Thương vụ bán cây cầu hỏng giá 10 triệu USD từ Anh sang Mỹ

Cầu London (Mỹ) vốn thuộc về nước Anh. Tuy nhiên, chính quyền nước Anh đã bán cây cầu này cho Mỹ khi nó không thể sử dụng được nữa.

Từ London (Anh), cây cầu cùng tên này đã có "một chuyến đi dài" tới Arizona (Mỹ). Dù cây cầu đã có dấu hiệu hư hại, một doanh nhân người Mỹ vẫn quyết định mua lại nó. Nhiều người nghĩ ông ta có vấn đề nhưng sau cùng, vị doanh nhân đã đúng.

Thương vụ kỳ lạ

Đầu những năm 1960, các quan chức ở Anh được thông báo cầu London của họ "đang bị sập". Cây cầu dài gần 300 m này đã sừng sững ở đó 130 năm. Nó vẫn có thể sử dụng được dù đã bị hư hại trong Thế chiến 2. Tuy nhiên, cây cầu không còn đáp ứng được cho tình trạng giao thông hiện tại. Các báo cáo chỉ ra cứ mỗi năm, cây cầu lại chìm dần xuống sông Thames với tốc độ khoảng 2,5 cm/năm.

Chính quyền không có ý định cải tạo nó. Thay vào đó, họ quyết định làm một cây cầu mới tốt hơn. Sau 130 năm, cây cầu từ đá granit này chuẩn bị được ném vào bãi phế liệu. Tuy nhiên, một ủy viên hội đồng thành phố tên Ivan Luckin nghĩ khác. Ông thuyết phục mọi người trong hội đồng bán cây cầu cho nước Mỹ. Năm 1968, Luckin lên đường đến Mỹ để rao bán "món hàng hỏng".

 Trước khi xuất hiện ở Arizona, cây cầu bị xem là đồ bỏ đi tại London. Ảnh: Alamy.

Trước khi xuất hiện ở Arizona, cây cầu bị xem là đồ bỏ đi tại London. Ảnh: Alamy.

Bản thân ngài ủy viên cũng hiểu đó là món hàng khó bán. Cây cầu này được hoàn thành vào năm 1831 với bản thiết kế của kỹ sư John Rennie. Dù vậy, chính những người Anh cũng chẳng mấy ấn tượng với nó. Thiết kế của cầu London không có gì nổi bật so với những cây cầu cùng thời.

Tuy nhiên, qua lời Luckin, cây cầu nhạt nhòa này lại trở thành một chứng nhân vượt thời gian. Ông tuyên bố trong cuộc họp báo ở New York (Mỹ): "Cầu London không chỉ là một cây cầu. Nó đã kế thừa 2.000 năm lịch sử từ thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên cho tới thời kỳ La Mã Londinium".

Những tuyên bố đó đã nhận được sự chú ý của Robert McCulloch, một doanh nhân kiếm được hàng triệu USD từ các công ty bán dầu, động cơ và cưa máy. Ông nổi tiếng trên thương trường là người lập dị. McCulloch từng nói bí quyết thành công của mình chỉ gói gọn trong từ "rượu chè". Doanh nhân này cũng nổi tiếng với những thương vụ "hoang đường".

Vào năm 1963, ông mua hàng nghìn mẫu đất gần hồ Havasu (Arizona), một vùng nước bị cô lập do con đập trên sông Colorado tạo ra. McCulloch thành lập cộng đồng thành phố Hồ Havasu tại địa điểm này và thiết kế nó thành ốc đảo du lịch. Tuy nhiên, khách chẳng thấy đâu.

Khi nghe cộng sự CV Wood nói về thương vụ bán cầu London, McCulloch nhận định đó là thứ mình còn thiếu trong ốc đảo du lịch này.

"Ý tưởng thật buồn cười khi bạn muốn đưa cây cầu đến sa mạc Amazon. Tôi muốn cây cầu đó. Kể cả không dùng cho việc du lịch, tôi vẫn sẽ mua", ông chia sẻ với Chicago Tribune.

Thành công ngoài mong đợi

Các cuộc đàm phán được thực hiện nhanh chóng vào mùa xuân năm 1968. Mức giá cuối cùng là 2,46 triệu USD được chấp thuận và McCulloch trở thành chủ nhân của món đồ cổ lớn nhất thế giới.

Ông cùng cộng sự Wood bắt tay vào việc chuyển cây cầu từ London đến Arizona. Dĩ nhiên, họ không bê cả cây cầu đi. Toàn bộ cấu trúc cầu được dỡ ra với 33.000 tấn đá. Chúng được gói vào thùng và vận chuyển qua kênh đào Panama tới Long Beach, California (Mỹ). Từ đây, một đội xe tải sẽ đưa cây cầu London qua sa mạc, tới hồ Havasu.

 McCulloch đứng trên cầu London khi nó chuẩn bị được tháo dỡ (ảnh chụp tháng 4/1968). Ảnh: History.

McCulloch đứng trên cầu London khi nó chuẩn bị được tháo dỡ (ảnh chụp tháng 4/1968). Ảnh: History.

Người chủ mới cũng biết tình trạng hiện tại của cây cầu không thể đáp ứng giao thông hiện đại. Do đó, họ đã cho làm một lõi rỗng bằng bê tông cốt thép rồi phủ bằng 10.000 tấn đá granit nguyên bản từ thế kỷ 19. Sau 3 năm vận chuyển, lắp ráp, nạo vét, McCulloh đã phải bỏ tới 7 triệu USD cho cây cầu hơn 130 tuổi này. Con số 7 triệu USD gấp tới 7 lần số tiền doanh nhân người Mỹ đã chi để tạo nên thành phố Havasu.

Vào 10/10/1971, cầu London chính thức ra mắt người dân nước Mỹ với một buổi tiệc phô trương của McCulloch. Ông ta thuê đội nhảy dù, ban nhạc diễu hành, khinh khí cầu... Bữa tối cũng tái hiện bữa ăn được phục vụ cho Vua William IV trong lễ khánh thành ban đầu của cầu London vào năm 1831, có tôm hùm, bò nướng...

New York Times dẫn lời một phóng viên người Anh: "Thật điên rồ, điều này chỉ có thể xảy ra ở Mỹ. Chỉ có người Mỹ mới nghĩ đến việc đầu tư nhiều như vậy vào một thứ như thế".

Không chỉ phóng viên đó, nhiều người cũng nghĩ McCulloch và Wood đã bị lừa. Dường như, họ đang nghĩ mình mua được cây cầu tháp London mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, sau cùng, 2 doanh nhân người Mỹ đã có thể nở nụ cười đắc thắng.

Việc mua cây cầu là cách tiếp thị thành phố Havasu cần. Vào năm 1960, dân số thành phố chỉ vỏn vẹn vài trăm người. Con số này đã tăng lên 10.000 người vào năm 1974. Năm 1975, phòng thương mại thành phố thông báo đã có 2 triệu du khách ghé thăm cây cầu London vào năm trước.

Sau 185 năm, cây cầu vẫn sừng sững ở đó và McCulloch đã đúng.

Hoài Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-vu-ban-cay-cau-hong-gia-10-trieu-usd-tu-anh-sang-my-post1356107.html