Thủy ngân trong mỹ phẩm gây độc thế nào, bạn phải làm gì nếu nhiễm độc?

Thủy ngân tuy là hóa chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm, nhưng vẫn được sử dụng trong các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, gây hại cho người sử dụng. Nếu không may nhiễm độc thủy ngân từ mỹ phẩm, bạn cần làm gì?

Với công việc nghiên cứu mỹ phẩm và đào tạo làm mỹ phẩm, bà Đỗ Anh Thư - giám đốc đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa's Garden - đã chia sẻ với Kiến Thức những kiến thức về thủy ngân trong mỹ phẩm, kem dưỡng trắng. Bởi theo vị chuyên gia này, dù có thuộc phạm trù mỹ phẩm hay không, thì thủy ngân cũng là một yếu tố mà chúng ta đều đang rất quan tâm tìm hiểu.

Thủy ngân là gì, có độc hay không?

Thủy ngân là một kim loại nặng và có độc tính rất cao, đã bị cấm sử dụng trong chữa bệnh (tuy nhiên, thủy ngân ở dạng amalgam vẫn còn được sử dụng để trám răng và đây vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi).

Thủy ngân tồn tại ở nhiều thể. Thủy ngân thể lỏng được cho là ít độc, nhưng thủy ngân thể hơi, các hợp chất và muối của thủy ngân thì là các chất kịch độc – và nhiều trong số ấy là có khả năng hấp thụ qua da dễ dàng. Ví dụ chỉ cần vài microlit của dimethyl thủy ngân tiếp xúc với da thì có thể gây tử vong ở người. Thủy ngân có ở cả dạng vô cơ và dạng hữu cơ. Thủy ngân vô cơ thì ít độc so với thủy ngân hữu cơ.

Việt Nam quy định thế nào về thủy ngân trong mỹ phẩm?

Toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã cấm việc sử dụng thủy ngân vào mỹ phẩm từ lâu. Ở Việt Nam, hiện có 3 kim loại nặng không được phép cho vào mỹ phẩm là chì, thủy ngân và asen. Tuy vậy, mỗi kim loại nặng này đều có một giới hạn tạp chất cho phép. Cụ thể, trong mỹ phẩm, chì, asen và thủy ngân không được vượt ngưỡng lần lượt là 20ppm (20 phần triệu), 5ppm (5 phần triệu), và 1 ppm (1 phần triệu). (1 phần triệu = 0.0001%).

Nhìn vào con số trên đây, bạn có thể thấy, giới hạn của thủy ngân là nghiêm ngặt nhất, đồng nghĩa với việc thủy ngân trong mỹ phẩm được cho là có hại hơn chì và thạch tín (asen).

Bạn lưu ý rằng: hàm lượng thủy ngân dưới 1ppm như trên không có nghĩa rằng nhà sản xuất được phép sử dụng thủy ngân như một thành phần mỹ phẩm cho đến ngưỡng 1ppm. Đây là ngưỡng “nhiễm thủy ngân” vào mỹ phẩm. Trong thế giới tự nhiên, không có cái gì là nguyên chất. Nói nôm na, bạn không thể đun được một ấm nước chỉ có H2O 100%, mà chắc chắn trong ấm nước đó không có canxi, magie, không có hạt bụi nào… đúng không? Vàng nguyên chất nhất cũng chỉ “dám” tuyên bố là vàng “bốn con chín” (tức 99,99%) mà thôi.

Thủy ngân, chì và asen tồn tại một cách tự nhiên trong cuộc sống, trong không khí, trong nguồn nước và thực phẩm hàng ngày. Vì thế nên cơ quan quản lý có đưa ra giới hạn của những kim loại nặng này trong không khí, trong nguồn nước…

Một chú ý nữa: mặc dù chúng ta biết rằng asen vô cơ mới độc còn asen hữu cơ vô hại, thủy ngân vô cơ thì độc ít còn thủy ngân hữu cơ thì độc nhiều… nhưng Bộ Y Tế đều cấm tuyệt đối sự xuất hiện của các kim loại nặng này trong mỹ phẩm, bất kể ở dạng vô cơ hay hữu cơ.

Bị cấm, thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng

Thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng

Thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng

Hay nói ngắn gọn là “kem trộn”. Mấy năm nay, khi nói đến “kem trộn”, thì hầu hết mọi người chỉ biết đến “corticoid” và cho rằng corticoid làm nên tất cả mọi tội lỗi của kem trộn, nhưng không phải. Hầu hết mọi người, báo chí không ý thức được rằng thủy ngân mới là “chất ức chế melanin (chất tạo màu nâu cho da)” trong kem trộn, còn corticoid chỉ làm trắng lên bằng cách khiến da ngậm nước (giống như bạn ngâm tay trong nước trong 15-20 phút thì thấy da tay trương lên và trắng hơn).

