Thụy Điển khó xử trong quan hệ với các nước Hồi giáo sau vụ đốt kinh Koran
Sáng sớm 20/7, hàng trăm người biểu tình đã đột nhập và phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, Iraq để phản đối các vụ đốt kinh Koran tại Thụy Điển.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iraq đã lên án hành động quá khích của những người biểu tình, đồng thời cho biết đã triển khai lực lượng an ninh để ổn định tình hình, cũng như nhanh chóng làm rõ vụ việc.
Các video được lan truyền trên Telegram cho thấy nhiều người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad vào khoảng 1h sáng, hô khẩu hiệu ủng hộ Giáo sĩ Sadr và sau đó đã xông vào đại sứ quán. Một số video khác ghi lại hình ảnh khói bốc lên từ khuôn viên đại sứ quán.
Ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Thụy Điển nhanh chóng xác nhận, các nhân viên đại sứ quán đều đã được an toàn, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Iraq phải có trách nhiệm bảo vệ các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại nước này. Theo Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, những gì vừa xảy ra là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Về phía Iraq, Bộ Ngoại giao nước này lên án mạnh mẽ hành động của những người biểu tình, đồng thời cam kết sẽ sớm xác định các đối tượng có hành vi quá khích và buộc những người này phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Thời gian gần đây, tại Thụy Điển đã xảy ra một số vụ đốt kinh Koran, trong đó đáng chú ý nhất là hôm 28/6 vừa qua, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển đã đốt kinh Koran ngay trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm.
Chính phủ nhiều nước, đặc biệt là thế giới Hồi giáo đã phản đối gay gắt và xem hành động này là thể hiện tâm lý bài xích đạo Hồi trên toàn thế giới.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) vừa kêu gọi cần có các biện pháp chung để tránh không để các vụ đốt kinh Koran tái diễn, trong khi Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là “sự xúc phạm, thiếu tôn trọng và mang tính khiêu khích”. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong tháng này còn triệu tập phiên họp khẩn đặc biệt, thông qua dự thảo nghị quyết lên án hành vi công khai báng bổ kinh Koran và phiên họp này đã nhận được phiếu thuận của 28 quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Trung Quốc ủng hộ việc tổ chức phiên tranh luận khẩn cấp này, đồng thời lên án mạnh mẽ việc tái diễn hành vi đốt Kinh Koran ở các quốc gia liên quan. Trung Quốc luôn đề cao sự tôn trọng lẫn nhau, hòa nhập và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh khác nhau, đồng thời phản đối mọi hình thức bài xích đạo Hồi. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để thực hiện sáng kiến văn minh toàn cầu, ủng hộ bình đẳng, học hỏi lẫn nhau, đối thoại và hòa nhập giữa các nền văn minh, cùng nhau bảo vệ sự đa dạng của các nền văn minh trên thế giới và thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại."Cũng tại phiên họp này, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc quyết định tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề và đối thoại về vấn đề này tại các phiên họp thứ 54 và 55 tiếp theo của Hội đồng này.