Thủy điện do EVN quản lý vận hành đã thực hiện chức năng cắt lũ cho hạ du

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý vận hành 12 nhà máy với tổng dung tích hồ chứa là 24,920 tỷ m3 nước.

Vừa qua trong 23 ngày, từ 6 đến ngày 29/10/2020 các tỉnh miền Trung xảy ra mưa, bão, áp thấp liên tục cụ thể: Khởi đầu bằng áp thấp nhiệt đới lần thứ nhất từ ngày 06/10 - 08/10; đợt áp thấp thứ hai từ ngày 10/10 cho đến bão Linfa (số 6) ngày 11/10; tiếp đó là áp thấp thứ ba đợt ngày 12/10, bão Nangka (số 7) ngày 13/10, áp thấp thứ tư ngày 16/10, bão Saudel (số 8) ngày 25/10, bão Molave (số 9) ngày 28-29/10, lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn.

Với địa hình thấp, dốc của các tỉnh miền Trung, cộng với tình hình thời tiết cực đoan như trên, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu và vấn đề biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, càng ngày thảm họa thiên nhiên càng khốc liệt hơn, tần suất nhiều hơn.

Do vậy chuyện lũ lụt các tỉnh miền Trung là không thể không xảy ra. Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý vận hành 12 nhà máy với tổng dung tích hồ chứa là 24,920 tỷ m3 nước trong đó: Dung tích hữu ích phát điện là 3,357 tỷ m3 nước; dung tích phòng lũ là 0,883 tỷ m3 nước (thực tế vận hành dung tích phòng lũ còn lớn hơn vì các nhà máy đều tích mức nước trước khi lũ về thấp hơn so với quy trình).

Các nhà máy do EVN quản lý vận hành đã thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa theo đúng Quy trình vận hành điều tiết liên hồ chứa do Chính phủ ban hành, và điều tiết đơn hồ chứa do Bộ Công Thương ban hành; thông số điều tiết và cắt lũ của các nhà máy được các nhà máy cung cấp cụ thể như sau.

Địa bàn tỉnh Quảng Trị vùng hạ du bị thiệt hại mưa lũ thuộc dòng sông Thạch Hãn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; thượng lưu của dòng sông Thạch Hãn gồm 2 nhánh sông đó là sông Đắkrông chảy qua huyện Đắkrông tỉnh Quảng Trị và Sông Rào Quán chảy qua khu vực huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

Thủy điện Quảng Trị

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, EVN đang quản lý vận hành 01 nhà máy duy nhất đó là Nhà máy Thủy điện Quảng Trị công suất 64MW thuộc địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, trên lưu vực sông Rào Quán thuộc thượng nguồn sông Thạch Hãn. Thủy điện Quảng Trị có dung tích toàn bộ hồ chứa theo thiết kế là 162,99 triệu m3 nước; dung tích hữu ích 141,26 triệu m3 nước; dung tích phòng lũ là 30 triệu m3 nước; mức nước dâng bình thường 480m; mức nước trước lũ 476,16 m; trong đợt mưa lũ vừa qua Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện điều tiết cắt lũ với dung lượng thời điểm lớn nhất là 117 triệu m3 nước cho hạ du, do điều tiết mức nước trước lũ thấp hơn quy trình, (có bảng thông số vận hành phụ lục kèm theo).

Địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng thuộc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, hiện nay EVN đang quản lý vận hành các Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện sông Bung 2 và sông Bung 4, thủy điện A Vương. Trong đợt mưa lũ vừa qua các Nhà máy do EVN quản lý vận hành đã vận hành điều tiết hồ chứa đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành (QTLH 1865) và Quy chế phối hợp giữa các Công ty thủy điện với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tỉnh Quảng Nam.

Thủy điện sông Tranh 2

Trong đợt mưa lũ vừa qua Thủy điện sông Tranh 2 đã cắt lũ được dung lượng lớn nhất là 255,6 triệu m3 cho hạ du trong đợt lũ từ 7h00 10/10 đến 03h00 13/10/2020, thủy điện sông Bung 4 cắt được dung lượng lớn nhất 208,573 triệu m3 nước, thủy điện sông Bung 2 cắt được dung lượng lớn nhất 27,047 triệu m3 nước; Thủy điện A Vương cắt được dung lượng lớn nhất 60,3 triệu m3 nước.

