Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram - Nếu chúng ta không tạo ra thứ có thể giết chết Facebook, người khác sẽ làm

Khi Facebook mua lại một công ty, họ sẽ tìm cách tiếp thu công nghệ, đổi thương hiệu sản phẩm và lấp đầy những thiếu sót bằng năng lực sẵn có của họ.

Việc để Instagram duy trì sản phẩm sẽ phá vỡ quy trình sáp nhập, và bản thân họ không rõ là sẽ thực hiện việc này bằng cách nào.

Rất tệ nếu áp đặt cách làm của Facebook lên Instagram

“Làm sao chúng ta có thể hợp nhất với một công ty như thế này?”, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Facebook là Michael Schroepfer hỏi. Sau nhiều giờ thảo luận và mấy đêm mất ngủ, giám đốc sáp nhập Amin Zoufonoun đã trở thành một tín đồ Instagram thực thụ, anh đáp: “Schrep, chúng ta đang mua lại một điều kỳ diệu. Và chúng ta đang trả tiền để sở hữu điều kỳ diệu đó. Chúng ta không trả 1 tỉ đô-la để có được 13 nhân viên. Điều tệ nhất mà chúng ta có thể làm là áp đặt cách làm của Facebook lên họ quá sớm. Cái cây đang ra hoa, và chúng ta chỉ cần nuôi dưỡng nó. Ta không cần phải cắt tỉa hay tạo hình cho nó vào thời điểm này”.

Mark Zuckerberg giám đốc điều hành của Facebook đồng tình với ý kiến của Zoufonoun. Anh gửi email cho hội đồng quản trị Facebook để báo cho họ biết chuyện gì đang xảy ra. Đó là lần đầu tiên họ nghe về thương vụ khổng lồ này, nhưng mọi chuyện xem như đã xong. Vì Zuckerberg giữ đa số quyền biểu quyết trong công ty, nên vai trò của hội đồng quản trị chỉ là đóng thêm con dấu vào các quyết định của anh.

Trong khi đó, nhà sáng lập Systrom vấp phải nhiều sự phản đối hơn từ hội đồng quản trị của anh. Steve Anderson, người điều hành Baseline Ventures, một công ty chuyên đầu tư vào giai đoạn đầu của các công ty khởi nghiệp, đặc biệt cảm thấy khó hiểu và đã tranh cãi kịch liệt với Systrom. Mới một tuần trước, Systrom còn huy động tiền để phát triển công ty về lâu dài.

“Điều gì đã khiến anh thay đổi ý định như thế chứ?”, Anderson gặng hỏi Systrom, lúc này đang ngồi nghe điện thoại trong chiếc ô-tô đậu trên đường dẫn vào nhà Zuckerberg. “Nếu là chuyện tiền bạc, tôi có thể huy động cho cậu bất kỳ khoản tiền nào mà Zuckerberg sẵn sàng trả.”

Anderson cho rằng Facebook đang cố tình định giá cổ phiếu của họ thấp để làm cho thương vụ này nghe có vẻ ít điên rồ hơn, và sự thật là Instagram phải có giá từ 1,2 tỉ đến 1,3 tỉ đô-la. Nếu đợi thêm một thời gian ngắn, Facebook có thể phải mất đến 5 tỉ đô-la để mua lại Instagram và loại trừ đối thủ cạnh tranh.

Systrom đưa ra bốn lý do. Đầu tiên, anh nhắc lại lập luận của Zuckerberg: giá trị cổ phiếu của Facebook có thể sẽ tăng, và giá trị của thương vụ này cũng có khả năng tăng lên theo thời gian. Thứ hai, Systrom sẽ loại được một đối thủ cạnh tranh lớn, vì nếu Facebook sao chép hoặc nhắm trực tiếp vào Instagram thì nó sẽ khó phát triển hơn rất nhiều. Thứ ba, Instagram sẽ được hưởng lợi từ toàn bộ cơ sở hạ tầng của Facebook, từ các trung tâm dữ liệu cho đến những người biết cách thực hiện tất cả những điều mà Instagram cần học hỏi trong tương lai.

Thứ tư, cũng là điều quan trọng nhất, anh và Krieger sẽ không bị phụ thuộc vào Facebook.

Instagram có phải là một phần của “chúng ta” hay…

“Zuckerberg đã hứa với tôi là anh ấy sẽ để chúng tôi điều hành Instagram như một công ty riêng biệt”, Systrom trình bày.

