Thụy Điển bán chiến đấu cơ cho Peru: Châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới ở 'sân sau' của Mỹ?
Thương vụ máy bay chiến đấu Gripen giữa Thụy Điển và Peru không chỉ là nâng cấp quốc phòng, mà còn có thể làm bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ.

Máy bay chiến đấu phản lực Gripen E sản xuất hàng loạt. Ảnh: Saab.com
Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com (Bulgaria), Peru mới đây đã đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân khi Chính phủ Thụy Điển chính thức đề nghị quốc hội phê duyệt thỏa thuận bán tới 12 máy bay chiến đấu đa năng Saab JAS 39 Gripen E/F cùng các hệ thống phòng không liên quan cho quốc gia Nam Mỹ này. Động thái trên không chỉ thể hiện tham vọng mở rộng thị trường quốc phòng của Thụy Điển tại Mỹ Latinh mà còn khơi dậy những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang tiềm ẩn trong khu vực, vốn từ lâu được coi là "sân sau" của Mỹ.
Quyết định theo đuổi máy bay chiến đấu mới của Peru xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải thay thế phi đội MiG-29 thời Liên Xô và Mirage 2000 của Pháp đang ngày càng lạc hậu. Không quân Peru đã phải vật lộn với tình trạng phi đội bay xuống cấp, khó đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại do chi phí bảo dưỡng tăng cao và nguồn cung phụ tùng ngày càng khan hiếm.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Walter Enrique Astudillo Chávez đã xác nhận kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu đa năng mới, với giai đoạn đầu tiên là 12 chiếc, trùng khớp với đề xuất của Thụy Điển. Để tài trợ cho thương vụ này, Peru đã tìm kiếm khoản vay 7,58 tỷ soles (khoảng 2 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia, cho thấy sự nghiêm túc trong việc nâng cấp năng lực phòng không.
JAS 39 Gripen E/F, sản phẩm chủ lực của tập đoàn Saab, là máy bay chiến đấu một động cơ, đa chức năng, nổi bật với sự nhanh nhẹn, chi phí hợp lý và khả năng thích ứng cao. Được trang bị cấu hình cánh delta và cánh mũi (canard) cùng hệ thống điều khiển "fly-by-wire" tiên tiến, Gripen E/F có khả năng cơ động vượt trội, đạt tốc độ Mach 2 và hoạt động ở độ cao trên 15 km. Bán kính chiến đấu trên 1.300 km và có khả năng tiếp nhiên liệu trên không cho phép nó thực hiện các nhiệm vụ kéo dài, rất quan trọng đối với địa hình đa dạng của Peru.
Máy bay được trang bị súng Mauser BK27 27mm và có thể mang nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không Meteor và IRIS-T, cũng như bom dẫn đường chính xác. Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến với radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) và khả năng tác chiến điện tử (EW) cho phép nó phát hiện và đối phó với các mối đe dọa theo thời gian thực. Thiết kế mô-đun của Gripen cũng cho phép nâng cấp nhanh chóng, đảm bảo tính hiện đại của nó.
Một trong những điểm mạnh của Gripen là tính linh hoạt trong hoạt động, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn hoặc thậm chí đường cao tốc, một đặc điểm thừa hưởng từ chiến lược phân tán máy bay thời Chiến tranh Lạnh của Thụy Điển. Khả năng này đặc biệt giá trị đối với Peru với địa hình hiểm trở và cơ sở hạ tầng hạn chế. Chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp và chi phí cho mỗi giờ bay cạnh tranh so với các đối thủ như F-35 hay Rafale cũng là những yếu tố hấp dẫn đối với Peru.
Quyết định mua Gripen của Peru diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh khu vực gia tăng. Nam Mỹ đã chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang âm thầm nhưng ổn định, với các quốc gia như Chile, Brazil và Colombia đều đang nâng cấp lực lượng không quân. Chile vận hành máy bay F-16 của Mỹ và Hà Lan, Brazil đã tích hợp Gripen E/F từ năm 2014, và Colombia gần đây cũng chọn Gripen để thay thế máy bay Kfir của Israel. Do đó, lựa chọn của Peru không chỉ là thay thế máy bay cũ mà còn là định vị mình trong một mạng lưới liên minh và cạnh tranh phức tạp.
Theo truyền thống, Peru đã đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, bao gồm cả MiG-29 của Liên Xô và Mirage 2000 của Pháp. Lần này, Peru cân nhắc Gripen với các đối thủ như F-16V Block 70 của Lockheed Martin và Rafale F4 của Dassault. Gripen có lợi thế về nguồn gốc trung lập của Thụy Điển, ít gây ra các vấn đề địa chính trị so với các lựa chọn khác. Đề xuất của Thụy Điển còn bao gồm các hệ thống phòng không (chưa xác định) và khả năng chuyển giao công nghệ, sản xuất tại địa phương, điều mà Peru ưu tiên. Kinh nghiệm của Saab tại Brazil cho thấy tiềm năng hợp tác công nghiệp sâu rộng.
Thỏa thuận tiềm năng trên cũng diễn ra trong bối cảnh thị trường vũ khí Mỹ Latinh đang thay đổi. Sự thống trị của Mỹ với các máy bay F-16 và F-5 đang bị thách thức bởi Nga (dù ảnh hưởng có suy yếu so với trước đây), Trung Quốc (với JF-17) và các nhà sản xuất châu Âu như Saab và Dassault. Thành công của Gripen ở Brazil và Colombia cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng như một giải pháp thay thế khả thi.
Đáng chú ý, Mỹ đã từng được báo cáo là phủ quyết khả năng bán Gripen cho Colombia bằng cách chặn xuất khẩu động cơ F414 do General Electric sản xuất. Dù chưa có hành động tương tự với Peru, tiền lệ này đặt ra câu hỏi về sự sẵn lòng của Washington trong việc để các đối thủ châu Âu giành lợi thế. Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc duy trì ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự trong khu vực.
Bulgarianmilitary.com lưu ý, việc Thụy Điển bán Gripen cho Peru, nếu thành công, có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Mỹ Latinh khi các quốc gia khác trong khu vực có thể xem xét lại lực lượng không quân của mình. Ecuador là một ví dụ, trong khi một phi đội Gripen của Peru có thể làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Chile. Trên toàn cầu, thỏa thuận này sẽ củng cố uy tín của Saab và định vị Gripen như một đối trọng với các máy bay chiến đấu đắt đỏ hơn của phương Tây.
Tuy nhiên, tính khả thi của thỏa thuận vẫn phụ thuộc vào việc Peru phê duyệt khoản vay và vượt qua sự cạnh tranh từ các đối thủ nặng ký được các chính phủ hùng mạnh hậu thuẫn. Quyết định cuối cùng của Peru sẽ không chỉ định hình lại lực lượng không quân của nước này mà còn có thể tác động đến cán cân quyền lực quân sự trong toàn khu vực Mỹ Latinh.