhiều người có vị trí, chức vụ cao ở Mỹ và các nước khác hiểu hơn về trách nhiệm đóng góp để cùng nhau giải quyết những hậu quả của chiến tranh. Những kết quả đạt được đến nay là rất tích cực, hiệu quả và có sự hiểu biết giữa các bên có liên quan.
"Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là vị tướng có tầm, có tâm và rất có tài. Trong đời thường, ông là một người giản dị, quan tâm tới mọi người nên luôn được yêu mến. Trong thời gian còn làm việc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là Trưởng Ban chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng, còn tôi là Phó Trưởng ban. Dù chúng tôi rất thân thiết nhưng thường có những tranh luận nghiêm túc để tìm ra giải pháp xử lý công việc hiệu quả cao nhất. Tôi hiểu con người của anh - trí tuệ, quyết đoán nhưng rất cầu thị", Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, từ khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian cho bản thân hơn, nên trong các dịp như lễ kỉ niệm, sinh nhật bạn bè, ông và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh lại ngân nga đàn hát vui vẻ như những nghệ sĩ thực thụ. Trước khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ra đi, ông cũng là người thường xuyên ở bên cạnh anh.
"Tôi với anh không chỉ là đồng hương, mà còn là tình đồng chí, đồng đội, người bạn thân thiết", Thượng tướng Võ Văn Tuấn tâm sự.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, qua đời ngày 14/9 sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 64 tuổi. Ông sinh ngày 15/5/1959 tại Hà Nội, nhưng lý lịch chính thức ghi sinh năm 1957 vì ông từng khai thêm 2 tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh quê ở Thừa Thiên Huế; GS.TS chuyên ngành quan hệ quốc tế; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 và 12. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.