Thụy Điển xác nhận gửi tàu lặn thăm dò các đường ống Nord Stream bị rò rỉ
Thụy Điển đã điều một tàu lặn tới thăm dò tại địa điểm rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến nguyên nhân vụ rò rỉ vẫn đang tiếp diễn.
Ngày 3-10, Thụy Điển đã cử một tàu lặn tới địa điểm rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở Biển Baltic để tiến hành thăm dò, theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn viên của hải quân Thụy Điển Jimmie Adamsson nói với hãng tin Reuters: “Lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ nhận nhiệm vụ điều tra vụ rò rỉ, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp từ các đơn vị khác. Chiếc tàu thăm dò lần này là tàu lặn và cứu hộ tàu ngầm có tên HMS Belos”.
Cơ quan công tố của Thụy Điển cho biết đã chỉ định khu vực xảy ra rò rỉ làm hiện trường của vụ điều tra. Phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển xác nhận hiện có một vùng cấm rộng 5 hải lý xung quanh các điểm rò rỉ.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển cho biết đường ống Nord Stream 1 đã ngừng rò rỉ, nhưng khí vẫn đang thoát ra ở Nord Stream 2 và sủi bọt lên mặt nước trong bán kính 30 mét.
Cũng trong ngày 3-10, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom nói rằng có thể dùng đường ống B của Nord Stream 2 để cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuyến B của Nord Stream 2 không bị bất kỳ ảnh hưởng nào trong các vụ rò rỉ tuần vừa qua, theo đài RT.
Tuy nhiên, theo Reuters gợi ý trên của Gazprom có khả năng bị từ chối do châu Âu đã chặn đường ống Nord Stream 2 vào châu Âu ngay đêm trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2.
Cùng ngày, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) nói rằng phát hiện tàu hải quân Thụy Điển ở gần các đường ống Nord Stream 1 và 2, vài ngày trước khi vụ rò rỉ được phát hiện, theo hãng tin Sputnik.
Theo Reuters, vụ rò rỉ đường ống Nord Stream có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đồng thời vụ việc cũng làm leo thang căng thẳng xoay quanh việc điều tra nguyên nhân dẫn đến rò rỉ.
Ngày 30-9, cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - ông Douglas Macgregor nói rằng Mỹ và Anh có thể đứng sau các vụ nổ gây ra rò rỉ, ông cho biết khi trả lời phỏng vấn trên kênh Youtube của cựu thẩm phán bang New Jersey (Mỹ) - ông Andrew Napolitano.
Theo ông Macgregor, quan điểm cho rằng Nga đứng sau vụ việc này là vô lý. Ông nói “người Nga không làm điều này” và lưu ý rằng nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng.
Ông Macgregor nghi ngờ Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện vụ tấn công vào đường ống Nord Stream bởi vì mức độ tinh vi của vụ việc không phải ai cũng có khả năng thực hiện.