Thụy Điển 'sục sôi chiến ý': 'Đại chiến phương Bắc' mới chờ đón Nga?
Đối thủ truyền kiếp của Nga đang rục rịch trở lại. Trong lúc lưỡng bề thọ địch, Nga sẽ phải đối mặt với một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự đáng gờm.
Năm 2020 kết thúc nhưng sự ổn định và bình yên vẫn chưa được định hình. Hầu như các cuộc xung đột quân sự cũ vẫn tiếp tục, và ở một số nơi khác lại nổ ra những cuộc xung đột mới, khốc liệt và đẫm máu hơn.
Đối với Nga, biên giới đất nước này cũng chưa bao giờ được yên bình, với cuộc chiến ở Caucasus nổ ra gần đây, các sự kiện đáng báo động ở Belarus, cuộc đối đầu ở phía Đông Ukraine, sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động chuẩn bị quân sự của NATO, khuynh hướng chống Nga ở Ba Lan và các nước Baltic...
Trong một bài viết gần đây, tờ Reporter của Nga đã thêm một mối đe dọa mới từ phương Bắc vào danh sách đáng báo động này.
Từng là đối thủ truyền kiếp, Nga và Thụy Điển đã tồn tại cùng nhau qua hai thế kỷ một cách bình lặng mà không gặp bất kỳ tranh cãi nào. Nhưng giờ đây, Thụy Điển đang thay đổi mạnh mẽ hướng đi, từ láng giềng hữu nghị sang đối đầu. Vấn đề là sự biến đổi này sẽ đi xa đến đâu?
Từ chiến tranh đến hòa bình
Ngày nay, nhiều người Nga sẽ không cho rằng Thụy Điển là kẻ thù địa chính trị. Tuy nhiên, trong lịch sử không phải lúc nào cũng vậy. Trong danh sách các quốc gia mà Nga từng có các cuộc chiến tranh toàn diện, Thụy Điển chiếm một trong những vị trí đầu tiên.
Nếu chỉ tính đến các cuộc xung đột mà Nga đã tham gia kể từ thời vua Ivan III, Ivan IV, Fedor I và Alexei Mikhailovich, thì đã có hàng chục cuộc xung đột.
Nhưng, nếu tính thêm những giai đoạn khác, con số có thể sẽ tăng gấp đôi. Đỉnh điểm cuộc đối đầu Thụy Điển-Nga là Chiến tranh phương Bắc mà Peter Đại đế tiến hành để tiếp cận Baltic. Đối thủ của Nga đã bị đánh bại hoàn toàn. Nga cuối cùng trở thành một đế chế và Thụy Điển đã đánh mất tham vọng mở rộng quyền lực thời kỳ đó.
Các nỗ lực trả thù đã được Stockholm thực hiện nhưng vẫn phải đón nhận những kết quả tương tự, thậm chí còn khiến Thụy Điển mất gần một phần ba lãnh thổ. Từ đó, bài học dường như đã được rút ra. Tuy nhiên, người Thụy Điển không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để quấy rối Nga một lần nữa.
Trong Thế chiến II, người Thụy Điển có vẻ trung lập, nhưng gần một nửa số vũ khí của quân đội Đức được chế tạo từ các quặng kim loại chất lượng cao của Thụy Điển.
Sau khi thế giới phân chia thành hai phe với các trung tâm ở Washington và Moscow, cũng như sự ra đời của khối chính trị quân sự tương ứng - NATO và OVD, Thụy Điển tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách trung lập.
Quốc gia này giống như Phần Lan, đã từ chối lời đề nghị gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương, trong đó vùng Scandinavia có Đan Mạch và Na Uy trở thành thành viên. Bắt đầu từ năm 1994, Stockholm dần bị hút vào "quỹ đạo" của NATO. Đầu tiên là trở thành thành viên của Đối tác vì Hòa bình, sau đó tham gia bằng cách này hay cách khác vào các nhiệm vụ khác nhau của liên minh ở Balkan, Afghanistan và châu Phi.
Trong những năm qua, ngân sách quân sự của nước này liên tục bị cắt giảm và vấn đề gia nhập NATO đã không được đặt ra. Hơn nữa, vào tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultkvist khẳng định, Stockholm không có ý định hay kế hoạch gia nhập khối Bắc Đại Tây Dương. Lý do rất đơn giản - "không muốn gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Moscow".
