Thụy Sỹ: Những sóng gió trên thị trường giao dịch vàng lớn nhất thế giới
Chính quyền Thụy Sỹ nhấn mạnh rằng nước này thường xuyên theo dõi nguồn gốc và giao dịch của kim loại quý này để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch.
Thụy Sỹ lâu nay vẫn là thị trường giao dịch vàng lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia xuất nhập khẩu vàng quan trọng hàng đầu. Sau một thời gian tạm thời ngừng hoạt động do cuộc khủng hoảng COVID-19, các nhà máy tinh chế vàng lớn nhất châu Âu tại khu vực Ticino của Thụy Sỹ đã tăng cường hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện những cáo buộc rằng Venezuela đang khai thác, kinh doanh vàng bất hợp pháp và Thụy Sỹ có thể là một trong những khách hàng của họ.
Hồi đầu năm nay khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 tại Davos, lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela Juan Guaido đã thúc giục Thụy Sỹ kiểm soát các hoạt động liên quan đến khai thác vàng bất hợp pháp ở khu vực Amazon.
Venezuela có trữ lượng tài nguyên giá trị cao như vàng, kim cương và nickel. Mặc dù chính phủ nước này đã nỗ lực thu hút các đối tác khai thác hợp pháp và trấn áp hoạt động khai thác bất hợp pháp, nhưng hầu hết các hoạt động khai thác vàng ở các bang miền Nam vẫn bị coi là bất hợp pháp với phần lớn vàng được nhập lậu ra khỏi đất nước.
Các tập đoàn khác nhau kiểm soát các mỏ vàng đã kiểm soát chặt chẽ dân cư sống và làm việc ở đó, áp đặt các điều kiện làm việc lạm dụng và đối xử tàn nhẫn với những người bị buộc tội trộm cắp và các hành vi phạm tội khác.
Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) năm 2019 đã thu giữ một lô vàng trị giá 5 triệu CHF (5,2 triệu USD) tại sân bay Heathrow như một phần của cuộc điều tra quốc tế về một băng đảng ma túy Venezuela. NCA sau đó báo cáo rằng kim loại quý này đang được vận chuyển từ Quần đảo Cayman đến Thụy Sỹ.
Cũng trong năm 2019, theo phe đối lập Venezuela, có thông tin cho rằng một chiếc máy bay chính thức của Chính phủ Venezuela đã hạ cánh tại sân bay Zurich (Thụy Sỹ) cùng với vàng bất hợp pháp.
Hàng hóa không được kiểm tra vì đây là máy bay chính thức được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao. Sau khi dừng chân tại Thụy Sỹ, chiếc máy bay đã hoàn thành hành trình tới Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Venezuela bị cáo buộc duy trì thị trường hoạt động để bán vàng bất hợp pháp. Những khoản thu này cho phép chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro gia tăng kho bạc nhà nước vào thời điểm các lệnh trừng phạt kinh tế đang tăng cường đối với đất nước Nam Mỹ này và giá dầu đã xuống mức thấp lịch sử.
Cuộc điều tra cho thấy Thụy Sỹ có thể là một trong những khách hàng mua kim loại quý và các ngân hàng Thụy Sỹ không được phép nhận các khoản tiền không minh bạch liên quan đến vàng của Venezuela.
Rachel Strebel, phát ngôn viên của Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sỹ (OAG), đã xác nhận rằng cho đến nay "không có thủ tục điều tra hình sự nào được mở ra" liên quan đến các giao dịch vàng của Venezuela. Tuy nhiên, Thụy Sỹ đang theo dõi chặt chẽ vấn đề dựa trên bản chất của mối quan hệ kinh doanh với Venezuela.
Theo phát ngôn viên Strebel, các cuộc điều tra về buôn bán vàng hoặc nguồn gốc của nó không phải là trách nhiệm của OAG, trừ khi chúng liên quan đến tội phạm thuộc thẩm quyền quốc gia.
Thụy Sỹ có 4 trong số 6 nhà máy tinh chế vàng lớn nhất thế giới. Với giao dịch vàng bị cáo buộc giữa Thụy Sỹ và Venezuela, các tổ chức phi chính phủ như Swissaid e ngại rằng tiền có nguồn gốc từ các hoạt động bất hợp pháp sẽ được "rửa" và kết thúc tại các ngân hàng Thụy Sỹ.
Theo đài phát thanh truyền hình quốc gia Thụy Sỹ RTS, nước này có thể nhập khẩu vàng với quy mô lớn từ đảo Curaçao (đảo quốc nằm ở phía Nam của biển Caribe, gần bờ biển Venezuela), nơi không có mỏ, do đó người ta cho rằng vàng gần như hoàn toàn nhập khẩu từ Venezuela.
Việc giao dịch vàng thông qua một số quốc gia trước khi tới Thụy Sỹ có thể là chìa khóa cho kế hoạch này, nhưng cũng là lý do tại sao chính quyền Thụy Sỹ khó có thể chứng minh rằng nguồn gốc của kim loại quý này là từ Venezuela.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thụy Sỹ không nhận thức được hành vi có thể liên quan đến buôn bán vàng. Đối mặt với các hoạt động bất hợp pháp tiềm năng có thể liên kết Thụy Sỹ với thị trường vàng Venezuela, chính quyền Thụy Sỹ xác nhận rằng họ cảnh giác, nhưng không báo cáo liệu có bất kỳ cuộc điều tra nào đang diễn ra hay không.
Hầu hết vàng trên thế giới đều đi qua Thụy Sỹ. Đây là một lĩnh vực có giá trị lên tới 70-90 tỷ CHF tùy theo năm đối với nền kinh tế Thụy Sỹ. Vàng đến Thụy Sỹ ở dạng thô và khi rời khỏi đất nước đã được tinh chế thuần khiết lấp lánh.
Các nhà máy tinh chế của Thụy Sỹ xử lý 70% lượng vàng chưa tinh chế được khai thác trên thế giới mỗi năm. 4 trong số 9 công ty lớn trong ngành vàng toàn cầu thực hiện hầu hết các hoạt động kinh doanh của họ tại Thụy Sỹ.
Trong khi vàng có nguồn gốc từ 90 quốc gia khác nhau, gần một nửa số vàng nhập khẩu để tinh chế ở Thụy Sỹ đến từ Anh, UAE và Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây tác động trên các chuỗi cung ứng và hoạt động của nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, ngành công nghiệp kim loại quý này cũng không ngoại lệ.
Các nhà tinh chế ở Thụy Sỹ, đặc biệt là ở phía Nam của đất nước, nơi giáp với Italy, đã ngừng hoạt động trong vài tuần. Họ chiếm hơn một nửa thế giới về tinh chế và chế tạo kim loại quý.
Tương tự, các công ty hậu cần như Swiss World Cargo, Loomis, Brinks hay Malca-Amit, tức là các công ty lưu trữ và vận chuyển kim loại quý trên toàn cầu, cũng đã phải vật lộn với tình trạng giãn cách xã hội, làm việc từ xa và đã bị xáo trộn khỏi trật tự thông thường./.