Khi sử dụng kem dưỡng trắng chứa thủy ngân thì làn da sẽ trắng lên rất nhanh do tác dụng ức chế sản sinh melanin. Sử dụng trong thời gian đủ dài, da chuyển thành màu trắng tái (trắng bệnh), kém hồng hào – đây là các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân. Một số biểu hiện khác bao gồm kích ứng, sẹo, dễ nhiễm khuẩn (đối với da). Đối với cơ thể, tiếp xúc với mỹ phẩm trắng da chứa thủy ngân có thể dẫn đến suy thận, trầm cảm, rối loạn tâm thần và bệnh thần kinh ngoại biên – theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2011 (*)

Sử dụng thủy ngân trong kem trộn là hoạt động diễn ra một cách phổ biến và trong nhiều năm nay, chú yếu ở các nước châu Phi và châu Á (do nhu cầu làm trắng cao). Ở Việt Nam, khi làm việc với Viện kiểm nghiệm thuốc TW, cô Lê Thị Hường Hoa – cựu trưởng phòng Kiểm nghiệm mỹ phẩm – từng cho biết: thi thoảng kiểm tra một số sản phẩm kem dưỡng trắng thì có phát hiện ra thủy ngân ở hàm lượng quá mức cho phép.

 Cảnh báo về các sản phẩm nhiễm chất cấm

Cảnh báo về các sản phẩm nhiễm chất cấm

Điều này không ngoài dự đoán. Ở các nước khác có cùng nhu cầu làm trắng cao như Việt Nam, thì hàm lượng của thủy ngân được phát hiện đã từng là những con số rất lớn. Ví dụ như một sản phẩm tiêu thụ ở Pakistan được phát hiện chứa thủy ngân ở hàm lượng 29600ppm (tương đương 2,96% trọng lượng của một sản phẩm mỹ phẩm), Trung Quốc – 14700ppm (1,47%), Bangladesh 16353ppm (hơn 1,63%), Philippines – 10576ppm (1,05%) v.v… Hãy so những con số này với giới hạn nghiễm thủy ngân trong mỹ phẩm ở khối ASEAN (trong đó có Việt Nam) là 1ppm, bạn sẽ thấy thủy ngân đã được lạm dụng trong kem trộn ra sao!

 Hàm lượng thủy ngân được phát hiện trong một số sản phẩm mỹ phẩm làm trắng

Hàm lượng thủy ngân được phát hiện trong một số sản phẩm mỹ phẩm làm trắng

Làm thế nào để chọn mỹ phẩm không thủy ngân?

Đầu tiên, nếu bạn không dùng mỹ phẩm làm trắng, thì bạn không cần phải lo đến việc mỹ phẩm mình dùng có chứa thủy ngân hay không.

Nếu bạn dùng mỹ phẩm làm trắng, hãy mua ở những hãng uy tín, đảm bảo được về chất lượng. Mọi sản phẩm làm trắng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa đăng ký với Bộ Y Tế (nếu là hàng nhập khẩu) hoặc Sở Y Tế (nếu là hàng made in Việt Nam) đều có khả năng chứa thủy ngân ở hàm lượng vượt ngưỡng (bên cạnh những thành phần cấm khác như corticoids, hydroquinone v.v...)

Nếu bị nhiễm độc thủy ngân do dùng kem trộn, bạn phải làm gì?

Nếu bạn có biểu hiện rõ ràng của việc tổn thương da do kem trộn (giãn mao mạch, trắng bệnh không hồng hào, da kích ứng, dễ nhiễm khuẩn), đặc biệt có dấu hiệu ảnh hưởng đến thận và hệ thần kinh, thì hãy đi khám ngay ở các khoa chống độc của các bệnh viện uy tín. Bởi vì đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về da, không chỉ khám da liễu nữa rồi!

Nếu được chẩn đoán là nhiễm độc thủy ngân, hãy làm theo phác đồ của bác sĩ, dù rằng đây là một liệu trình dài và tốn kém. Không nên đến các spa có dịch vụ “hút chì”, “hút thủy ngân”, bởi vì kim loại nặng không thể được “hút” ra dễ dàng như vậy, những dịch vụ này thực sự vô ích.

Chuyên gia Đỗ Anh Thư - Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa's Garden

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/thuy-ngan-trong-my-pham-gay-doc-the-nao-ban-phai-lam-gi-neu-nhiem-doc-1270914.html