Thủy điện ngăn dòng gây ngập úng, chết hơn 25ha rừng ở Kon Tum
Thủy điện Thượng Kon Tum đã hành vi tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng ngập, gây úng hơn 25 ha rừng.
Ngày 23/4, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum vừa khởi tố vụ án hình sự về tội “hủy hoại rừng” xảy ra tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông) khiến hơn 25ha rừng bị chết.
Theo thông tin ban đầu, năm 2020 thủy điện Thượng Kon Tum có hành vi tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng ngập, gây úng 25,36ha rừng.
Vị trí rừng bị mất này xảy ra tại các tiểu khu 401a, 406, 407, 411, 412, 413 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông, tiểu khu 410 do UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông quản lý, tại tiểu khu 451 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.
Chỉ từ đầu năm đến nay huyện Kon Plông xảy ra 53 trận động đất, có đợt ảnh hưởng sang các tỉnh thành khác khiến người dân hoang mang, lo lắng. Bước đầu các chuyên gia về động đất nhận định, động đất tại Kon Plông thời gian qua nhiều khả năng là động đất kích thích bởi thời điểm gia tăng động đất trùng với thời điểm Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đặt tại huyện Kon Plông vận hành và phát điện tổ máy số 1 (ngày 24/3/2021).
Lo nhất hiện giờ là 170 hộ dân tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum trên triền núi cao, thuộc thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng. Chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư này nằm dọc theo những ngọn đồi cao. Họ thấp thỏm hàng đêm vì lo các trận động đất xảy ra khiến nhà đổ sụp.
Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1094 triệu KWh, khởi công tháng 9/2009, hoàn thành cuối năm 2020 với tổng vốn đầu tư 9.400 tỉ đồng. Dự án này được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với quy mô, diện tích 1.490ha.
Tại kết luận số 222 (tháng 2/2022), Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, tỉnh Kon Tum không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109ha trái quy định; không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất; không yêu cầu công ty thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp 48ha trái quy định, gây thất thu ngân sách.
Đặc biệt, với 501ha là đất rừng, trên thực tế đã đưa vào sử dụng mục đích khác từ năm 2011 đến 2016 nhưng UBND tỉnh buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác, vi phạm quy định…
TTCP nêu rõ, tỉnh Kon Tum quy hoạch 81 thủy điện chiếm 1.158ha đất rừng (rừng sản xuất 951ha, rừng phòng hộ 43ha, rừng đặc dụng 163ha) có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư (nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch).