"Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về vai trò gây hại của họ trong đại dịch này", Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, một trong những người đề xuất "Đạo luật Trách nhiệm giải trình đại dịch Covid-19", tuyên bố.
"Việc họ lừa dối về nguồn gốc và mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 khiến thế giới phải trả giá bằng thời gian quý giá và nhiều mạng sống".
Đạo luật này sẽ cho Tổng thống Trump 60 ngày để trình quốc hội rằng Trung Quốc đã cung cấp thông tin đầy đủ hay chưa về đại dịch Covid-19? Từ đó tiến hành một cuộc điều tra có thể do Mỹ và các đồng minh dẫn dắt hoặc một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nếu không thể xác nhận những thông tin trên, ông Trump sẽ được ủy quyền để áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc, như đóng băng tài sản, cấm đi lại, hủy bỏ thị thực hay hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường vốn và tài chính ngân hàng Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng phải xác nhận Trung Quốc đã đóng cửa các chợ động vật hoang dã tươi sống có rủi ro lây nhiễm cao hay chưa.
Chính quyền Tổng thống Trump ngày càng gia tăng chỉ trích với cách Trung Quốc xử lý ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch.
WHO tuyên bố dịch Covid-19 là "mối lo ngại toàn cầu về tình huống khẩn cấp y tế công cộng" vào ngày 30-1 và Mỹ bắt đầu cấm người từ Trung Quốc nhập cảnh vài ngày sau đó.
Tuy nhiên WHO đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm trên và cho rằng đây có thể là động thái phân biệt chủng tộc.
Theo mốc thời gian WHO công bố, Trung Quốc lần đầu báo cáo một căn bệnh lạ như viêm phổi vào ngày 31-12-2019 và cung cấp thông tin diễn biến về dịch bệnh bí ẩn trong tháng một.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3-5 tuyên bố "có bằng chứng to lớn" cho thấy virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo một số bản tin, Tổng thống Trump đã giao nhiệm vụ cho các điệp viên Mỹ tìm hiểu về nguồn gốc dịch Covid-19.
Viện virus học Vũ Hán bác giả thuyết virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm của mình.
Tuy nhiên Bắc Kinh lại từ chối các cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19 bất kể đó là đề xuất của WHO. Việc biết được ngồn gốc dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn cho nền y khoa thế giới trong tương lại khi phải chống chọi với dịch bệnh lây nhiễm chết người.
Trung Quốc cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc "giấu dịch", khẳng định đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về dịch bệnh cho WHO và các nước khác. Bắc Kinh cũng khẳng định giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "phi thực tế và vô căn cứ".
Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán tháng 12-2019, đã xuất hiện tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 292.000 người tử vong.
Hiện các nhà nghiên cứu y khoa đang cố gắng tìm ra phương thuốc chống lại dịch bệnh nguy hiểm nay, tuy nhiên họ cảnh báo sẽ mất vài tháng thậm chí cả năm mới có được veccine phòng dịch.
Việt Hùng (Theo Reuters)