Thủy sản Nam Việt - NAVICO (ANV) lãi tượng trưng vừa đủ thoát lỗ quý 3, lãi vay đè nặng lên dòng tiền
CTCP Nam Việt - NAVICO (Mã ANV) đã thoát lỗ trong quý 3. Tuy nhiên lãi thu về rất mỏng, chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của công ty bị áp lực lớn từ lãi vay.
Khoản lãi tượng trưng của Nam Việt (ANV) chỉ vừa đủ thoát lỗ tại quý 3/2023
CTCP Nam Việt - NAVICO (Mã HoSE: ANV) hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản với tiền thân là xí nghiệp thủy sản Mỹ Quý. Bức tranh kinh doanh ảm đạm của NAVICO bắt đầu trong quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 1.074,3 tỷ đồng, giá vốn leo thang khiến lợi nhuận gộp sụt giảm gần 5 lần so với quý 1 trước đó, chỉ còn 48,2 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ sau thuế 51 tỷ đồng tại quý 2 trong khi cùng kỳ đang lãi 240,7 tỷ đồng.
Bước sang quý 3/2023, Nam Việt đạt doanh thu thuần 1.098,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ, lợi nhuận gộp mang về 84,8 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 23% xuống còn 7,6%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm xuống 8,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 47,3%. Chi phí tài chính cũng được tiết giảm còn 36 tỷ đồng, giảm 27%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được Nam Việt tối ưu hơn, lần lượt chiếm 37,6 tỷ và 16 tỷ đồng. Lần lượt hai chi phí này đều giảm 61% và 24% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của ANV đạt hơn 1 tỷ đồng trong quý 3, giảm 99,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy rằng mặc dù đã thoát lỗ trong quý 3 nhưng áp lực từ giá vốn vẫn đang là vấn đề đối với Nam Việt. Khoản lợi nhuận tượng trưng vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng vẫn chưa đủ để kéo lại khoản thua lỗ gần 50 tỷ trong quý 2 trước đó.
Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của Nam Việt đạt 3.328,3 tỷ đồng, giảm 11,3%. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 42,4 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Nợ vay dài hạn gia tăng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy 1.654 tỷ đồng
Tính đến hết quý 3, tổng tài sản của Nam Việt đạt 5.359,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Đáng chú ý lượng tiền mặt hiện chỉ chiếm 29,8 tỷ đồng. Trong khi lượng tiền gửi của công ty cũng giảm gần một nửa, xuống chỉ còn 186,1 tỷ đồng.
Lượng phải thu ngắn hạn của khách hàng có xu hướng giảm từ 412,6 tỷ xuống còn 373,2 tỷ đồng. Lượng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng đã tăng từ 36 tỷ đồng đầu năm lên 41,6 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Nam Việt tăng từ 2.333,3 tỷ đồng lên 2.448,1 tỷ đồng, tỷ lệ tăng gần 5%. Trong khi đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng gia tăng tới 28,4%, lên 11,3 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đang chiếm 2.174 tỷ đồng, tương đương 40,6% tổng nguồn vốn của thủy sản Nam Việt. Công ty hiện đang vay nợ ngắn hạn 1.780,5 tỷ đồng. Lượng nợ vay dài hạn có xu hướng gia tăng từ 152,8 tỷ lên 185,2 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của ANV đang chiếm 2.984,2 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang chiếm tới 1.654,9 tỷ đồng. Công ty cũng đang ghi nhận âm cổ phiếu quỹ 27,6 tỷ đồng.
Áp lực trả lãi vay tăng mạnh, dòng tiền kinh doanh âm
Một vấn đề khác trong hoạt động kinh doanh của Nam Việt nằm ở lưu chuyển dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Áp lực trả lãi vay khiến cho công ty bị thiếu hụt lượng tiền mặt tương đối lớn trong 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý 3, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 62,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước còn dương 358,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền lãi vay mà ANV trả trong kỳ lên tới 110,1 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lượng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cũng chiếm 113,4 tỷ đồng, tăng 8,5 lần.
Trong khi đó tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh lại giảm từ 52,5 tỷ xuống chỉ còn 33,5 tỷ đồng. Những nguyên nhân trên đã khiến NAVICO âm dòng tiền tới 62,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nguồn tiền âm này sau đó cũng đã phần nào được bù đắp khi công ty nhận 60 tỷ đồng thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.