Thương vụ S-400: Hé lộ giai đoạn cuối bàn giao 'Rồng lửa' cho Ankara

Giai đoạn chuyển giao cuối cùng hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 1112 tới, Sputnik dẫn lời Tổng thống Erdogan cho biết.

Tháng 7 vừa qua, Nga bắt đầu chuyển giao gói hàng thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các trang thiết bị của hệ thống được mệnh danh là “Rồng lửa” này đã được Moscow chuyển tới sân bay quân sự Murted nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 12/7.

 Hệ thống phòng không S-400 - được mệnh danh là "Rồng lửa" của Nga

Hệ thống phòng không S-400 - được mệnh danh là "Rồng lửa" của Nga

Sau đó, đến giữa tháng 9/2019, giai đoạn thứ hai của việc chuyển giao S-400 cho Ankara đã hoàn thành. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, các hệ thống phòng không của Nga sẽ hoạt động đầy đủ vào tháng 4 năm 2020.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong năm 2017 đã ký kết hoàn tất một thương vụ mua bán các hệ thống phòng không S-400. Bản thỏa thuận này lập tức khiến chính quyền Ankara bị đặt ở vị trí bất đồng với Washington - bên cực lực phản đối thỏa thuận này, cho rằng việc mua các vũ khí hiện đại của Nga gây phương hại tới an ninh của khối đồng minh NATO và đi ngược lại các lợi ích của Mỹ.

Việc chuyển giao các hệ thống phòng không mới nhất, gây ra khủng hoảng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, đã bắt đầu vào giữa tháng Bảy. Washington yêu cầu từ bỏ thỏa thuận và đổi lại để có được các hệ thống Patriot của Mỹ, đe dọa sẽ trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ việc bán máy bay chiến đấu F-35 mới nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt theo CAATSA (Luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt). Ankara từ chối nhượng bộ.

S-400 Triumf (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế.

S-400, một phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300, là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời.

Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm bốn loại tên lửa mới cho hệ thống, giúp người sử dụng có thể tùy chỉnh các tên lửa mang theo nhằm tăng khả năng tác chiến chống lại các thể loại mục tiêu nhất định. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120km với tên lửa 9M96; 250km với tên lửa 48N6; và tới 400km với tên lửa 40N6.

S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km và cao 40-50km; có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu.

Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10m. Chưa hết, S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách tới 400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km

So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số. S-400 chỉ mất có 5 phút để triển khai chiến đấu, trong khi PAC-3 cần tới 30 phút; S-400 có tầm bắn 400km xa hơn 240km của PAC-3; S-400 có thể theo dõi tới 300 mục tiêu trong khi số mục tiêu mà PAC-3 có thể theo dõi là 100; cự ly phát hiện mục tiêu của S-400 cũng lớn hơn PAC-3 (600km so với 350km); S-400 cũng có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn PAC-3 (4,8km/s so với 2 km/s).

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/thuong-vu-s-400-he-lo-giai-doan-cuoi-ban-giao-rong-lua-cho-ankara-316970.html