Thủy Nguyên - thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá

Là mô hình thành phố trực thuộc thành phố, Thủy Nguyên sẽ được xây dựng trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính; du lịch, văn hóa, thể dục thể thao; y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ.

Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ

Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững

Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường

Cơ bản hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại III, theo dự kiến, năm 2025, huyện Thủy Nguyên sẽ lên TP Thủy Nguyên trực thuộc TP Hải Phòng. Đây là cơ sở để Thủy Nguyên trở trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính... là cửa ngõ công nghiệp của TP Hải Phòng với hành lang công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo quy hoạch đến năm 2050.

Tâm điểm trong quy hoạch chung của TP Hải Phòng

Theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hải Phòng phát triển theo mô hình "Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh" cùng cấu trúc không gian đô thị "Hai vành đai - ba hành lang - ba trung tâm và các đô thị vệ tinh". Trong đó, Thủy Nguyên đóng vai trò quan trọng trong vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ và trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm.

Nhiều công trình giao thông tạo nên bộ mặt mới của huyện Thủy Nguyên.

Nhiều công trình giao thông tạo nên bộ mặt mới của huyện Thủy Nguyên.

Là mô hình thành phố trực thuộc thành phố, Thủy Nguyên sẽ được xây dựng trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính; du lịch, văn hóa, thể dục thể thao; y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ.

Hải Phòng là một trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (cùng với Hà Nội, Quảng Ninh); là vành đai ven biển Việt Nam - Đông Nam Á - Trung Quốc; hai hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; là trung tâm tổng hợp (kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp) của vùng Duyên hải Bắc Bộ; các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á… Còn Thủy Nguyên là một trung tâm quan trọng của Hải Phòng, một khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng, có vai trò chiến lược trong thế trận phòng thủ của thành phố.

Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên luôn vượt mục tiêu, duy trì ở mức cao. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Thủy Nguyên ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thu hút đầu tư trên địa bàn tăng, nhiều dự án được xây dựng mới, các doanh nghiệp cũng phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ.

Thủy Nguyên có các khu công nghiệp Bến Rừng, Nam Cầu Kiền, VSIP Hải Phòng; cụm công nghiệp Kênh Giang - Đông Sơn - Hòa Bình...; phát triển nổi bật ở một số nhóm ngành như: công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng, dịch vụ hậu cần tàu biển, sản xuất thép, đúc kim loại, nhiệt điện, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, lắp ráp hàng điện tử.

Về cơ cấu kinh tế, trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành tại huyện Thủy Nguyên đạt 47.871 tỷ đồng, tăng 17,03% so với cùng kỳ, trong đó nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 19,1%; dịch vụ tăng 16,7%; nông - lâm - thủy sản tăng 2,3%. Tỷ trọng sản xuất các ngành: Công nghiệp - xây dựng 59,7%; dịch vụ 33,7%; nông - lâm - thủy sản 6,6%.

Đến nay, đô thị Thủy Nguyên cơ bản hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại III. Đây là ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Thủy Nguyên, đã được cụ thể hóa quyết tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Phòng cũng như huyện Thủy Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025.

Đô thị thông minh với mạng lưới giao thông đồng bộ hiện đại

Huyện Thủy Nguyên nằm ở phía Bắc TP Hải Phòng, với nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua. Quốc lộ 10 kết nối Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, đoạn qua địa bàn Thủy Nguyên (từ cầu Kiền đến cầu Đá Bạc). Đường tỉnh 359 là trục xương sống, kết nối Thủy Nguyên với khu vực trung tâm thành phố qua cầu Bính, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Đoạn qua địa bàn Thủy Nguyên từ Cầu Bính đến cầu Bến Rừng sắp được khánh thành để kết nối với tỉnh Quảng Ninh.

Một góc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Một góc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Những năm gần đây, huyện Thủy Nguyên đang triển khai rất nhiều tuyến đường lớn, kết cấu hạ tầng giao thông thay đổi rõ rệt, mang lại lợi thế giao lưu phát triển kinh tế với khu vực trung tâm thành phố và các khu vực lân cận.

Các tuyến đường trên được kết nối bằng các tuyến đường tỉnh 359C, 351, 352, đường Máng Nước đã và đang được đầu tư nâng cấp đồng bộ hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Về giao thông đô thị, trong những năm vừa qua, Thủy Nguyên đã triển khai rất nhiều dự án trọng điểm hoàn mạng lưới giao thông bố trí hợp lý. Một số tuyến đường trục chính đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh được trồng có chọn lọc, có điểm nhấn... hình thành những tuyến phố, văn minh trong đô thị.

Thủy Nguyên được TP Hải Phòng ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách (trung bình 125 tỷ đồng/xã) để hỗ trợ các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư mở rộng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng của xã về giao thông, văn hóa, giáo dục được cải thiện rõ nét. Thủy Nguyên luôn cập nhật các tiêu chí xây dựng đô thị để những công trình trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận được với tiêu chí đô thị, đây là nguyên tắc trong quá trình thiết kế đề xuất các danh mục công trình của huyện Thủy Nguyên.

Các hệ thống giao thông thủy, cầu, cảng biển, cảng sông tại Thủy Nguyên cũng có nhiều lợi thế để Thủy Nguyên trở thành trung tâm là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính tầm cỡ tại khu vực.

Riêng hệ thống cầu kết nối Thủy Nguyên với TP Hải Phòng và các tỉnh lân cận, hiện nay đã có 5 cây cầu được đưa vào sử dụng, trong tháng 6 này, cầu Bến Rừng kết nối tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ thông xe, cầu Hoàng Gia, Lại Xuân đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, cầu Nguyễn Trãi sẽ được khởi công trong thời gian gần nhất khi công tác giải phóng mặt bằng sẽ sớm hoàn tất.

Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cho biết, TP Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên đang nỗ lực hết mình trong quá trình hoàn đưa Thủy Nguyên lên thành phố vào năm 2025. Đây là ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện Thủy Nguyên, đã được cụ thể hóa quyết tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Phòng cũng như huyện Thủy Nguyên nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, hiện tại, huyện đang thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên đến năm 2045, trong đó nghiên cứu về hiện trạng đất đai, con người, kinh tế xã hội để xây dựng phương án, cũng như các dự báo phát triển đến năm 2045.

Việc thành lập thành phố là cơ hội để Thủy Nguyên phát triển kinh tế và tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt. Không gian đô thị sẽ được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.

Cơ hội về việc làm gia tăng, chất lượng sống của người dân từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình của Thủy Nguyên sẽ có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại.

Việt Hòa

Hoàng Long

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thuy-nguyen-thanh-pho-tuong-lai-va-ky-vong-but-pha-192240625105451751.htm