Thường xuyên đau đầu, choáng váng có phải do huyết áp thấp?

Một số người đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, đo huyết áp thấy thấp nên vội vàng tự uống thuốc nâng huyết áp, điều này rất nguy hiểm.

Tôi hay bị đau đầu, mệt mỏi, thi thoảng choáng váng và buồn nôn. Tôi đi khám, bác sĩ bảo tôi bị huyết áp thấp và những lúc choáng váng như vậy là do huyết áp hạ thấp quá mức bình thường. Bệnh huyết áp thấp là gì và có thuốc nào chữa khỏi?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, trả lời:

Không giống như tăng huyết áp, huyết áp thấp không phải là một bệnh, đó là một trạng thái hay triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Gọi là huyết áp thấp khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg.

Vì là một trạng thái hay triệu chứng nên mức độ ảnh hưởng của huyết áp thấp tùy thuộc vào bệnh lý gây nên (ví dụ bị trụy tim mạch do mất nước, mất máu, suy tim, hay tụt huyết áp do dùng quá liều các thuốc hạ huyết áp; các bệnh nội tiết như suy tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận...).

Rất nhiều người (nhất là phụ nữ) khi đo huyết áp thường xuyên thấy thấp (ví dụ 90/60 mmHg), nhưng vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường mà không gây ra biến chứng nào như khi bị tăng huyết áp.

Vì vậy, nếu kiểm tra huyết áp thấy thấp, kèm theo các triệu chứng khác như đã mô tả thì cần phải khám xét xem có bệnh lý nào khác không, hay có dùng một loại thuốc nào khác ảnh hưởng tới huyết áp hay không.

Bệnh nhân cũng nên kiểm tra huyết áp nhiều lần, với nhiều người kiểm tra; lý tưởng nhất là đo liên tục 24 giờ theo phương pháp Holter.

Bác sĩ sẽ có cơ sở chính xác để nhận định về mức huyết áp và có kết luận cụ thể xem có phải các triệu chứng khó chịu đó là do huyết áp thấp hay không. Nếu mức huyết áp luôn thấp, kể cả lúc cảm thấy bình thường, hay khi có triệu chứng khó chịu, thì không nên coi các triệu chứng đó là do huyết áp thấp.

Vì huyết áp thấp không phải là một bệnh nên phương pháp điều trị tùy thuộc vào bệnh lý chính gây ra huyết áp thấp.

Trường hợp dùng quá liều các thuộc hạ huyết áp thì phải điều chỉnh lại thuốc và liều lượng; hay do các bệnh nội tiết thì phải điều trị các bệnh này; nếu do mất nước và điện giải (trong các trường hợp tiêu chảy; nôn…) thì phải bổ sung đầy đủ nước và điện giải kết hợp với dùng các thuốc nâng huyết áp.

Trong trường hợp của bạn, nếu lúc huyết áp hạ thấp đến mức choáng váng, bạn có thể nằm nghỉ ngơi một lúc hoặc uống nước trà gừng ấm, huyết áp sẽ trở lại bình thường.

Nếu vẫn chưa hết, bạn có thể sử dụng tạm thời một số thuốc nâng huyết áp (do bác sĩ kê). Nếu thường xuyên vẫn thấy các triệu chứng của huyết áp thấp, cần phải đi khám toàn diện để phát hiện các bệnh lý gây nên triệu chứng này và điều trị kịp thời. Tránh uống các thuốc nâng huyết áp thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến tác dụng phụ bất lợi.

Trên thực tế, chúng tôi gặp một số bệnh nhân đến khám, nói là bị huyết áp thấp (thường tự đo bằng máy cơ học hoặc nhờ đo tại gia đình), nhưng khi đo huyết áp, chúng tôi lại thấy huyết áp cao. Những bệnh nhân này nếu vội vàng uống các thuốc nâng huyết áp thì rất nguy hiểm.

Vấn đề đo huyết áp bằng tai nghe phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: khả năng nghe của người đo; chất lượng ống nghe; chất lượng bao quấn để đo (chủng loại, kích cỡ…); yếu tố "áo choàng trắng" (nhiều người thấy thầy thuốc là huyết áp tăng vọt - gọi là tăng huyết áp "áo choàng trắng").

Do vậy chúng tôi vẫn khuyến khích bệnh nhân sử dụng huyết áp kế điện tử, tự đo (đo tốt nhất lúc sáng sớm mới ngủ dậy, chưa vận động hoặc khi cảm thấy cần phải kiểm tra huyết áp), tự đánh giá, như vậy sẽ loại bỏ được các yếu tố nhiễu trên. Tuy nhiên với điều kiện là phải chọn được loại huyết áp kế chuẩn, và nên thường xuyên mang đến bác sĩ để so sánh đối chiếu xem có chính xác hay không.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/q-a-hay-dau-dau-met-moi-co-phai-do-huyet-ap-thap-2150511.html