Thượng viện Pháp 'bật đèn xanh' cho luật chống dịch COVID-19

Thượng viện Pháp ngày 22/3 đã 'bật đèn xanh' cho luật chống dịch COVID-19, theo đó, Pháp sẽ thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian 2 tháng.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân khỏi bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân khỏi bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, luật này cũng cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các pháp lệnh và hoãn vòng 2 cuộc bầu cử địa phương muộn nhất tới tháng 6.

Tính đến tối 22/3, Pháp đã ghi nhận 674 trường hợp tử vong do COVID-19, tăng 112 ca trong 24 giờ qua. Giới chức y tế cho biết 87% người chết là trên 70 tuổi. Tổng số ca nhiễm virus là 16.018, tăng 1.559 bệnh nhân. Trong số 7.240 người phải nhập viện, có 1.746 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, giới chức y tế xác nhận rằng số lượng bệnh nhân được phát hiện qua xét nghiệm thấp hơn thực tế vì Pháp không xét nghiệm đại trà.

* Tại Anh, nhiều cửa hàng thời trang, công viên của Anh đã tuyên bố tạm thời đóng cửa nhằm giảm thiểu các nguy cơ do dịch COVID-19 có thể gây ra, trong bối cảnh hiện Chính phủ Anh mới chỉ yêu cầu buộc các nhà hàng, quán bar và pub ở Anh đóng cửa.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm ở London, Anh ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm ở London, Anh ngày 18/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại London, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ trả lương cho tất cả người lao động không thể đi làm do dịch COVID-19, bất kể trong lĩnh vực công hay tư. Quyết định đưa ra nhằm bảo vệ người lao động không bị mất việc. Chính phủ sẽ trả 80% lương của người lao động nếu người chủ vẫn giữ người lao động đó, mức trả này lên tới 2.500 bảng/tháng. Nhiều chủ cửa hàng bán lẻ và khách sạn đã cảnh báo đại dịch sẽ dẫn đến họ bị phá sản, nguy cơ nhiều nghìn người lao động sẽ bị rơi vào tình trạng mất việc.

Trước tình hình người dân Anh vẫn tập trung đông tại các địa điểm công cộng bất chấp khuyến cáo của chính phủ về việc giữ khoảng cách an toàn, một số công viên lớn tại London nói riêng và trên khắp nước Anh nói chung đã tuyên bố đóng cửa. Các kiốt, quán cafe tại các công viên Hoàng gia Hyde và St James' tại London đều đóng cửa, các đường dẫn vào các công viên Richmond, Bushy, Greenwich... đều đóng, chỉ dành lối cho người đi bộ và đi xe đạp.

Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết hệ thống tàu điện ngầm London sẽ không đóng hoàn toàn mà vẫn để mở một số tuyến chính để những người trong "tuyến đầu" đối phó dịch bệnh dùng làm phương tiện đi lại. Ông cũng khuyến cáo những người khác không nên sử dụng hệ thống tàu điện ngầm.

Hệ thống y tế công NHS đã xác định có 1,5 triệu người sống tại vùng England thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao cần ở nguyên trong nhà trong 12 tuần lễ tới. Phó trưởng trợ lý y tế vùng England, Tiến sĩ Jenny Harries phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày của Chính phủ cho biết hiện khoảng 12% số giường bệnh chuyên dành cho các bệnh nhân bệnh nặng hiện đã được dùng cho các bệnh nhân bị nhiễm virus. Bà cũng cảnh báo con số này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong những ngày tới.

Linh Hương - Diễm Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/thuong-vien-phap-bat-den-xanh-cho-luat-chong-dich-covid19-20200323070013494.htm