Thủy phân phế phẩm da bò làm thức ăn chăn nuôi
Trong quá trình sản xuất, các nhà máy đã thải ra hàng đống các mảnh da thuộc dư thừa, mà không tìm ra phương án giúp giải quyết những phế phẩm này.
“Công nghệ thủy phân phế phẩm da thuộc làm thức ăn cho ruồi lính đen, chăn nuôi thủy hải sản và phân bón sinh học” có thể tạo ra thức ăn trong chăn nuôi với chi phí thấp và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tận dụng phế phẩm da bò bỏ đi
Hội thảo giới thiệu “Công nghệ thủy phân phế phẩm da thuộc làm thức ăn cho ruồi lính đen, chăn nuôi thủy hải sản và phân bón sinh học” vừa được tổ chức do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở KH&CN TPHCM) chủ trì.
Năm 1858, phương pháp thuộc da sử dụng chrome sulfate ra đời và ngay lập tức trở nên phổ biến. Nó dẻo dai hơn so với phương pháp thủ công, nhiều màu sắc phong phú hơn, thời gian thuộc nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.
Trong quá trình sản xuất, các nhà máy đã thải ra hàng đống các mảnh da thuộc dư thừa, mà không tìm ra phương án giúp giải quyết những phế phẩm này. Những mảnh da thuộc này rất khó phân hủy. Thêm vào đó, chúng chứa chrome - vốn rất độc, hại, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên và sức khỏe con người.
Ông Đặng Tiến Dũng, Giám đốc vận hành Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ sau thu hoạch, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, để khắc phục nhược điểm này, các nhà khoa học đã nghĩ đến công nghệ thủy phân.
Theo đó, da bò được cắt nhỏ thành kích thước khoảng 1 - 2 cm, đem đi rửa. Kế đến đem ngâm trong bồn dung dịch hóa chất (thứ nhất) kết hợp với siêu âm và nhiệt độ để phá vỡ liên kết của crom với da bò giúp cho crom ở trạng thái tự do.
Sau đó da bò được vắt khô và ngâm vào bồn dung dịch hóa chất (thứ hai) kết hợp với khuấy để hòa tan crom ở trạng thái tự do. Sau khi crom đã hòa tan hoàn toàn vào dung dịch, đem lọc thu được da bò đã loại bỏ gần như không còn crom rồi đem rửa sạch, sẽ thu được da bò nguyên chất.
Da bò này được ngâm vào dung dịch 3 kết hợp với gia nhiệt khuấy trộn để gelatin hóa làm cho trương nở và mềm. Sau đó, da bò đem lọc, rửa sạch rồi trộn với hệ vi sinh và đem ủ để chuyển hóa các hợp chất hữu cơ thành các đơn chất, tạo mùi thơm giúp cho gia súc hoặc ấu trùng dễ dàng chuyển hóa hoàn toàn thức ăn này. Da bò còn được xay nhỏ làm nguyên liệu thức ăn trực tiếp nuôi ruồi lính đen và bổ sung đạm trong thức ăn chăn nuôi thủy hải sản.
Công nghệ sẵn sàng chuyển giao
Ông Đặng Tiến Dũng cho biết, không chỉ làm thức ăn chăn nuôi mà từ quy trình này có thể tạo ra phân bón. Sản phẩm sau thủy phân phối trộn các chất khoáng như sắt, đồng, kẽm, mangan... thực hiện phản ứng chelatropic tạo phân bón chelate axit amin, là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Quy trình công nghệ kể trên khi được triển khai sẽ giúp giải quyết phế phẩm da bò trong ngành công nghiệp dệt may, biến thành sản phẩm có giá trị kinh tế.
Ông Đặng Tiến Dũng cho biết, bên cạnh quá trình chuyển giao công nghệ (các bí quyết, kiến thức dưới dạng phương án, các giải pháp kỹ thuật, quy trình, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, thông tin dữ liệu), hiện nay Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ sau thu hoạch còn đồng hành đầu tư theo các phương án 30 - 70% tổng giá trị công nghệ.
Ông Đặng Tiến Dũng mong muốn có thể triển khai công nghệ này ra ngoài thực tế với quy mô lớn hơn, bởi “nhu cầu xử lý phế phẩm da thuộc hiện rất lớn, chúng bị đổ bỏ ngoài môi trường rất nhiều, chất đống thành cả ngàn tấn để chờ môi trường phân hủy. Chỉ xét trên nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp nuôi ruồi lính đen tại Việt Nam, ta đã có thể thấy được tiềm năng của sản phẩm từ da thuộc này.
Ruồi lính đen (Hermetia Illucens) là một trong những loại côn trùng được các nhà nghiên cứu đánh giá là loài có ích. Loài vật này có khá nhiều công dụng và ứng dụng trong thực tế. Tại Việt Nam, bột ruồi lính đen được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản, ấu trùng tươi ruồi lính đen được sử dụng trực tiếp để nuôi cá, gà, vịt, lươn. Trong khi đó, phân ruồi lính đen thì được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong.