Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất bổ sung cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội

Chiều ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Cơ bản tán thành với việc cần ban hành cơ chế đặc thù để Hà Nội xứng đáng với vị thế Thủ đô, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một số nội dung lớn chỉ có thể trình Quốc hội sửa Điều 21 Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết theo thẩm quyền mới giải quyết được chứ không chỉ dừng lại ở việc sửa Nghị định của Chính phủ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất nâng mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố từ 70% lên 90%. Tuy nhiên, phải trên nguyên tắc Thủ đô đảm bảo nguồn trả nợ theo Luật Ngân sách.

Các ý kiến cũng nhất trí với đề nghị cho phép TP tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng với thời hạn tạm ứng là 36 tháng.

Một nội dung khác là Chính phủ đề nghị cho phép HĐND TP Hà Nội được quyết định dự toán chi ngân sách TP lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, căn cứ vào yêu cầu thực tế nhiệm vụ KT- XH của TP, phù hợp mức độ xã hội hóa đối với các lĩnh vực này trên địa bàn.

Trước đó, trong thẩm tra vấn đề này, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức bố trí 2% cho khoa học công nghệ, 20% cho giáo dục và đào tạo tính trong tổng thể chi ngân sách quốc gia. Còn mức bố trí cho từng địa phương trong thực tế có thể cao hoặc thấp hơn. Như vậy, đã bảo đảm tính chủ động của địa phương, không cần thiết quy định nội dung này như Dự thảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc vấn đề này, tuy nhiên có thể tính đến hướng đảm bảo tỷ lệ 2% và 20% là ở cấp TP, còn Hà Nội có thể căn cứ tình hình thực tế để bố trí ở cấp dưới cao hoặc thấp hơn nhưng trung bình phải đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc họi Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc họi Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quochoi.vn

Trong Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ - CP kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội, đồng thời bảo đảm quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở TP. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô Hà Nội phải đặt trong mối quan hệ TP vì cả nước và cả nước vì TP phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng tiềm năng, lợi thế và khả năng chủ động của Thủ đô cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến tán thành với các lý do như Chính phủ trình về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định số 63 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.

 Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, những nội dung Chính phủ trình sửa đổi Nghị định hiện nay đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô. Vì vậy, để bảo đảm đúng thẩm quyền và phù hợp với việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù (một số cơ chế có thời hạn 3 năm, có cơ chế áp dụng dài hạn), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô hoặc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, do trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Đề án cải cách tiền lương mới từ tháng 7/2021 để thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương về cải cách tiền lương. Vì vậy, tại thời điểm này không nên xem xét, điều chỉnh các chính sách tiền lương hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong phần kết luận cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, bởi từ 1/1/2021 thì chính sách tiền lương sẽ thống nhất toàn quốc trong hệ thống chính trị, những nơi thí điểm cũng chỉ đến ngày 31/12/2020. Thực tế việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm ở TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy gặp nhiều khó khăn.

Từ phân tích trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 trước khi bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét quyết định.

Vũ Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuong-vu-quoc-hoi-dong-y-voi-de-xuat-bo-sung-co-che-tai-chinh-dac-thu-cho-ha-noi-382574.html