Thương vụ M&A xúc xích Đức Việt và Daesang: Đến đỉnh thì nên M&A

Đã 3 năm sau khi thương hiệu xúc xích Đức Việt thuộc về chủ mới là một tập đoàn Hàn Quốc, nhưng tên công ty, thương hiệu thành phẩm và hàng trăm công nhân đang sản xuất vẫn được giữ lại từ di sản của nhà sáng lập đã gây dựng.

Đức Việt được đánh giá biết giữ chữ tín khi quyết định thực hiện thương vụ M&A với Daesang. Ảnh: Đức Thanh

Rời ao nhà để bơi ra biển lớn

TS. Toán học Mai Huy Tân, sinh năm 1949 là nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt từ năm 2000, sau hơn 30 năm làm công chức nhà nước. Ông cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Đức Việt trong 16 năm, trước khi Daesang Corp (Hàn Quốc) mua lại với giá 710 tỷ đồng, tương đương 32 triệu USD cách đây 3 năm.

Xưởng xúc xích đầu tiên nằm trên diện tích 200 m2 với 10 công nhân sản xuất 100 kg xúc xích/ngày và đến thời điểm thương vụ M&A bắt đầu, công suất nhà máy của Đức Việt đạt trên 7.000 tấn/năm.

Ông Tân tự hào, khi ấy, Đức Việt là một trong 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam trong sản xuất xúc xích. Đến giờ, Đức Việt vẫn giữ vững vị thế này, với mảng xúc xích tươi chiếm khoảng gần 25%, phần còn lại thuộc về 30 doanh nghiệp khác.

Nhưng dân gian có câu “thuyền to thì sóng cả”, bởi vậy, doanh nghiệp khi có tên tuổi, thương hiệu sẽ phải đối mặt với rất nhiều sóng gió bởi họ đã rời ao nhà để bơi ra biển lớn. Từ một doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, phát triển nhanh với tổng tài sản đạt 320 tỷ đồng và doanh thu năm 2015 là hơn 600 tỷ đồng, nên “nhiều lúc tôi mệt mỏi và cảm thấy rất khó khăn”, ông Tân nói.

Khi còn là Chủ tịch HĐQT, từ cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, trong những buổi họp, ông Tân cùng các thành viên luôn đặt ra một câu hỏi rất thẳng thắn rằng, liệu Đức Việt có đủ năng lực để tiếp tục giữ vị thế? Cạnh tranh như thế nào với Vissan, một doanh nghiệp có thâm niên hơn 40 năm, do Nhà nước sở hữu với vốn điều lệ gấp hàng trăm lần? Sự hùng mạnh của Tập đoàn CP (Thái Lan) khi đầu tư 1,5 tỷ USD vào các nhà máy thực phẩm liệu có thể “xóa sổ” Đức Việt?

“Chính trong lúc luận bàn với nhau, chúng tôi nhận thấy, khi phát triển đến đỉnh thì nên thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A)”, ông Tân nhớ lại.

Thực ra, ý định thực hiện M&A đã le lói xuất hiện từ năm 2011. Khi ấy, một số công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Mekong Capital đã ngỏ ý đầu tư vào Đức Việt.

Đức Việt cũng đàm phán với họ, xem có thể thu hút được nguồn vốn từ các quỹ để phát triển công ty hay không thì mới nhận ra một điều mà nhiều công ty đã coi là bài học. Đó là, sự lệ thuộc vào nhà đầu tư, khúc mắc trong định giá, công tác quản trị và điều hành phải phụ thuộc vào cam kết tỷ suất hoàn vốn ở mức cao.

“Họ kiếm lời dựa vào lao động của mình. Tôi nghĩ, đây chưa chắc đây là con đường tối ưu để thu hút vốn”, ông Mai Huy Tân chia sẻ.

Vả lại, theo lời ông Tân, khi ấy, xúc xích Đức Việt là thương hiệu uy tín đến mức “các ngân hàng đổ xô đề nghị cho vay mà không cần thế chấp”.

