Thượng viện Mỹ đạt thỏa thuận tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa
Tối 29/9 (sáng 30/9 theo giờ Việt Nam), các nhà lập pháp tại Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận, qua đó giúp chính phủ nước này phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động.
Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thông báo các nhà lập pháp đã đạt được thỏa thuận liên quan tới việc cấp ngân sách cho chính phủ, qua đó giúp Chính phủ Mỹ tránh được viễn cảnh phải đóng cửa vào tháng tới.
Thượng nghĩ sĩ Chuck Schumer nêu rõ: “Chúng tôi đã có một thỏa thuận nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa và chúng tôi sẽ tiến hành bỏ phiếu (về nghị quyết này) vào ngày 30/9 (giờ Washington)”.
Nếu dự luật cấp ngân sách tạm thời không được thực thi, Chính phủ liên bang Mỹ sẽ đối mặt với một lần đóng cửa nữa vào cuối tuần này. Thỏa thuận vừa đạt được tại Thượng viện Mỹ, một khi được thông qua, sẽ giúp chính phủ nước này duy trì ngân sách hoạt động tới ngày 3/12.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời với tỷ lệ 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Tuy nhiên, Thượng viện sau đó đã không tán thành với một số nội dung trong dự luật được Hạ viện phê chuẩn. Các nghị sĩ Cộng hòa phải đối văn kiện này vì dự luật bao hàm một nội dung nhằm nâng trần nợ công.
Sự phản đối của phe Cộng hòa không làm giảm quyết tâm của các nhà lập pháp Dân chủ tại lưỡng viện. Ngày 23/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi của đảng Dân chủ cam kết sẽ ngăn chặn xảy ra kịch bản đóng cửa chính phủ.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cùng ngày cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ trong bối cảnh ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30/9 (kết thúc tài khóa 2021), đồng thời cảnh báo hàng trăm nghìn người lao động sẽ tạm thời mất việc làm, các công viên, bảo tàng và dịch vụ liên bang khác đóng cửa...
Dự luật nói trên, có tên chính thức là Nghị quyết Tiếp tục (CR), bao gồm khoản chi 6,3 tỷ USD dành hỗ trợ người tị nạn Afghanistan và 28,6 tỷ USD dùng để viện trợ đại dịch.
Nếu lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ “rảnh tay” tập trung vào mục tiêu nâng trần nợ công và thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước của Chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó trọng tâm là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá tới 1.200 tỷ USD và một kế hoạch chi tiêu 3.500 tỷ USD.
Giới quan sát nhận định nếu không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, dự luật CR sẽ khó có thể nhận được 60 phiếu bầu cần thiết để được thông qua tại Thượng viện Mỹ. Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ, song tỷ lệ chênh lệch thấp tại Thượng viện. Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ của một số Thượng nghị sĩ Cộng hòa để thông qua dự luật trong cuộc bỏ phiếu ngày 30/9.
Nợ công và thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19, sau khi Washington thông qua 3 dự luật chi tiêu lớn nhằm giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế. Như một phần trong thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng, được ban hành vào tháng 8/2019, Quốc hội Mỹ đã đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công đến hết ngày 31/7 vừa qua. Sau khi mức trần nợ được khôi phục vào ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng "các biện pháp bất thường" để tiếp tục cấp ngân sách tạm thời cho chính phủ.
Về phần mình, Văn phòng ngân sách Nhà Trắng ngày 7/9 kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ liên bang. Quyền Chủ tịch Văn phòng quản lý ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young đã gửi đề xuất chi tiêu “khẩn cấp” tới Quốc hội, kêu gọi gia hạn quỹ chính phủ trong thời gian ngắn để chính phủ không phải đóng cửa một phần từ ngày 1/10 tới.
Trong đề xuất chi tiêu “khẩn cấp” gửi Quốc hội, bà Young viết: “Chúng tôi cũng kêu gọi Quốc hội bổ sung quỹ vào một CR để giúp giải quyết hai vấn đề khẩn cấp khác là ứng phó với các trận thiên tai gần đây cũng như thực hiện các cam kết của chúng ta đối với người tị nạn Afghanistan và các đối tác”.