Thủy lợi 30 năm 'song hành' cùng sản xuất nông nghiệp

Nếu nói giao thông là 'đột phá' trong phát triển thương mại - dịch vụ, cơ sở hạ tầng thì thủy lợi được xem là 'cái gốc' để phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi thủy lợi phát triển sẽ góp phần rất lớn trong sản xuất thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, cùng với đó hệ thống thủy lợi chống ngập úng trong mùa mưa bão, đặc biệt là phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn... Qua 30 năm tái lập tỉnh, cùng điểm lại những thành quả trong quy hoạch, phát triển thủy lợi để nông nghiệp Sóc Trăng phát triển vượt bậc.

Hệ thống các cống thủy lợi không chỉ góp phần ngăn mặn, trữ ngọt mà còn đảm bảo việc lưu thông của phương tiện thủy, bộ. Ảnh: TL

Hệ thống các cống thủy lợi không chỉ góp phần ngăn mặn, trữ ngọt mà còn đảm bảo việc lưu thông của phương tiện thủy, bộ. Ảnh: TL

Thủy lợi đối với nông dân

Một thời gian dài ở xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) được biết đến với cái tên “cánh đồng năn”, “xứ cầm trâu” nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, cánh đồng năn ngày nào đã thay bằng cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn.

Theo lời kể của ông Phan Văn Khải, ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân, khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập, việc sản xuất nông nghiệp của người dân còn nhiều khó khăn, do chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi. Đến năm 1996, huyện triển khai công tác đào kênh thủy lợi tạo nguồn tháo rửa phèn, mặn nên nông dân tiến hành “khai phá” cánh đồng năn để gieo sạ lúa. Mỗi năm, đều được đầu tư hệ thống thủy lợi đến năm 2000 có nguồn nước từ thủy lợi khá tốt, người dân gieo sạ lúa 2 vụ/năm. Đến năm 2011, hệ thống thủy lợi toàn xã hoàn chỉnh nên người dân sản xuất lúa được 3 vụ. Riêng gia đình ông Khải có diện tích đất làm lúa 10ha, sản lượng lúa 250 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm. Nếu không có hệ thống thủy lợi được Nhà nước đầu tư để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chắc chắn bà con vùng đất “cánh đồng năn” không thể trở thành cánh đồng lúa như ngày nay. Cũng nhờ sản xuất lúa, đời sống của người dân đều khấm khá, cuộc sống ấm no, sung túc.

Ông Phan Văn Khải, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho rằng hệ thống thủy lợi đã góp phần phát triển sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho nông dân. Ảnh: TL

Ông Phan Văn Khải, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho rằng hệ thống thủy lợi đã góp phần phát triển sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho nông dân. Ảnh: TL

Cũng là người dân chuyên canh về sản xuất lúa, ông Ngô Văn Hoàng, ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) bộc bạch: “Với tôi, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh đã tạo điều kiện cho gia đình mạnh dạn sản xuất lúa các vụ trong năm. Vì trong các năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhưng nhờ có hệ thống thủy lợi đã góp phần trong việc ngăn mặn, trữ nước nên nông dân phấn khởi khi gieo trồng cây lúa, cây màu. Việc hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện cho thấy Nhà nước quan tâm rất nhiều đến đời sống của người dân trong sản xuất nông nghiệp, vì khi có thủy lợi, năng suất trồng trọt ổn định và sản lượng cây trồng tăng cao. Có thể nói, hệ thống thủy lợi rộng khắp, góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, thuận tiện cho việc lưu thông sản phẩm lúa, màu sau thu hoạch…”.

Hệ thống thủy lợi rộng khắp

Trước năm 1992, hệ thống đê biển dài 153km và chưa được đầu tư nên nông dân thường xuyên đối mặt với thiên tai như: triều cường, xâm nhập mặn và các tuyến đê sông chưa được đầu tư, nông dân thường xuyên mất mùa hoặc sản xuất theo quy luật tự nhiên nên năng suất thấp và số lượng cống thủy lợi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng ven biển.

Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp của hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh cũng như phân chia sản xuất theo điều kiện tự nhiên từng vùng đất, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thủy lợi thành 7 vùng dự án gồm: Long Phú - Tiếp Nhật; Ba Rinh - Tà Liêm; Quản lộ Phụng Hiệp; Cù lao sông Hậu; Kế Sách; ven biển Đông; Thạnh Mỹ để phục vụ diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 279.000ha. Theo đó, tổng chiều dài đê sông, đê biển các vùng dự án hơn 409km, với 157 cống thủy lợi, trong đó kênh cấp I, II là 64 kênh, chiều dài kênh 1.031km.

Hiện nay, tuyến đê Tả - Hữu huyện Cù Lao Dung, các đê cồn thuộc địa bàn huyện Kế Sách như: cồn Phong Nẫm, An Tấn, An Công, Mỹ Phước đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất của nhân dân. Đồng thời, vùng Quản lộ Phụng Hiệp, với hệ thống kênh được thiết kế hoàn chỉnh và hoạt động của cống Âu thuyền Ninh Quới biến khu vực trên 70.000ha đất sản xuất, thường xuyên nhiễm mặn (gồm TX. Ngã Năm, một phần huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú) vùng Long Phú - Tiếp Nhật thành vùng sản xuất lúa đặc sản bền vững chủ lực của tỉnh. Hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, trên 40.000ha đất sản xuất, được bảo vệ, tránh được hiện tượng xâm nhập mặn đối với vụ lúa Đông - Xuân hàng năm. Bên cạnh đó, khu vực các cồn trên sông Hậu huyện Cù Lao Dung và huyện Kế Sách có diện tích trên 30.000ha đất sản xuất nông nghiệp cơ bản được kiểm soát triều cường hàng năm nên bà con an tâm sản xuất. Đồng thời, địa bàn huyện Kế Sách cũng đang được thực hiện Dự án Phân ranh mặn ngọt đến năm 2025 trên 50.000ha đất chuyên canh cây ăn trái.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo thông tin, để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân từ hệ thống thủy lợi, Sóc Trăng đang đầu tư các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh như: các dự án đang chuẩn bị đầu tư là Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chiều dài 900m tại xã Trinh Phú, huyện Kế Sách; công trình kè ngầm ly tâm chắn sóng dài 2,5km từ cống số 2 (TX. Vĩnh Châu) đến ranh Bạc Liêu; Kè ngầm chống sạt lở đê biển Vĩnh Châu; công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu… Hệ thống thủy lợi phát triển góp phần rất lớn trong việc ổn định sản xuất nông nghiệp, giúp người dân Sóc Trăng an tâm sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/thuy-loi-30-nam-song-hanh-cung-san-xuat-nong-nghiep-55708.html