Thụy Điển 'mong ngóng' gia nhập NATO vào tháng tới
Thủ tướng Ulf Kristersson kỳ vọng Thụy Điển được phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian tới.
Ngày 28/6, trả lời phỏng vấn đài truyền hình SVT (Thụy Điển), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết Stockholm kỳ vọng được phê chuẩn tư cách thành viên NATO trước thềm hoặc trong Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào tháng tới.
Trước đó, ngày 27/6, phát biểu trong họp báo chung với người đồng cấp Anh James Cleverly, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom khẳng định: "Luật mới gần đây... quy định việc tham gia vào một tổ chức khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào là bất hợp pháp. Do vậy, chúng tôi đã thực hiện phần cuối cùng của thỏa thuận."
Nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh nước này sẵn sàng trở thành một đồng minh "tích cực và trung thành", đóng góp vào an ninh của NATO.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng Hai năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập quân sự kéo dài hàng chục năm, nhằm tìm kiếm bảo hộ an ninh lớn hơn từ NATO.
Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh này vào tháng Tư, song quá trình diễn ra chậm hơn đối với Thụy Điển.
Thụy Điển đã đặt mục tiêu tham gia tại Hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 11-12/7. Tuy nhiên, nước này đã gặp trở ngại trong quá trình tìm kiếm sự ủng hộ từ nội bộ NATO, trong đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Trong số đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ gay gắt hơn cả. Ankara đã tỏ ra không hài lòng đối với việc Stockholm chứa chấp một số phần tử mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cũng như các các cuộc tuần hành chỉ trích Tổng thống Tayyip Erdogan tại quốc gia Bắc Âu này.
Tuy nhiên, quan hệ song phương được cho là đã ít nhiều cải thiện sau khi Thụy Điển tích cực tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Hai vừa qua. Đồng thời, Stockholm khẳng định đã chủ động đáp ứng một số điều kiện Ankara nêu ra.
Tuy nhiên, phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, những thay đổi mới về luật của Thụy Điển là chưa đủ, chừng nào những người ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiếp tục tuần hành ở đất nước Bắc Âu.