Thủy điện ở Gia Lai gặp sự cố do bê tông chưa đạt

Huyện Chư Prông (Giai Lai) vừa có thông báo kết quả điều tra, đánh giá nguyên nhân sự cố tại nhà máy thủy điện Ia Glae 2.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông (Giai Lai) Phạm Vũ Tú vừa ký thông báo số 331/TB-UBND về kết quả điều tra, đánh giá nguyên nhân sự cố công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2 khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua.

Theo UBND huyện Chư Prông, nguyên nhân sự cố công trình tại nhà máy thủy điện Ia Glae 2 là do mưa to, nước lũ lớn bất thường khiến bê tông tường thượng lưu chưa đạt thời gian và cường độ nên đã bị cuốn trôi.

Cụ thể, do chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng không tuân thủ đầy đủ các nội dung, trình tự, biện pháp thi công, dẫn dòng thi công trong mùa lũ khi thi công phần tường thượng lưu dẫn đến thiệt hại cho chính chủ đầu tư; cây cối, hoa màu và một số tài sản khác dọc hai bên suối phía hạ lưu công trình của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tường thượng lưu nhà máy thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai bị vỡ do nhà thầu chưa tuân thủ nội dung, biện pháp thi công

Tường thượng lưu nhà máy thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai bị vỡ do nhà thầu chưa tuân thủ nội dung, biện pháp thi công

Theo hồ sơ biện pháp tổ chức thi công thể hiện, công trình chỉ thi công đến tháng 5/2023 là hoàn thành cụm đầu mối 2A. Tuy nhiên, qua hồ sơ quản lý chất lượng, nhật ký thi công thể hiện, công việc thi công tại công trường từ tháng 6 đến tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng công trình trong khi biện pháp thi công, dẫn dòng thi công trong mùa lũ và phương án ứng phó thiên tai vùng hạ du trong thời gian thi công khi xây dựng phần tường thượng lưu, thân đập chưa được chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng lập, phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, việc tổ chức thi công công trình trong mùa mưa là không tuân thủ theo phương án ứng phó thiên tai vùng hạ du được UBND huyện Chư Prông phê duyệt, chỉ được thi công đến hết ngày 30/6/2023.

Mặt khác, Chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức thi công hạng mục công trình chưa tuân thủ nội dung, chỉ dẫn kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế bản vẽ, biện pháp thi công đã được phê duyệt. Đồng thời chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần thân đập sau khi đã hoàn thành phần tường thượng lưu.

Không những thế, khi thi công mạch ngừng, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa tuân thủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt như: tạo khớp nối chống trượt mạch ngừng, đổ thứ tự từng khối bê tông cho từng khối đổ của phần đập dâng và đập tràn; bê tông tường thượng lưu M250 và bê tông thân đập M150 phải được đổ liền kề với nhau và chênh cao giữa các khối bê tông là 1m.

Hơn nữa, khi thi công phần tường thượng lưu chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn nên khi xuất hiện lũ lớn đã bị phá vỡ, đẩy trôi về hạ lưu. Đặc biệt, tại thời điểm xảy ra sự cố, phần tường thượng lưu chưa đạt cường độ chịu lực theo thiết kế, thời gian đổ bê tông của tường thượng cũng chưa đạt cường độ.

Do chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần thân đập sau khi đã thi công hoàn thành phần tường thượng lưu nên khi xuất hiện lũ lớn đã bị phá vỡ, cuốn trôi

Do chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần thân đập sau khi đã thi công hoàn thành phần tường thượng lưu nên khi xuất hiện lũ lớn đã bị phá vỡ, cuốn trôi

Cũng với những nguyên nhân nói trên, Chủ đầu tư chưa cập nhật, nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến bất thường của thời tiết trước khi xảy ra sự cố công trình để có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần tường thượng lưu của đập tràn tự do đã thi công.

Theo UBND huyện Chư Prông, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình có trách nhiệm khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí cho việc khắc phục sự cố. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xác định thiệt hại và sớm bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân.

Sau khi chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có báo cáo hoàn thành việc giải quyết thiệt hại, khắc phục sự cố, cơ quan giải quyết sự cố mới quyết định việc tiếp tục thi công hạng mục công trình.

Trần Hoàn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuy-dien-o-gia-lai-gap-su-co-do-be-tong-chua-dat-2216361.html