Tuy nhiên, vài tháng sau, quan điểm này đã thay đổi một cách khó lường. Ông Hultkvist bất ngờ chỉ ra rằng, "môi trường an ninh toàn cầu" đã thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng xấu. Theo người đứng đầu bộ quốc phòng Thụy Điển, chuyện này diễn ra "sau khi Nga gây hấn với Gruzia, sáp nhập Crimea và xung đột ở Ukraine”.
Ngoài ra, ông Hultqvist cực kỳ lo ngại về "việc hiện đại hóa khả năng quân sự của Nga, việc Moscow tiến hành các cuộc tập trận rất phức tạp và tăng cường hoạt động của nước này ở khu vực Bắc Cực và Biển Baltic”.
200 năm trung lập có kết thúc?
Thực tế, xung đột Nga-Gruzia diễn ra năm 2008. Crimea được sáp nhập năm 2014. Tại sao Bộ trưởng Hultkvist lại đề cập ở thời điểm này? Phải chăng là để có cơ sở hợp lý hóa cho sự thay đổi mạnh mẽ trong đường lối của đất nước từ trung lập sang chống Nga? – tờ Reporter đặt câu hỏi.
Cần lưu ý rằng, đã có sự suy thoái đáng kể trong quan hệ giữa Stockholm và Moscow trong vài năm qua. Trong khi đó, ngân sách quân sự của Stockholm từ năm 2014 đến năm 2021 đã tăng 85%.
Trong tương lai, ngân sách quốc phòng của đất nước cho giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng thêm 40% và đạt mức 10,6 tỷ USD. Đây sẽ là một kỷ lục trong 70 năm qua. Hiện Stockholm chi tiêu cho quân sự khoảng 1,1% GDP, nhưng với tốc độ như vậy, nước này sẽ sớm đạt được mức 2% theo những gì mà Washington yêu cầu từ các đối tác NATO.
Những thay đổi tương ứng đang diễn ra trong các lực lượng vũ trang của đất nước - có một sự "tăng cường cơ bắp" nhanh chóng. Trước hết, điều này được thể hiện ở sự gia tăng mạnh về quy mô biên chế của quân đội, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030, đạt 90 nghìn người so với con số 55 nghìn hiện tại.
Về mặt quân sự, Thụy Điển là đối thủ đáng gờm - đừng quên rằng đất nước này, không giống như nhiều nước khác ở phương Tây, hoàn toàn tự cung tự cấp không chỉ với các loại vũ khí và thiết bị quân sự đơn giản nhất, mà còn với xe tăng, máy bay chiến đấu và thậm chí tàu chiến, tàu ngầm...
Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể chưa đến mức đáng báo động nếu Stockholm gần đây không bắt đầu thực hiện những bước đi thực tế, cho thấy mong muốn xóa bỏ sự trung lập kéo dài hai thế kỷ và gia nhập NATO.
Tuần trước, Thụy Điển đã có các cuộc bỏ phiếu ủng hộ quyết định có thể mở ra con đường hiệu quả cho nước này gia nhập NATO, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng quốc gia này “cần có được sự đảm bảo an ninh mà chỉ thành viên NATO mới có thể cung cấp”.
Đặc tính của các quốc gia Châu Âu là các liên minh chính trị và chính phủ đôi khi thay đổi với tốc độ chóng mặt. Không có gì đảm bảo rằng ngày mai ở Stockholm những người ủng hộ việc gia nhập khối Bắc Đại Tây Dương sẽ không thắng thế.
Một khi điều này xảy ra, Thụy Điển sẽ bước tiếp trên con đường gia tăng sức mạnh quân đội và ngân sách quân sự. Một sự thay đổi như vậy dường như không mang lại điềm báo tốt cho Nga.
Trước hết, thực tế là trong tương lai gần ở miền Bắc, cụ thể là khu vực Bắc Cực, hứa hẹn sẽ trở thành đấu trường cho một cuộc đối đầu rất căng thẳng giữa Nga và NATO. Tất nhiên, sự gia tăng lực lượng và nguồn lực của một đối thủ tiềm tàng như Thụy Điển - một quốc gia Scandinavia có nền công nghiệp quân sự phát triển đầy đủ - không phải là chuyện đùa.