Thủy điện Đắk Mi phải bồi thường: Lại chuyện 'con kiến kiện củ khoai'?
Chính quyền huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết sẽ buộc Công ty thủy điện Đắk Mi phải đền bù cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do thủy điện này xả lũ. Theo quy định của pháp luật, công ty này sẽ phải đền bù thế nào?
Liên quan việc Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại cho người dân vào chiều 28/10, mới đây, UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ buộc Công ty thủy điện Đắk Mi phải đền bù cho dân. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có lại chuyện "con kiến kiện củ khoai"?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác không chỉ phải bồi thường thiệt hại dân sự mà còn có thể xem xét xử lý hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, liên quan đến việc Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại cho người dân, bức xúc của một số cán bộ lãnh đạo địa phương này là dễ hiểu. Có lẽ còn những tiếng kêu thấu trời của người dân đang trong cảnh màn trời chiếu đất khi mà thủy điện xả lũ quá mức cho phép và không thông báo kịp thời đối với người dân đang đi tránh lũ.
Do đó, chính quyền địa phương yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ thiệt hại của người dân để có hình thức xử lý rất là phù hợp với quy định pháp luật, là cần thiết và đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các hộ dân.
Theo luật sư Cường, trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung lần này khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch, phát triển thủy điện nhỏ lẻ ở các khu vực này. Cần phải tiến hành khảo sát, đánh giá tác động môi trường của một loạt các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung, thống kê làm rõ diện tích rừng bị tàn phá trong quá trình triển khai xây dựng các hồ thủy điện. Từ đó có những giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiên tai, thiệt hại có thể xảy ra đối với người dân.
Với tình trạng thiếu điện và tận dụng tiềm năng từ các con sông ngắn, dốc, việc thiết kế các nhà máy thủy điện thủy điện công suất nhỏ là cần thiết và có thể hợp lý.
Tuy nhiên cần phải có sự đánh giá tác động môi trường một cách chính xác, tránh việc triển khai quá nhiều các nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng đến hoạt động tự nhiên của dòng chảy, gây ngập lụt nằm mất diện tích rừng tự nhiên, làm thay đổi đột ngột môi trường sinh thái dẫn đến thiên tai, thảm họa.
Nếu dự án nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, đe dọa sự an toàn của cộng đồng dân cư dưới hạ nguồn thì có thể thu hồi, hủy bỏ để trả lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây.
Trong quá trình hoạt động của các nhà máy thủy điện, việc xả lũ là chuyện không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc xả lũ phải theo quy trình, quy định, phải đảm bảo an toàn cho môi trường, người dân sống nơi hạ nguồn và có sự kiểm soát, quản lý của nhà nước.
Đang trong lúc lũ lụt, đồng bào chưa kịp thu dọn đồ đạc, tài sản, thông báo về việc xả lũ chưa đến với người dân mà nhà máy thủy điện đã tự ý xả lũ gây ngập lụt, ảnh hưởng đến tài sản, thậm chí sức khỏe, tính mạng của nhân dân thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp xả lũ không đúng quy định dẫn đến hậu quả chết người thì người có trách nhiệm đối với công trình này, người đã thực hiện hành vi xả lũ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính và quy tắc nghề nghiệp.
Còn trường hợp sản lũ không có báo trước hoặc không báo đến được với người dân gây thiệt hại đến tài sản thì đương nhiên phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào mức thiệt hại thực tế xảy ra.
Bởi vậy lãnh đạo chính quyền địa phương này yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc phối hợp với người dân để kiểm tra, thống kê thiệt hại, yêu cầu đơn vị này bồi thường là cần thiết và hợp lý, có cơ sở pháp luật.
Trong trường hợp đơn vị này cố tình không bồi thường cho người dân thì có thể xem xét các trách nhiệm pháp lý và người dân có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật trường hợp vụ việc được xử lý bằng chế tài hình sự. Trong trường hợp xử lý những sai phạm bằng một vụ án hình sự thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết đồng thời trong vụ án đó.
“Trong lúc này, đơn vị thủy điện này và chính quyền địa phương cần phải phối hợp để khắc phục những thiệt hại do hành vi xả lũ gây ra đối với người dân, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đồng thời sẽ phải cam kết không vi phạm, sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương nơi đây” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3: