'Thụt két' quỹ tín dụng và nguyên tắc xét xử có lợi cho bị cáo
Theo cơ quan tố tụng, cùng 1 hành vi phạm tội, không thể vì sự thay đổi của chính sách pháp luật gây bất lợi cho các bị cáo mà buộc bị cáo phải chịu 2 lần hình phạt cho cùng 1 hành vi...
TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa xem xét phúc thẩm vụ thụt két quỹ tín dụng đối với nhóm bị cáo là cựu cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định).
LẬP KHỐNG HỒ SƠ, "THỤT KÉT" QUỸ TÍN DỤNG
Theo bản án sơ thẩm, trong các năm 2017, 2018, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Nguyễn Mậu Thiềng (cựu giám đốc Quỹ tín dụng), Bùi Thị Khương (SN 1978, Trưởng ban kiểm soát) đã chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi chuyển tiền, lấy tiền mặt để sử dụng mục đích cá nhân. Các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền khống, hồ sơ vay vốn khống để che đậy số tiền chiếm đoạt.
Cụ thể, từ ngày 1/6/2017 đến ngày 29/8/2018, Khương và Thiềng chỉ đạo nhân viên lập khống các chứng từ chuyển tiền mặt như giấy nộp tiền, phiếu thu, phiếu thu phí chuyển tiền, lệnh chi, giấy nộp tiền kiêm lệnh chi… để chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của Quỹ đến các tài khoản cá nhân, doanh nghiệp có mối quan hệ do Khương, Thiềng chỉ định.
Khi cần chuyển tiền, Khương, Thiềng xuống quầy giao dịch chỉ đạo trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho nhân viên hoàn thiện thủ tục.
Để quản lý, Thiềng và Khương yêu cầu kế toán lập các sổ theo dõi ngoài theo yêu cầu của mỗi người.
Việc chuyển tiền ra khỏi tài khoản hoặc rút tiền mặt trực tiếp được diễn ra đan xen, nối tiếp nhau. Khi tiền mặt còn ít thì Thiềng, Khương dùng tiền cá nhân trả lại để đảm bảo cho hoạt động bình thường của quỹ.
Nhằm che đậy hành vi “thụt két” quỹ, các bị cáo lập khống hồ sơ cho vay để cân đối số tiền lấy ra khỏi quỹ. Theo đó, Thiềng chỉ đạo nhân viên tín dụng lấy thông tin, địa chỉ của những khách hàng cũ, hoặc bịa tên khách hàng rồi chuyển cho các nhân viên khác, lái xe để giả mạo chữ ký khách hàng.
Để hợp thức hóa trên hệ thống kế toán, che đậy hồ sơ khống, các bị cáo vẫn cập nhập tiền lãi từng hồ sơ.
Theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền Thiềng và Khương chiếm đoạt là hơn 60,9 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 chiếm đoạt 20,7 tỷ đồng; năm 2018 là hơn 40,1 tỷ đồng.
Trước thời điểm Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nam Định phát hiện, Thiềng và Khương đã trả lại quỹ 39,5 tỷ đồng. Sau khi vụ việc bị phát giác, cả hai tự nguyện trả lại 20 tỷ đồng. Hiện còn chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng.
Do ông Thiềng đã chết vào năm 2018 nên cơ quan tố tụng không đề cập xử lý.
Tại bản án sơ thẩm năm 2022, tòa án tuyên phạt bị cáo Khương mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và 15 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại là kế toán, cán bộ tín dụng… bị xử phạt từ 12 năm – 22 năm tù.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 6 bị kháng cáo cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện Viện kiểm sát cũng có kháng nghị. Một số bị cáo cho rằng bản thân phạm tội lần đầu, không trực tiếp tham ô, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tiền, phạm tội do bị ép buộc…
Có bị cáo cho rằng phạm tội do thiếu hiểu biết, nể nang lãnh đạo, bị ép buộc làm theo chỉ đạo của các sếp…
CHỈ XÉT XỬ TỘI DANH THAM Ô TÀI SẢN
Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội chia làm 2 thời điểm, từ 1/6/2017 đến 30/12/2017 và từ 1/1/2018 đến 30/8/2018. Trong khi, từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành và tội danh Tham ô tài sản mở rộng chủ thể phạm tội.
Quá trình tố tụng phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng, việc tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo về 2 tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là gây bất lợi cho họ.
Theo khoản 2, Điều 7, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hiệu lực của Bộ luật Hình sự nêu “quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự, quy định: Kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng như sau: “… các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện …. Trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết;”.
Như vậy, cùng 1 hành vi phạm tội, không thể vì sự thay đổi của chính sách pháp luật gây bất lợi cho các bị cáo mà buộc bị cáo phải chịu 2 lần hình phạt cho cùng 1 hành vi.
Về vấn đề tội danh, theo Viện kiểm sát, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu: “…; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc”.
Theo hướng dẫn trên, thì ngày 07/10/2019 Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nam Định phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của các viên chức Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ. Tại thời điểm này xác định, các bị cáo còn chiếm đoạt hơn 21,3 tỷ đồng.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2018, theo đó hành vi của các bị cáo thỏa mãn cấu thành tội danh “Tham ô tài sản”.
Tòa án cấp cao nhận định, theo các quy định pháp luật, việc xét xử các bị cáo về tội Tham ô tài sản là đảm bảo nguyên tắc có lợi, tính nghiêm minh và phòng ngừa chung, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Khương tù chung thân về tội Tham ô tài sản. Các bị cáo còn lại bị phạt tù từ 7-14 năm tù.