Thùy Linh và cầu lông Việt Nam có phá bỏ 'lời nguyền' SEA Games?
Đấu trường SEA Games không phải là 'ao làng' như nhiều người vẫn nghĩ, đặc biệt trong môn Cầu lông. Với cá nhân tay vợt Nguyễn Thùy Linh, cô còn rất nhiều mục tiêu cần chinh phục ở đấu trường khu vực. Bởi, một tấm huy chương SEA Games luôn là điều Thùy Linh khao khát.
10 năm chờ 1 huy chương
Thùy Linh là tay vợt Việt Nam hiếm hoi góp mặt ở 5 kỳ SEA Games gần nhất. Nếu không có gì bất thường, tay vợt 28 tuổi sẽ tiếp tục đại diện cho tuyển cầu lông Việt Nam thi đấu SEA Games 2025 tại Thái Lan. Và mục tiêu giành một tấm huy chương SEA Games vẫn là điều Thùy Linh luôn khao khát.
Năm 2015, cô bé 18 tuổi Nguyễn Thùy Linh lần đầu có cơ hội trải nghiệm ở một kỳ SEA Games. Thấm thoát 1 thập niên trôi qua, Thùy Linh đã trở thành cựu binh hàng đầu tại đội tuyển cầu lông Việt Nam. Nhưng cái duyên với SEA Games lại là điều Thùy Linh chưa có, đặc biệt ở hạng mục cá nhân. Vì một lý do nào đó, Thùy Linh thường không có phong độ tốt ở mỗi kỳ SEA Games cô góp mặt. Tấm huy chương duy nhất Thùy Linh có là HCĐ đồng đội nữ tại giải đấu diễn ra trên sân nhà. Thùy Linh thi đấu ấn tượng ở giải năm đó, nhưng chỉ trong những trận đồng đội.
Hành trình của Thùy Linh tại SEA Games 2022 chia làm hai nửa vui buồn. Cô luôn là người được trao suất thi đấu đầu tiên ở nội dung đồng đội, đồng thời thể hiện tốt. Thùy Linh thậm chí đã vượt qua Gregoria Tunjung trong trận bán kết, đồng thời mang về chiến thắng duy nhất cho cầu lông Việt Nam ở lượt trận này (Việt Nam sau đó thua Indonesia 1-3).
Thùy Linh chơi tốt ở hạng mục đồng đội, nhưng đến phần đấu cá nhân, cô lại bất ngờ hụt hơi. Tại nội dung đơn nữ, Thùy Linh gặp một tay vợt Indonesia khác trong trận mở màn: Putri Kusuma Wardani. Bất ngờ một lần nữa diễn ra, nhưng Thùy Linh lúc này là người thua cuộc. Cô để thua chóng vánh trong 2 set và nhìn đối thủ bước vào vòng tiếp theo.
Đến SEA Games 2023 tại Campuchia, Thùy Linh vốn có phong độ rất cao ở những giải quốc tế trước đó. Nhưng bước vào SEA Games, một lần nữa cô lại chùng xuống. Cô tiếp tục để thua một tay vợt Indonesia khác là Ester Nurumi Tri Wardoyo trong trận đấu quyết định vị trí có huy chương.
Thùy Linh từng nói mình không hiểu vì sao lại thua Ester Nurumi Tri Wardoyo, nhưng sự thực lại hoàn toàn khác. Không lâu sau đó, đại diện Việt Nam gặp lại tay vợt này tại một số giải đấu quốc tế. Tỷ số đối đầu của cả hai là 1-1 trong 2 trận gần nhất. Điều đó cho thấy Thùy Linh không chuẩn bị tốt nhất trước giải, đồng thời thiếu thông tin về đối thủ. SEA Games 2025 là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á thứ 6 của Thùy Linh. Cô còn nguyên khao khát chinh phục đấu trường này, đồng thời giành ít nhất 1 tấm huy chương ở hạng mục cá nhân. Đó cũng là điều được nhiều thế hệ đàn anh, đàn chị của Thùy Linh từng làm được. Không giống nhiều môn khác, một tấm HCĐ với cầu lông Việt Nam đã là tín hiệu đáng mừng.
Điểm khó của huy chương
SEA Games 2023 không chỉ là giải đấu thất bại của cá nhân Thùy Linh. Cầu lông Việt Nam rời giải đấu mà không có một tấm huy chương nào. Đây là điều thực sự đáng tiếc với cầu lông Việt Nam, ở thời điểm chúng ta sở hữu nhiều tay vợt có khả năng thi đấu quốc tế, đồng thời đã khẳng định bản thân ở sân chơi lớn.