“Anh tin lời hứa đó sao?”, Anderson hoài nghi hỏi lại. Anh đã chứng kiến không ít người mua sẵn sàng nói bất cứ điều gì họ cần nói để hoàn tất giao dịch và sau đó nuốt lời.

“Tin chứ. Tôi thật sự rất có lòng tin.”

Nếu Systrom tự tin đến vậy, Anderson sẽ không cản đường. Ít nhất thì cả Systrom lẫn Anderson đều tin vào giá trị cổ phiếu của Facebook. Matt Cohler nhà đầu tư và tham gia trong hội đồng quản trị của Instagram đã nói với họ là Facebook đang được vận hành trơn tru. Vốn là cựu nhân viên Facebook, Cohler đã bị các bên liên quan réo gọi suốt kỳ nghỉ ở Thụy Điển. Anh hết nói chuyện với Zuckerberg, trả lời điện thoại của Systrom, rồi lại nhận cuộc gọi của Zuckerberg… tất cả đều vào ban đêm.

Trong khi đó ở Palo Alto, các điều khoản đã được giải quyết khá êm đẹp, vừa kịp lúc để Zuckerberg tổ chức một buổi hội họp nho nhỏ cho mọi người cùng xem tập phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) của tối hôm đó. Systrom không xem phim. Cuối buổi tối hôm đó, anh ký hợp đồng trong phòng khách nhà Zuckerberg. Chữ ký của anh có kí tự “K” và “S” to rõ rệt, còn phần “Systrom” thì giống như một ngôi sao.

Mô hình của vụ mua lại Instagram - một công ty được mua lại không vì mục đích hợp nhất - về sau đã trở thành một tiền lệ quan trọng trong hoạt động mua bán và sáp nhập công ty công nghệ, nhất là khi các công ty khổng lồ ngày càng trở nên bề thế, còn các công ty nhỏ bé như Instagram thì muốn tìm một giải pháp để cạnh tranh thay vì chịu chết. Quyết định để Instagram tồn tại độc lập trong Facebook sau này cũng giúp Zuckerberg đạt được một số thỏa thuận bất khả thi với những nhà sáng lập cứng rắn, đáng kể nhất là khi anh mua lại ứng dụng trò chuyện WhatsApp và công ty thực tế ảo Oculus VR vào năm 2014.

Nhưng đa phần, thỏa thuận với Instagram đã mang lại cho Zuckerberg một lợi thế cạnh tranh to lớn. Một giám đốc của Facebook từng nói về tầm quan trọng của thương vụ như sau: Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Microsoft mua Apple lúc Apple vẫn còn nhỏ bé. Chắc hẳn Microsoft sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đó chính là những gì Facebook đã có được khi mua lại Instagram.

Đó là một phép so sánh bất cân xứng. Suy cho cùng, thách thức lớn nhất của vụ hợp nhất Instagram không phải là duy trì tốc độ tăng trưởng và tuổi thọ sản phẩm, mà là dung hòa cái tôi của các nhà sáng tạo và nền văn hóa riêng biệt của hai công ty. Trong kịch bản tưởng tượng nói trên, liệu Microsoft có được nhận công trạng khi Apple tạo ra iPhone không? Và một nhà sáng tạo lập dị như Steve Jobs có thể tồn tại bao lâu trong môi trường tập đoàn phân cấp như Microsoft?

Zuckerberg không chắc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng những động lực thúc đẩy anh đã được tóm lược trong quyển sổ tay nhỏ màu đỏ cam và phát cho các nhân viên mới của Facebook vào buổi định hướng mỗi sáng thứ Hai. Ở một trang gần cuối, quan điểm lãnh đạo khác thường của Zuckerberg được trình bày bằng chữ màu xanh nhạt trên nền giấy màu xanh nước biển như sau: “Nếu chúng ta không tạo ra thứ có thể giết chết Facebook, người khác sẽ làm. Internet không phải là một không gian thân thiện. Những thứ lỗi thời thậm chí còn chẳng được hưởng sự xa xỉ của việc bị lãng quên. Chúng đơn giản là biến mất”.

Câu hỏi mà Systrom đặt ra sáu năm sau đó là: Zuckerberg xem Instagram là một phần của “chúng ta” hay là của “một ai đó khác”.

H.V

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thuong-vu-facebook-thau-tom-instagram-neu-chung-ta-khong-tao-ra-thu-co-the-giet-chet-facebook-nguoi-khac-se-lam-195510.html