Thủy thủ Pháp được cô gái Việt chủ động chinh phục, 9 năm viết nên chuyện tình đẹp
9 năm trước, Lâm Vy gặp Antoine đi cùng với những người bạn thủy thủ đoàn trong một quán bar ở Quận 1. Cô chủ động tiến tới làm quen.
Chuyện tình năm 20 tuổi với thủy thủ Pháp
“Nếu ngày hôm đó mình không tiến về phía anh ấy trước, thì chắc hôm nay đã không ngồi cạnh anh như thế này”, Lâm Thanh Vy xúc động khi nhắc lại kỷ niệm ngày mới gặp ông xã.
9 năm trước, Antoine làm lái tàu cho một công ty của Pháp. Trong một lần tới Việt Nam, anh rủ những người bạn tới một quán bar ở Quận 1 (TP.HCM) chơi.
Thanh Vy - năm đó mới 20 tuổi, vừa trở về từ nước ngoài sau 10 tháng làm việc trên tàu du lịch biển 5 sao. Về Việt Nam, Vy làm rất nhiều việc, trong đó đảm nhận việc dẫn tour các đoàn khách nước ngoài. Trong một lần tới quán bar ở Quận 1, cô vô tình chú ý tới chàng trai Pháp đứng ở một góc, đang “đá ánh nhìn” về phía mình. Antoine thừa nhận, anh bị thu hút bởi vẻ ngoài "tỏa sáng" của Vy.
“Chưa bao giờ mình thấy một bạn Tây nào nhảy xấu như vậy. Mà tại sao cứ nhìn mình hoài, muốn nói chuyện thì tới nói đại đi”, đợi mãi mà không thấy Antoine chủ động, Vy liền mạnh mẽ rảo bước về phía anh. Sự chủ động của cô gái 20 tuổi khiến chàng thủy thủ người Pháp ấn tượng.
Tiếng nhạc ồn trong quán bar khiến cuộc nói chuyện của cả hai bị ngắt quãng. Vy phải trò chuyện với Antoine qua những dòng chú thích vội trên điện thoại. Biết Antoine làm việc trên tàu, cùng lĩnh vực trước đây Vy từng trải nghiệm, cô không tin, kêu anh xuất trình giấy tờ. Để chứng minh, Antoine cho Vy xem thẻ ID trên tàu và chìa khóa cabin, nói rằng tàu anh đang đỗ ở cảng Nhà Rồng.
“Chồng mình giới thiệu làm trong ngành tàu biển, mình nghĩ: Trời, dễ gì lừa được chị. Những từ thông dụng, chuyên môn chắc chắn mình biết. Mình kêu ảnh xuất trình giấy tờ làm việc trên tàu, xuất trình xong, mình mới ok, nói chuyện tiếp”, Vy cảm thấy hạnh phúc khi được gặp người làm cùng ngành ngay giữa chốn xô bồ, náo nhiệt.
Sau một năm hẹn hò, Antoine chuyển công tác về một vùng xa xôi của Pháp, học lấy bằng trong vòng 9 tháng. Không thể về Việt Nam thăm bạn gái, anh ngỏ lời cưới Vy làm vợ, “danh chính ngôn thuận” đón cô qua.
Những ngày đầu qua xứ người, Vy hòa nhập rất nhanh với cuộc sống mới. Cô thử hết tất cả những món ăn của Pháp, món nào ăn không được cô mới bỏ qua. Trước đây Vy sử dụng thành thạo tiếng Anh, nhưng khi qua Pháp, cô lại cảm thấy lạc lõng, không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ mới. Cô đăng ký lớp học tiếng miễn phí dành cho người nhập cư. Sau 3 tháng học ở lớp, Vy tiếp tục tự học ngoại ngữ. Cô cho biết, ở Pháp không có nhiều các trung tâm dạy tiếng như ở Việt Nam.
“Nếu muốn học ngôn ngữ của người ta, phải trả giá rất mắc. 1 giờ học, nếu học chung với người khác thì trả 35 euro (~ 930 nghìn VNĐ), nếu học 1 cô - 1 trò, phải trả 60 euro (~ 1,6 triệu)
Cho tới tận bây giờ, khi nói những chủ đề qua khó, mình không thể tham gia câu chuyện. Chỉ khi nào thật sự tập trung mới nghe ra người ta đang nói gì. Mọi người nói chuyện dùng những từ ngữ “rất đời”, mình không hiểu được mà chỉ bắt được những từ thông dụng”, Vy nói.
Cuộc sống làm dâu "sướng như tiên"
Vy may mắn được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình nhà chồng. Bố mẹ chồng Vy năm nay 59 tuổi, rất tâm lý, mỗi lần cả nhà nói chuyện Vy đều pha trò khiến cả nhà cười vui vẻ.
Khoảng hơn 2 năm trước, Vy mang bầu con trai đầu lòng, Antoine tạm thời nghỉ làm, ở nhà chăm vợ. Chàng trai người Pháp được bà xã nhận xét “vô cùng cẩn thận, sạch sẽ, kỹ tính hơn cả phụ nữ”. Sau khi vợ sinh được 1 tháng, Antoine mới quay trở lại tàu làm việc.
Vy cho biết, gia đình nhà chồng ở Pháp có truyền thống rất thú vị, các thành viên trong gia đình sẽ “chờ cưới, chờ mang bầu” một loạt để sau này con cháu sinh ra sẽ có bạn chơi cùng.
“Nguyên cả dòng họ phía nhà chồng mình như vậy luôn, từ đời ông nội đẻ 4 người con. Tất cả 4 anh chị em đều đợi cưới, đợi mang bầu cùng lúc. Thế nên nhà hiện giờ có tổng cộng 14-15 anh em ruột, anh em họ đều trạc tuổi nhau hết, kéo dài từ năm 1989 - 1999”, Vy tâm sự.
Rào cản về khoảng cách thế hệ gần như không có, thế nên Vy rất dễ làm thân với các anh chị của nhà chồng. Hơn nữa, tất cả mọi người trước đây từng đi du học nên cả nhà có thể giao tiếp thoải mái với nhau bằng tiếng Anh.
“Má chồng mình thương mình cực kỳ, ba chồng cũng vậy, hai ba con nói chuyện cười rầm trời. Rồi chị chồng, em chồng kêu có khó khăn gì cứ nhắn tin cho chị nhé Vy ơi. Có ai đời em chồng dẫn chị dâu tới quán bar chơi đâu, hai đứa thoải mái lắm”, Vy nói.
Không muốn phụ thuộc, mang tiếng ở nhà "chồng nuôi", Vy tự khởi nghiệp, bán hàng online qua mạng. Gần sát ngày đi sinh, cô vẫn chăm chỉ ôm bụng bầu to livestream khắp các nền tảng. Vy lập kênh Youtube chia sẻ cuộc sống ở xứ người tới bạn bè quốc tế, những clip nhận được hàng chục nghìn lượt yêu thích. Sau 8 năm nỗ lực xây dựng tổ ấm, giờ đây Lâm Vy tự hào, hạnh phúc với cuộc sống viên mãn cùng người chồng ngoại quốc.
Nguồn: Người kết nối