Thủy điện A Vương

Từ thực tiễn quá trình triển khai vận hành Quy trình (QT1865) Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã được Chính phủ ban hành, chúng ta có thể kết luận những công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn gồm thủy điện sông Tranh 2, thủy điện sông Bung 2, thủy điện sông Bung 4, Thủy điện A Vương... mỗi công trình thủy điện đã thực hiện được chức năng vận hành điều tiết và cắt lũ cho hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn theo dung tích thiết kế của từng hồ; từ đó đã làm giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn đi qua tỉnh Quảng Nam và tỉnh Đà Nẵng.

Thủy điện sông Bung 4, sông Bung 2

Với thông số quản lý vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Quảng Trị do Bộ Công Thương quyết định và Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo Quyết định số 1865/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ như trên, ta có thể kết luận một cách khách quan những vấn đề mà các nhà máy thủy điện do EVN đầu tư xây dựng và quản lý vận hành những vấn đề sau:

Thứ nhất: Phải khẳng định các nhà máy Thủy điện do EVN đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn thiết kế và được kiểm định qua thực tế vận hành qua những trận lũ lịch sử vừa qua; công tác Quản lý vận hành và điều tiết hồ chứa đã thực hiện đúng quy trình vận hành và điều tiết hồ chứa do Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành, chủ động phối hợp với UBND các tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&CN các tỉnh theo quy định; từ đó đã góp phần thực hiện chức năng vận hành điều tiết, cắt lũ với dung lượng nước lớn cho hạ du lưu vực các sông mà các Nhà máy thủy điện xây dựng, từ đó đã làm chậm lũ, cắt lũ cho hạ du, đã giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du.

Các kỹ sư vận hành phòng điều khiển trung tâm Thủy điện sông Bung 4 đã trực vận hành điều tiết nước hồ chứa trong mùa mưa lũ tháng 10-2020

Các kỹ sư vận hành phòng điều khiển trung tâm Thủy điện sông Bung 4 đã trực vận hành điều tiết nước hồ chứa trong mùa mưa lũ tháng 10-2020

Các hồ thủy điện do EVN đầu tư xây dựng có tác dụng như những tán rừng tự nhiên làm chậm lũ cho hạ du; bởi vì rừng tự nhiên cũng chỉ có chức năng làm chậm nguồn nước chảy về hạ du qua những tán lá cây và thẩm thấu qua thảm thực vật, nhưng khi lượng nước mưa lớn, kéo dài thì những tán rừng cũng không thể tích nước để phòng chống lũ được, lúc đó lưu lượng nước mưa thượng nguồn sẽ chảy trực tiếp về hạ du không điều tiết được và gây lũ lụt lớn cho hạ du, quy luật tự nhiên "nhất thủy, nhì hỏa"; "Sơn tinh, thủy tinh" đã khẳng định.

Từ thực tế những công trình thủy điện lớn như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu do EVN đầu tư xây dựng thì các hồ chứa với dung tích phòng lũ lớn, đã cắt được gần như hoàn toàn lũ cho hạ du sông Hồng trong những năm vừa qua.

Thứ hai: chúng ta phải khẳng định các nhà máy thủy điện của EVN đã thực hiện một chức năng cực kỳ quan trọng, trong quá trình phòng chống thảm họa thiên tai do thiên nhiên gây ra, đó là cảnh báo sớm thiên tai lũ lụt cho hạ du; từ đó chính quyền và nhân dân có đủ thời gian để di dời đến vị trí an toàn, không để xảy ra một thảm họa thiên tai, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đây là một chức năng bẩm sinh của các nhà máy thủy điện, nhưng không phải ai cũng hiểu, những thông tin, số liệu vận hành mà những người kỹ sư, công nhân của các nhà máy thủy điện đang ngày đêm không ngủ trực 24/24h giám sát thông tin số liệu lưu lượng nước về, mức nước hồ, được truyền trực tiếp online đến Ban chỉ đạo/Chỉ huy phòng chống thiên tai Trung ương và các địa phương, từ đó các cấp lãnh đạo mới đưa ra các mệnh lệnh, phương án điều tiết mức nước trên hồ, cũng như mức nước hạ du, quá trình trước khi xả lũ và sau khi kết thúc xả lũ các nhà máy thủy điện đã thực hiện thông báo bằng văn bản, bằng tín hiệu còi, loa phát thanh theo thời gian nghiêm ngặt trong quy trình; không để xảy ra tình trạng bị động trước thiên tai do thiên nhiên gây ra.