Cầu lông là môn thi đấu có tính cá nhân rất cao. Vì thế, thành tích của cầu lông Việt Nam tại các giải quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào bản thân tay vợt. Đó cũng là lý do cầu lông Việt Nam ở cấp độ đội tuyển, cũng như địa phương, có chính sách khá "mở" với VĐV. Điều này giúp họ có môi trường phát triển tốt nhất trong tương lai.
Trong số những tay vợt hàng đầu Việt Nam thời điểm này, Thùy Linh là gương mặt nổi bật nhất. Cô nằm trong nhóm những VĐV tốp đầu thế giới, thường xuyên góp mặt tại các giải quốc tế cấp độ cao nhất. Bên cạnh Thùy Linh, nhiều tay vợt Việt Nam khác cũng cho thấy khả năng không tồi trong những lần xuất ngoại.
Ở hạng mục đơn nam, Hải Đăng và Đức Phát đều đang nằm trong top 100 thế giới. Bên cạnh Thùy Linh và Vũ Thị Trang, nội dung đơn nữ cũng chứng kiến nhiều VĐV tiến bộ nhanh chóng trong thời gian qua như Phương Thúy, Anh Thư. Hạng mục đánh đôi cũng có nhiều gương mặt tốt, nhưng sự thực là giành dù chỉ 1 HCĐ cũng rất khó với cầu lông Việt Nam lúc này.
"Chúng tôi muốn VĐV Việt Nam có cơ hội tham dự nhiều giải đấu quốc tế từ lớn đến nhỏ, nhưng lại hiếm khi nào thực hiện được. Nguồn kinh phí hạn chế là nguyên nhân khiến VĐV chỉ có thể tập chay trên đội tuyển. Điều đó khiến các em khó tiến bộ đến ngưỡng mong muốn, đặc biệt sau giai đoạn 18 tuổi", một HLV cho biết. Ví dụ rõ nhất cho thấy "điểm chững" về khả năng có thể thấy ở chính Thùy Linh. Ở giai đoạn trước tuổi 20, tay vợt Việt Nam từng thi đấu ngang tài ngang sức với Supanida Katethong, đại diện Thái Lan. Nhưng hiện tại, Katethong đã nằm trong top 10 thế giới, và luôn dễ dàng đánh bại Thùy Linh tại các giải quốc tế.
Môi trường tập luyện đỉnh cao là điều các tay vợt Việt Nam còn thiếu. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ dám vượt khỏi vùng thoải mái của bản thân để đạt đến đẳng cấp cao hơn. Vì lý do đó, số VĐV Việt Nam thường xuyên thi đấu quốc tế mỗi năm chỉ trên dưới 10 người, biến họ trở thành những cá nhân lẻ loi tại đấu trường lớn.
Anh Thư gặp chấn thương dài hạn
Vũ Thị Anh Thư, một trong 4 tay vợt đơn nữ hàng đầu Việt Nam, đã gặp chấn thương nặng vào dịp cuối năm 2024. Chấn thương của Anh Thư diễn ra trong thời điểm cô tham dự một giải đấu quốc tế tại Nepal. Anh Thư sau đó phải ngồi xe lăn về nước, đồng thời phẫu thuật điều trị dứt điểm.
Ở tuổi 23, Anh Thư là một trong những tay vợt được đơn vị TP Hồ Chí Minh, cũng như gia đình đầu tư rất mạnh để hướng đến sân chơi quốc tế. Cô là tay vợt hiếm hoi đến châu Âu, cũng như Châu Đại Dương dài ngày để tranh tài ở những năm trước. Tuy nhiên, ở thời điểm chuẩn bị hướng đến một vị trí trong top 100 thế giới, Anh Thư bất ngờ gặp chấn thương.
Thể trạng không đảm bảo là nguyên nhân trực tiếp khiến Anh Thư đi xuống phong độ trong 18 tháng vừa qua. Việc cô phải phẫu thuật dịp cuối năm 2024 là điều không mong muốn với tay vợt này. Tuy nhiên, cá nhân Anh Thư có thể tận dụng khoảng thời gian tới để bản thân được nghỉ ngơi, trước khi hướng đến những mục tiêu tiếp theo trong tương lai.