Thượng tướng Nguyễn Thế Trị - người thầy thao lược của Học viện Quốc phòng

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị nổi danh không chỉ bởi là người thầy đã kinh qua các cuộc chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Biên giới phía Bắc mà còn bởi ông là người dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với hẹp hòi, lạc hậu… Trong 10 năm làm Giám đốc Học viện Quốc phòng, ông đã góp phần rất lớn vào việc phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự.

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị sinh năm 1940 trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng ở làng Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Bố mẹ ông sinh được 3 người con, ông là con thứ. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ trong lớp nghĩa vụ đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Từ năm 1997-2007, ông giữ cương vị Giám đốc Học viện Quốc phòng và được thăng quân hàm Thượng tướng năm 2004.

 Thượng tướng Nguyễn Thế Trị. Ảnh chụp lại

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị. Ảnh chụp lại

Nhắc tới ông, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chia sẻ: "Thượng tướng Nguyễn Thế Trị là một trong những cán bộ ưu tú của quân đội ta, trưởng thành từ chiến sĩ đến cán bộ Sư đoàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó tư lệnh về Chính trị, Tư lệnh Quân khu 3, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX. Dù ở cương vị nào, quân sự hay chính trị, đơn vị chiến đấu hay nhà trường, đồng chí luôn là một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, quyết đoán trong chiến đấu; đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng đơn vị và trong huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhất là những năm giữ cương vị Giám đốc Học viện Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề chiến lược về quốc phòng, quân sự trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". (Trích Hồi ký Dấu ấn đời binh nghiệp, NXB Quân đội nhân dân, 2011, tr.5,6)

Dụng mưu, lập thế, bày kế, điều binh... vốn là hành động của cấp chỉ huy, không chỉ thế, trong nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, ông cũng có nhiều đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám “dấn thân”, chịu trách nhiệm, dám đối mặt với lời đàm tiếu, óc hẹp hòi, điều tai tiếng. Ở vị chỉ huy, nhà quản lý giáo dục này còn có một phẩm chất quý là “đôi mắt tinh đời” trong sử dụng người, biết phát huy, “kích hoạt” được những “bộ óc” biết sáng tạo, “nối mạng” được nhiều tác nhân hợp thành trong nhiệm vụ.

Để hiểu hơn về vị tướng - người thầy thao lược, một ngày Hà Nội vào thu, tôi xin gặp và được nghe Thượng tướng Nguyễn Thế Trị kể về những năm tháng ông công tác tại Học viện Quốc phòng. Nhớ lại thời gian đó, ông bồi hồi chia sẻ: “Đầu năm 1997, tôi rời vị trí Tư lệnh Quân khu 3 về giữ chức Giám đốc Học viện Quốc phòng. Khi ấy tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được Đảng, Nhà nước, quân đội tín nhiệm, tin tưởng, lo vì kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy điều hành công tác nhà trường còn mỏng. Hơn nữa đây là một Học viện lớn, liệu mình có hoàn thành tốt được trọng trách mà Đảng, quân đội giao phó?”

Nghị định 188/CP của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 20-12-1994 về việc “Thành lập Học viện Quốc phòng trên cơ sở Học viện Quân sự cấp cao” xác định: Học viện Quốc phòng trực thuộc Chính phủ, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, nghiên cứu khoa học quân sự. Về nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện gồm 4 nhóm đối tượng chính.

Một là đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy tham mưu cao cấp, chiến dịch, chiến lược; cán bộ cao cấp quân sự địa phương, cán bộ cao cấp các quân, binh chủng, ngành, cán bộ giảng dạy nghiên cứu khoa học ở cấp chiến dịch, chiến lược.

Hai là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố, các thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương.

Ba là đào tạo cao học, nghiên cứu sinh về khoa học nghệ thuật quân sự cấp chiến dịch, chiến lược.

Bốn là hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự, quốc phòng.

