Thường xuyên ngoáy tai bằng tăm bông có tốt không?

Theo chuyên gia, thói quen ngoáy tai hàng ngày bằng tăm bông có thể gây ảnh hưởng xấu đến thính lực, thậm chí khiến thính lực bị tổn thương không hồi phục.

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Giảng viên bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, qua thực tế thăm khám và điều trị, bác sĩ đã tiếp nhận nhiều người bệnh có thói quen sử dụng tăm bông thường xuyên, dần gây ra hiện tượng nghe kém hoặc các sự cố ảnh hưởng đến thính lực.

Bệnh nhân khi đến khám tai mũi họng đều khẳng định rất cẩn thận khi ngoáy tai, luôn hạn chế độ sâu của tăm bông ngoáy tai. Tuy nhiên, thực tế, vẫn xảy ra sự cố ngoài kiểm soát với tai của họ.

Trong các bệnh nhân đến khám, một bệnh nhân nữ kể lại: Trong lúc đang đặt tăm bông vào tai thì vô tình có người đi ngang qua, lỡ chạm vào tay, khiến người này thấy đau tai kèm theo chảy máu.

Khi khám cho bệnh nhân này, bác sĩ nhận thấy, màng nhĩ của nữ bệnh nhân như đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một phần nhỏ. Nhưng trường hợp này rất may, vì các cấu trúc khác của tai giữa không bị tổn thương, nên các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để vá lại màng nhĩ.

"Nếu tăm bông vào sâu hơn chỉ vài mi-li-mét, bệnh nhân này có thể đã mất đi vĩnh viễn toàn bộ thính giác", bác sĩ thông tin.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho rằng, tình trạng giảm thính lực có thể xảy ra khi thường xuyên ngoáy tai bằng tăm bông. Lý do là vì tăm bông như một chiếc pít-tông trong ống tai, sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn và nút chặt lấy ống tai. Việc này còn gây khó cho bác sĩ khi lấy ráy tai. Không chỉ gây giảm thính lực, tăm bông còn có thể gây thủng màng nhĩ, như sự cố với nữ bệnh nhân nêu trên.

Trong trường hợp nghiêm trọng, tăm bông có thể làm tổn thương nhiều cấu trúc thành trong hòm tai: cửa sổ tròn, cửa sổ bầu dục, chấn thương chuỗi xương con và gây điếc hoàn toàn, gây chóng mặt kéo dài kèm theo buồn nôn và nôn, mất chức năng vị giác, thậm chí liệt mặt.

Ngoài ra, khi ngứa tai, nhiều người có thói quen lấy ráy tai bằng các dụng cụ như: que sắt, tăm xỉa răng hay thậm chí là đầu ngón tay, cứ thấy ngứa là ngoáy. PGS Đào cho biết, việc này cũng không tốt.

"Ngứa tai do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân dễ gặp là ống tai ngoài không tiết đủ chất nhầy, da sẽ trở nên khô và ngứa. Lúc này, ngoáy tai sẽ là động tác kích thích làm cho tai khô thêm. Vì vậy, người dân không nên ngoáy tai theo thói quen. Thay vào đó hãy nhỏ các thuốc chống khô da cho ống tai, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa", giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội nêu.

Để phòng chống giảm thính lực, chuyên gia khuyến cáo người dân: Nên bỏ thói quen ngoáy tai, xì mũi và bơm nước vào mũi. Cần kiểm tra tình trạng của tai trước khi đi bơi. Khi có các triệu chứng bị viêm (đau tai, chảy nước tai, ù tai,…) cần đi thăm khám ngay để điều trị kịp thời.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuong-xuyen-ngoay-tai-bang-tam-bong-co-tot-khong-post507145.html