Thụy Sỹ hỗ trợ 1,8 nghìn tỷ đồng giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, theo định hướng thị trường

Ngày 6/8, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng công bố Chương trình Hợp tác mới giữa Thụy Sỹ và Việt Nam giai đoạn 2021-2024.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại lễ công bố Chương trình Hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ)

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại lễ công bố Chương trình Hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ)

Chương trình cụ thể hóa Khung chiến lược cho hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sỹ với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững và theo định hướng thị trường.

Chương trình cam kết hỗ trợ 70 triệu Franc Thụy Sỹ (tương đương 1,8 nghìn tỷ đồng) từ nguồn vốn Hỗ trợ chính Phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại.

Thông qua chương trình, Thụy Sỹ hỗ trợ phát triển khuôn khổ kinh tế vững chắc, theo định hướng thị trường, tăng tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của khu vực tư nhân.

Cụ thể, Chương trình tập trung vào việc tăng cường quản lý tài chính công, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ hội mang lại thu nhập xứng đáng, đẩy mạnh thương mại bền vững, hiện đại hóa ngành tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện chất lượng quy hoạch đô thị.

Bình đẳng giới và biến đổi khí hậu là chủ đề xuyên suốt,định hướng hoạt động của Chương trình.

Chương trình Hợp tác giai đoạn 2021-2024 phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam được nêu trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) triển khai.

Chương trình sẽ tính đến các thách thức mới gây ra bởi đại dịch Covid-19 hiện nay, từ đó hỗ trợ Việt Nam xây dựng kinh tế phát triển bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu sau đại dịch, giữ vững mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis khẳng định: “Lễ công bố Chương trình Hợp tác mới này một lần nữa nhấn mạnh cam kết của hai quốc gia đối với môíquan hệ đối tác đã phát triển mạnh mẽ và sâu sắc trong suốt nửa thế kỷ qua”.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Các định hướng lớn trong tài liệu mà SECO sẽ giới thiệu với chúng ta hôm nay đã được các cơ quan của Việt nam nghiên cứu, đánh giá là tài liệu phù hợp, cập nhật các nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn tới“.

Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1971, và các chương trình ODA của chính phủ Thụy Sỹ tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1991.

Tính đến cuối năm 2020, Thụy Sỹ đóng góp 600 triệu Franc Thụy Sỹ (tương đương 15 nghìn tỷ đồng) vào chương trình nghị sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong ba thập kỷ qua, Thụy Sỹ tiếp tục điều chỉnh chương trình ODA tập trung vào lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế.

Đoàn ngoại giao cấp cao Thụy Sỹ do Phó Tổng thổng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Đoàn ngoại giao cấp cao Thụy Sỹ do Phó Tổng thổng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Trong những năm qua, thông qua chương trình hợp tác phát triển kinh tế, Thụy Sỹ đã góp phần vào việc giúp cho quản lý tài chính công của Việt Nam minh bạch và hiệu quả hơn, đáng chú ý là việc hỗ trợ xây dựng Luật Quản lý nợ công mới.

Thêm vào đó, chương trình hỗ trợ đẩy mạnh tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị trong khối doanh nghiệp và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nhằm giúp các SMEs tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy hiện đại hóa thị trường tài chính và đơn giản hóa quá trình đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, chương trình còn đóng góp vào quá trình xây dựng nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận, hỗ trợ quá trình chuyển đối sang năng lượng tái tạo của Việt Nam và đặt ra tiêu chuẩn mới cho các dự án tương tự sau này.

(theo ĐSQ Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuy-sy-ho-tro-18-nghin-ty-dong-giup-viet-nam-tang-truong-ben-vung-theo-dinh-huong-thi-truong-154120.html