Trung tướng Nguyễn Thế Trị đón Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1998. Ảnh chụp lại

Trung tướng Nguyễn Thế Trị đón Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1998. Ảnh chụp lại

Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng học viên của Học viện là nỗi trăn trở lớn của ông, đặc biệt tập trung đột phá vào hai khâu: Viết giáo trình, đổi mới phương pháp dạy, học và xúc tiến khẩn trương mọi công tác nhằm nâng mục tiêu đào tạo ở Học viện lên tầm chiến dịch, chiến lược. Khi ấy, ông luôn suy nghĩ, Học viện Quốc phòng muốn trở thành một Học viện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế thì việc đầu tiên phải là bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Đây là lực lượng chủ chốt, có vai trò chủ thể trong giảng dạy ở Học viện.

Tình trạng chung của nhiều học viện, nhà trường trong quân đội lúc bấy giờ là thiếu một hệ thống giáo trình các môn học. Các tài liệu tham khảo cũng chưa được chú ý biên soạn đầy đủ và sắp xếp đồng bộ. Bởi vậy, nhiệm vụ viết giáo trình đã trở thành cấp bách và trọng tâm của Học viện.

Để đảm bảo tính khoa học, hệ thống của giáo trình, ông cùng Ban giám đốc nhất trí chủ trương mời những giáo sư, nhà giáo chuyên sâu, có kinh nghiệm viết giáo trình lớn vào Học viện giới thiệu về phương pháp viết giáo trình. Kết quả, sau hơn 3 năm, các khoa đã hoàn thành hệ thống giáo trình các môn học. Một sự phát triển mới là Học viện tăng cường trang thiết bị hiện đại ở các giảng đường, phòng học và thư viện, công tác đào tạo đã có bước đột phá mạnh mẽ vào đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: Giảm giờ lên lớp của giảng viên, tăng giờ trao đổi, hội thảo và giờ tự học của học viên... Cũng từ đây, công tác huấn luyện, đào tạo ở Học viện ngày càng tăng cường tính chính quy, hiện đại, mẫu mực đồng bộ từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy, học cho đến thi tốt nghiệp ra trường.

Trung tướng Nguyễn Thế Trị gặp Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Học viện Quốc phòng, năm 2004. Ảnh chụp lại

Trung tướng Nguyễn Thế Trị gặp Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Học viện Quốc phòng, năm 2004. Ảnh chụp lại

Bên cạnh đó, ông còn tập trung vào công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. “Đầu vào” của đối tượng từ đại tá trở lên, toàn là Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Phó tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm chính trị quân đoàn, quân khu và tương đương; thời gian học 1 năm, tập trung học quân sự (nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, chỉ huy tác chiến chiến lược…) và còn được trao đổi kinh nghiệm về chỉ huy điều hành chiến dịch tiến công, phương pháp gạn lọc, xử trí tình huống chiến dịch.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, ông cùng Ban giám đốc chủ trương trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên lên tầm cao mới cả về tư duy và năng lực tư duy, từ tư duy chiến thuật, chiến dịch lên tư duy chiến dịch, chiến lược và quân sự, quốc phòng. Đây thực sự là một bước chuyển biến về chất của Học viện Quốc phòng. Sau gần 2 năm nỗ lực phấn đấu, các mặt công tác chuẩn bị cho lớp đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược đã cơ bản hoàn thành. Đầu tháng 9-2001, Học viện tổ chức trọng thể lễ khai giảng năm học, trong đó có khóa 1 đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược.

Nhằm phát triển toàn diện Học viện Quốc phòng, ông cùng Ban giám đốc còn đầu tư mọi nguồn lực, thời gian nhằm nâng tầm nghiên cứu khoa học lên tầm cao mới, để Học viện trở thành một Trung tâm khoa học quốc phòng, quân sự của quân đội và của quốc gia. Trong khoảng thời gian cuối những năm 1990 đầu năm 2000, tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp. Trước những vấn đề bức thiết cần phải nghiên cứu, ông trực tiếp đi xin đề tài nghiên cứu. Khi thực hiện đề tài “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, ông trao đổi phải xuất 200 triệu đồng của Học viện để thực hiện trước. Đề tài này sau đó được tham khảo để soạn thảo Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa IX về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Cuối năm 2002, Nhà nước có chương trình KX-06, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Ông đã đề xuất nghiên cứu đề tài KH-06-03 là “Phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch”. Đây là đề tài lý luận về sự phát triển nghệ thuật quân sự sao cho phù hợp với chiến tranh tương lai và giải quyết vấn đề “lực lượng ít hơn, vũ khí trang bị kém hiện đại mà vẫn chiến thắng quân địch”.

