Thụy Hùng: Tăng thu từ trồng míaTin khácĐẩy mạnh tuyên truyền cổng thông tin khai thác cơ sở dữ liệu đất đaiHải quan Lạng Sơn: Hỗ trợ xuất khẩu nông sản thuận lợi

Những năm qua, người dân xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc tích cực trong thực hiện chuyển đổi, cải tạo diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía, nâng tổng diện tích mía toàn xã lên hơn 12 ha. Từ đó, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã.

Những ngày giữa tháng 4/2022, có dịp đến xã Thụy Hùng, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh những vườn mía xanh non đang vươn mình đón nắng. Trên khắp các cánh đồng, bà con hối hả làm cỏ, bón phân vào những khóm mía mới mọc để mong một vụ mía bội thu. Chị Nông Thị Thái, thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng hoa màu nhưng nhận thấy các hộ xung quanh trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên từ năm 2007, gia đình chuyển sang trồng mía. Với hơn 2 sào đất, trừ chi phí việc trồng mía cũng đem lại cho gia đình hơn 25 triệu đồng/năm, cao hơn so với trồng hoa màu nhiều lần.

Người dân thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng thu hoạch mía

Người dân thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng thu hoạch mía

Chị Thái chỉ là một trong số nhiều hộ trồng mía trên địa bàn xã Thụy Hùng. Cây mía được trồng trên toàn xã nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Tam Lung và Khuổi Mươi… Không ai biết cây mía được trồng tại xã từ bao giờ nhưng theo các cụ già trong xã kể lại thì từ lúc còn nhỏ đã được giúp bố mẹ trồng mía. Người dân chỉ trồng loại mía xanh, bởi giống mía này năng suất và chống chịu sâu bệnh tốt hơn các loại mía khác. Đặc biệt, điều kiện thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp nên mía có vị thơm, ngọt, mềm rất đặc trưng. Do đó, mía Thụy Hùng đã trở thành sản phẩm nổi tiếng khắp toàn tỉnh. Hầu hết mọi người khi có dịp đến xã đều lựa chọn mua mía về làm quà cho bạn bè, người thân.

Từ năm 2007 đến nay, nhận thấy cây mía đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân chủ động mở rộng diện tích trồng. Hiện toàn xã có hơn 80 hộ trồng mía, nâng tổng diện tích mía toàn xã lên hơn 12 ha (tăng hơn 3,5 ha so với năm 2020).

Để cây mía sinh trưởng tốt, hằng năm, bà con chọn ngọn hoặc mắt mía khỏe mạnh làm giống và bắt đầu trồng từ tháng 1 âm lịch. Mía được trồng theo luống, khoảng cách mỗi luống 30 cm, trung bình 1 ha trồng khoảng 300 đến 350 hom giống. Sau đó, người dân tiến hành tỉa lá và bón phân khoảng 3, 4 lần tùy theo sự phát triển của cây. Từ tháng 10 âm lịch, cây mía cho thu hoạch rải rác đến tận tháng 2 âm lịch năm sau.

Đồng thời, UBND xã tạo điều kiện để người dân được tập huấn về khoa học kỹ thuật trong trồng mía và tiếp cận vốn vay ưu đãi. Hiện dư nợ cho vay với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt hơn 13 tỷ đồng với trên 250 hộ vay (có hơn 50 hộ vay vốn để phát triển cây mía). Năm 2021, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tổ chức 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía cho 79 hộ tham dự. Đặc biệt, tháng 5/2021, trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tam Lung gồm 8 thành viên với nhiều ngành, nghề kinh doanh (trong đó có trồng mía) và sản xuất được 5 ha mía theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đáng chú ý, các hộ trồng mía còn được huyện quan tâm hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Đơn cử năm 2021, Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ hơn 9.700 kg phân bón cho 79 hộ trồng mía tham gia mô hình “Xây dựng thương hiệu và mở rộng diện tích mía Tam Lung”.

Bằng những giải pháp trên, những năm gần đây, chất lượng và năng suất cây mía tăng cao. Mía ngọt, nhiều nước, dóng to, đốt dài và được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ mía mới chỉ gói gọn ở việc bà con bán lẻ trong thành phố Lạng Sơn và tại địa bàn huyện Cao Lộc. Trung bình, mía được bán với giá khoảng 15 đến 20 nghìn đồng/cây, ước tính mỗi sào cho thu hoạch khoảng 1.000 đến 1.200 cây, đem lại thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng/sào sau khi trừ chi phí.

Ông Lý Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng mía theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng mong xã tiếp tục nhận được sự quan tâm, định hướng từ cấp huyện, cấp tỉnh để xây dựng thêm các sản phẩm từ mía nhằm quảng bá sản phẩm địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con.

Từ trồng mía, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 6,47% năm 2021 (giảm 8,75% so với năm 2019). Thu nhập bình quân của xã hiện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.

LƯƠNG THẢO

ĐẶNG DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/495299-thuy-hung-tang-thu-tu-trong-mia.html