Ví dụ minh chứng cho thảm họa sạt lở đất gây chết nhiều người ở miền Trung vừa qua, cũng như động đất, sóng thần trên thế giới gây thảm họa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, là do chúng ta không có những thông tin, tín hiệu cảnh báo trước, bị động về thảm họa thiên tai.

Thứ ba: là chúng ta phải khẳng định các nhà máy thủy điện do EVN đầu tư xây dựng đã đảm bảo đa chức năng, đa mục tiêu cụ thể: Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn như: Đường giao thông đi lại, hệ thống lưới điện cung cấp cho nhân dân, nhiều công trình văn hóa, trường học kiên cố các khu tái định cư để các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội là mục tiêu rất quan trọng; còn việc có đường mà dẫn đến chặt phá rừng là thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước chịu trách nhiệm.

Các nhà máy thủy điện ngoài chức năng phát điện, còn có chức năng quan trọng là công trình thủy lợi thực hiện chức năng điều tiết nước hồ chứa và hạ du theo Quy trình vận hành đơn hồ chứa do Bộ Công thương ban hành, Quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành.

Việc thi công đường giao thông, xây dựng công trình và diện tích lòng hồ thủy điện sẽ phải lấy đi một diện tích đất cụ thể: Diện tích núi đá cao, đồi hoang hóa với đất bạc mầu do bào mòn mưa lũ, ruộng lúa nước ven dòng sông, một phần diện tích đất rừng nhưng chủ yếu là rừng thứ sinh, rừng tạp, tre nứa, nương ngô trên những dãy núi, các công trình thủy điện đều phải thực hiện trồng bù diện tích rừng bị mất...vv thành tài nguyên là nguồn năng lượng tái tạo của Quốc gia, dự trữ nguồn nước ngọt sạch quý hiếm trong thời buổi ô nhiễm nguồn nước do Công nghiệp hóa gây ra hiện nay, để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, sinh hoạt cho nhân dân khu vực hạ du; chúng ta đã biến tài nguyên nước bình thường sẽ tự chảy về hạ du và đổ ra biển Đông, không có giá trị kinh tế; nhưng thông qua các nhà máy thủy điện chúng ta đã biến nước tự nhiên thành tài nguyên nước thông qua việc thu thuế tài nguyên nước, quỹ bảo vệ rừng, thuế giá trị gia tăng VAT 10% thông qua sản lượng điện kWh.... đây là nguồn ngân sách rất lớn cho các địa phương và Nhà nước.

Do vậy để giảm thiểu những tác hại tiêu cực của thủy điện, chúng ta cần nghiên cứu và sử dụng hiệu quả các nguồn lợi từ các nhà máy thủy điện tạo ra, để đầu tư trở lại trong công tác trồng và bảo vệ rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt như đê điều hạ du, hoặc xây dựng những công trình thủy lợi có dung tích phòng lũ lớn ở thượng nguồn, để tham gia cắt lũ và điều tiết lưu lượng nước cho hạ du các tỉnh miền Trung, giảm nhẹ thiên tai mưa lũ.

Thứ tư: là chúng ta phải khẳng định một điều quan trọng đó là các nhà máy thủy điện có hệ số sẵn sàng phát điện cao, đã góp vai trò chủ đạo trong việc ổn định hệ thống lưới điện quốc gia Việt Nam, trong tình trạng Việt Nam không xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, cũng như xây dựng nhiều các nhà máy điện mặt trời, điện gió phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên nhiên; đây là chức năng cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn của hệ thống lưới điện ở Việt Nam hiện nay.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 1 và Công ty thủy điện sông Tranh 2 kiểm tra công tác vận hành nhà máy trong đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020

Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 1 và Công ty thủy điện sông Tranh 2 kiểm tra công tác vận hành nhà máy trong đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020

Ví dụ tình huồng là một cánh đồng pin năng lượng mặt trời đang vận hành với công suất định mức hàng 1.000 MW, nhưng chỉ một đám mây bay qua che toàn bộ mặt trời thì ảnh hưởng đến công suất phát điện của cánh đồng pin năng lượng, ngay lập tức hệ thống lưới điện quốc gia giảm tức thì 1.000 MW, trong tình huống này thì các nhà máy thủy điện với hệ số sẵn sàng phát điện cao mới có thể đáp ứng bổ sung nguồn công suất bị giảm kịp thời; đảm bảo hệ thống lưới điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định và liên tục.

Đắc Cường

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuy-dien-do-evn-quan-ly-van-hanh-da-thuc-hien-chuc-nang-cat-lu-cho-ha-du-76773.htm