Nói đến đề tài nghiên cứu khoa học, ông chia sẻ thêm: “Đầu năm 2006, Học viện được giao đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu hoạt động của Đảng và Nhà nước, chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, nhằm đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch” do tôi làm chủ nhiệm đề tài. Đến cuối năm 2007, đầu năm 2008, trước khi tôi nghỉ hưu, đề tài đã thực hiện khá tích cực. Tôi bàn giao cho đồng chí Phạm Xuân Hùng thay tôi làm Giám đốc Học viện tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh đề tài. Năm 2011, đề tài này đã được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu”.

Trung tướng Nguyễn Thế Trị xin ý kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười mở lớp quốc phòng, an ninh, năm 1998. Ảnh chụp lại

Trung tướng Nguyễn Thế Trị xin ý kiến Tổng Bí thư Đỗ Mười mở lớp quốc phòng, an ninh, năm 1998. Ảnh chụp lại

Về công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể Trung ương, ông và Ban giám đốc nhất trí cao về sự cần thiết phải tổ chức khóa học cho các đối tượng này. Đầu năm 1997, ông trực tiếp gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười xin chủ trương mở lớp đối với đối tượng 1, diện cán bộ do Trung ương quản lý (Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Thứ trưởng; trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể Trung ương; chánh, phó các Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ; bí thư, chủ tịch và cấp phó…).

Các đề xuất trên của Học viện Quốc phòng được Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến “học 3 tháng”. Khi ông cùng Ban giám đốc báo cáo Bộ Quốc phòng, đồng chí Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định học theo chương trình từ 30 đến 45 ngày với lý do: “Chương trình mới, tâm lý cán bộ dân sự còn ngại học về quốc phòng”.

Trung tướng Nguyễn Thế Trị gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Học viện Quốc phòng, năm 1998. Ảnh chụp lại

Trung tướng Nguyễn Thế Trị gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Học viện Quốc phòng, năm 1998. Ảnh chụp lại

Ngày 8-6-1998, lớp học khóa 1 khai giảng với 44 học viên là những cán bộ chủ chốt các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo, động viên lớp học. Sau gần 1 tháng, lớp học đã nghiên cứu, trao đổi 14 chuyên đề lý luận thuộc 3 khối kiến thức, tham gia cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu và thực hành bắn súng ngắn quân dụng K54 tại trường bắn.

Các khóa học sau đó đã cho học viên tham gia diễn tập, xử trí một số tình huống chính trị (trong đó tập trung vào diễn tập, tập bài về vấn đề chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; tác chiến phòng thủ quân khu; luyện tập xử lý một số tình huống bạo loạn chính trị, gây rối có thể xảy ra; tập bài về đấu tranh quốc phòng).

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị ở độ tuổi ngoài 80. Ảnh: TRANG HUYỀN

Thượng tướng Nguyễn Thế Trị ở độ tuổi ngoài 80. Ảnh: TRANG HUYỀN

Đến bây giờ, khi đã ở độ tuổi ngoài 80, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị vẫn trăn trở về điều còn chưa thực hiện được. Đó là chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh lúc đầu được duyệt là 3 tháng, nhưng sau rút xuống còn 30 đến 45 ngày. Ông nói: “Cho đến nay, tôi vẫn băn khoăn, trăn trở về thời gian khóa học... Tôi cho rằng, cần nâng thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (từ 3 đến 6 tháng), chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng”.

Nhìn lại chặng đường 10 năm gắn bó và phát triển Học viện Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã không ngừng tư duy sáng tạo, không ngừng khám phá, tìm tòi đổi mới; là người đóng góp xứng đáng cho tư tưởng xây dựng nền quốc phòng, quân sự trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những yêu cầu mới, đòi hỏi mới.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thuong-tuong-nguyen-the-tri-nguoi-thay-thao-luoc-cua-hoc-vien-quoc-phong-798855