Nửa năm hoàn tất thương vụ với Daesang

Đức Việt không tìm quỹ đầu tư tài chính, mà lên kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược để hợp tác. Theo ý kiến của HĐQT Đức Việt, nhà đầu tư chiến lược phải cùng ngành nghề, có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ, nhằm phát huy thế mạnh của Đức Việt để tiếp tục mở rộng thị trường. Sau khi thống nhất quan điểm trên, HĐQT Đức Việt ra nghị quyết tìm cổ đông chiến lược.

Đội ngũ Đức Việt lẳng lặng làm M&A, họ không công bố và tuyên truyền nhiều. Điều đáng lưu ý là, cùng thời điểm thương vụ M&A của Đức Việt diễn ra, thì cả thị trường cũng như giới đầu tư dành sự chú ý vào cuộc đua của Masan và CJ để giành mua cổ phần Vissan. Theo đó, Tập đoàn Masan đã giành chiến thắng khi chi tới 2.130 tỷ đồng mua 25% cổ phần của ông lớn trong ngành thịt chế biến, xúc xích tại Việt Nam.

Ông Tân tiết lộ rằng, khi đó cả CJ và Daesang cùng ngỏ ý “hợp duyên” với Đức Việt. Mặc dù CJ đặt vấn về trước, bất chấp tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Đức Việt là 33%, trong khi của Vissan chỉ khoảng 10%, nhưng CJ “chê” quy mô Đức Việt nhỏ, nên tập trung mọi nguồn lực chạy đua cuộc cạnh tranh mua cổ phần Vissan. Đến khi quay lại thì Đức Việt đã chốt thương vụ với Daesang! Dù thương vụ M&A đã diễn ra được 3 năm, nhưng cho đến nay, ông Tân vẫn rất tâm đắc khi Đức Việt được bán lại cho một đối tác “rất mạnh mẽ và nghiêm túc”.

Khi đó, Daesang giới thiệu về bản thân, doanh thu 3 tỷ USD năm 2016, mời lãnh đạo Đức Việt sang Hàn Quốc và tới thăm nhà máy của họ tại Việt Nam như Miwon. Đức Việt cảm nhận, ngoài vị thế của một nhà công nghiệp lâu đời trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Deasang còn có ý định chân thành trong thương vụ mua Đức Việt.

“Quá trình hai bên tập trung đàm phán cũng diễn ra rất lặng lẽ. Họ thuê công ty tư vấn để thẩm định đầu tư, xem xét hệ thống sổ sách thì hết sức hài lòng, vì kiểm toán hàng năm của Đức Việt đều trong nhóm Big4”, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt chia sẻ, minh bạch tài chính giúp quá trình định giá diễn ra rất nhanh. Từ thời điểm ký biên bản ghi nhớ, đến lập dự thảo hợp đồng cho tới khi hoàn tất chỉ mất đúng 6 tháng.

Định giá mà Daesang đưa ra, theo ông Tân là phù hợp, nên ông “không tiếc nuối bất kỳ điều gì” sau thương vụ này.

“Tôi được biết, cộng đồng người Hàn Quốc có rỉ tai nhau về việc, Đức Việt biết giữ chữ tín khi CJ định chi 39 triệu USD để mua Đức Việt, nhưng Đức Việt vẫn được bán cho Daesang với giá 32 triệu USD”, nhà sáng lập Đức Việt tiết lộ.

“Đức Việt đóng thuế theo đúng luật để đồng tiền từ lúc mình sản xuất đến khi chuyển quyền sở hữu đều minh bạch và sạch”, ông Tân tự hào.

Cho tới nay, những buổi liên hoan tất niên theo văn hóa người Việt, cũng như những dịp quốc lễ xứ sở Kim Chi vẫn được lãnh đạo Đức Việt hiện thời và ban lãnh đạo Đức Việt ngày trước thường xuyên thực hiện.

Mỗi khi nhớ mùi xúc xích, hay thèm được hòa mình vào không khí hối hả của công xưởng, ông Tân vẫn đến nhà máy và trong những dịp đó, ông luôn nói với cán bộ nhân viên rằng, “dù người Hàn hay người Việt, thì đều là doanh nghiệp kinh doanh trên đất nước mình, nên hãy hết lòng làm việc”.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-vu-ma-xuc-xich-duc-viet-va-daesang-den-dinh-thi-nen-ma-d104963.html