Thủy điện Suối Choang hơn 10 năm thi công vẫn 'bất động' giữa đại ngàn

Dự án xây dựng công trình Thủy điện Suối Choang, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được khởi công xây dựng từ năm 2009, dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành. Nhưng đến nay, sau nhiều lần lỡ hẹn, công trình vẫn còn dang dở chưa thể vận hành, gây bức xúc trong dư luận và cản trở kế hoạch phát triển kinh tế xã - xã hội của địa phương biên giới.

Khu lán trại, nhà xưởng thi công công trình cây cối mọc um tùm. Ảnh: Viết Lam

Khu lán trại, nhà xưởng thi công công trình cây cối mọc um tùm. Ảnh: Viết Lam

Hơn 10 năm vẫn dang dở

Từ Quốc lộ 7, theo con đường đất đá gồ ghề vào các bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng, xã Châu Khê, nơi định cư chủ yếu của đồng bào dân tộc Đan Lai, sẽ nhìn thấy công trình Thủy điện Suối Choang đang xây dựng dang dở. Những ngày cuối tháng 8/2023, chúng tôi tận mắt chứng kiến mọi hoạt động tại công trình đang đóng băng. Khu lán trại, trạm trộn bê tông, xe tải phục vụ việc thi công thủy điện bị cây cối mọc, bao phủ xung quanh. Khi được hỏi, một người dân địa phương đang làm nương rẫy gần công trình cho biết: “Đã mấy năm nay, không thấy người ta xây dựng hay làm gì ở đây nữa”.

Theo tìm hiểu, Dự án Thủy điện Suối Choang cắt ngang dòng Khe Choăng, được khởi công xây dựng từ năm 2009, do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển MECO làm chủ đầu tư. Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư là 74,5 tỷ đồng, công suất lắp máy được phê duyệt là 2,1MW (dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành năm 2012), với sản lượng điện sản xuất trung bình hằng năm ước đạt 14,2 triệu kWh. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì, sau đó, dự án thi công cầm chừng và bị đình trệ suốt nhiều năm liền.

Phải đến cuối năm 2017, Dự án Thủy điện Suối Choang mới được tái khởi động xây dựng, nhưng cũng từ đó đến tháng 4/2021, chủ đầu tư đã phải 3 lần xin điều chỉnh tiến độ và tổng mức đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong lần điều chỉnh cuối cùng, dự án đã nâng tổng mức đầu tư lên 145 tỷ đồng, trong khi lượng điện sản xuất trung bình hằng năm vẫn giữ nguyên, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh, gia hạn tới tháng 8/2022 sẽ vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, đã tròn 1 năm sau lần gia hạn cuối, dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện để đưa vào vận hành.

Theo tìm hiểu được biết, đến thời điểm hiện tại, dự án đã thi công xong toàn bộ công trình phụ trợ như san lấp mặt bằng, cấp điện, nước thi công, kho bãi, lán trại, đường thi công. Hạng mục đê quai đạt 100% khối lượng; khu nhà quản lý điều hành của dự án đạt 100% khối lượng; hạng mục đập dâng đạt 100% khối lượng; hạng mục đập tràn đạt 80% khối lượng; đường ống áp lực hoàn thành 100% khối lượng; cửa nhận nước, cổng xã đạt 100% khối lượng; hạng mục nhà máy, kênh xả đạt 100% khối lượng; đường dây đấu nối 35KV đạt 100% khối lượng...

Chậm tiến độ gây nhiều trở ngại cho địa phương

Năm 2009, UBND huyện Con Cuông đã thu hồi hơn 38ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân và do UBND xã Châu Khê quản lý để phục vụ cho việc triển khai dự án trên. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ hoàn tất việc bồi thường diện tích khu vực cụm đầu mối công trình của Dự án Thủy điện Suối Choang, với diện tích chỉ khoảng hơn 23.000m2 và hoàn thành cơ bản công tác đền bù cây cối hoa màu và vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, còn phần đất nông nghiệp và lâm nghiệp bị ảnh hưởng vẫn chưa được đền bù, hoặc người dân chưa nhận tiền đền bù vì cho rằng không thỏa đáng.

Công trình Thủy điện Suối Choang vẫn nằm “bất động” giữa đại ngàn sau 10 năm thi công. Ảnh: Viết Lam

Công trình Thủy điện Suối Choang vẫn nằm “bất động” giữa đại ngàn sau 10 năm thi công. Ảnh: Viết Lam

Điều đáng nói, Dự án Thủy điện Suối Choang chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của xã biên giới Châu Khê, nhất là tác động tiêu cực đến đời sống của hơn 400 hộ gia đình đồng bào Đan Lai tại các bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng, nằm ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát. Dù cách trung tâm xã chỉ 15km, nhưng hiện tại, đường giao thông vào các khu dân cư trên vẫn còn rất khó khăn, điện lưới quốc gia cũng chưa được kéo đến. Nguyên nhân được xác định, khi thủy điện này tích nước đi vào vận hành, khoảng 6km đường nối trung tâm xã Châu Khê với các bản làng của đồng bào Đan Lai sẽ bị ngập sâu trong nước.

Theo chủ trương ban đầu, chủ đầu tư dự án sẽ phải mở một trục đường khác để phục vụ dân sinh. Trong khi công trình dang dở, trục đường mới chưa được mở, đường cũ đã xuống cấp, chính quyền địa phương cũng không dám đầu tư kinh phí để sửa chữa vì sợ khi Thủy điện Suối Choang tích nước sẽ gây lãng phí lớn. Chính vì lý do đó, người dân vẫn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất, khi giao thông đi lại khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Một điều đáng buồn khác, cũng do đường giao thông chưa “ổn định”, việc thi công đưa điện lưới quốc gia vào vùng định cư của người Đan Lai cũng gặp khó khăn.

Ông Lô Văn Minh, Bí thư Chi bộ bản Khe Nà chia sẻ: "Toàn huyện Con Cuông chỉ còn 2 bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng với 400 hộ dân, gần 900 nhân khẩu chưa có điện lưới quốc gia và đường giao thông đi lại rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu đều do Dự án Thủy điện Suối Choang còn dang dở, bà con mong các cấp chính quyền, chủ đầu tư tháo gỡ sớm có phương án để mở đường, kéo điện lưới vào phục vụ nhân dân".

Khi chúng tôi đưa vấn đề trên hỏi chính quyền địa phương thì được ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê thẳng thắn cho biết: “Dự án Thủy điện Suối Choang chậm tiến độ gây ra nhiều trở ngại đối với việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Cụ thể như trục đường giao thông nối trung tâm xã với các bản Khe Nà, Khu Bu đã có chủ trương và nguồn vốn đầu tư xây dựng nhưng cũng không thể triển khai được. Chúng tôi nhiều lần đề xuất chủ đầu tư và các ngành liên quan sớm hoàn thiện công trình để nhân dân ổn định cuộc sống”.

Được biết, về tiến độ dự án, mới đây, chủ đầu tư Thủy điện Suối Choang tiếp tục có hồ sơ xin điều chỉnh, trong đó đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thành "vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia vào tháng 6/2024". Sau nhiều lần xin điều chỉnh, không biết dự án trên sẽ đi về đâu? Rất mong, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An cần thực hiện các biện pháp, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình để củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của xã biên giới.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuy-dien-suoi-choang-hon-10-nam-thi-cong-van-bat-dong-giua-dai-ngan-post465798.html