Thủy thủ tàu ngầm Indonesia có thể chết ngạt trước khi hết oxy
Quan chức Indonesia cho biết, các thủy thủ tàu ngầm KRI Nanggala-402 chỉ còn đủ oxy đến sáng sớm 24/4. Nhưng theo một chuyên gia hải quân, 53 thủy thủ trên tàu còn đối mặt với một 'kẻ giết người giấu mặt' khác: khí carbon dioxide (CO2).
Ngạt thở vì CO2
CNA dẫn lời ông Clark - một chuyên gia hải quân – người từng là thủy thủ tàu ngầm - cho biết khí CO2 tích tụ trong tàu ngầm KRI Nanggala-402 có thể khiến thủy thủ đoàn chết ngạt ngay cả khi họ chưa cạn kiệt khí oxy.
“CO2 cần phải được lọc ra khỏi bầu không khí bằng một chất hóa học. Nhưng chất hóa học này cũng sẽ sớm cạn kiệt. Khí oxy có thể được tạo ra bắng nến hóa học. Nhưng CO2 sẽ làm phi hành đoàn chết ngạt trước khi hết oxy.”
Ông Clark cho biết việc mất điện cũng ảnh hưởng đến thời gian sống sót của phi hành đoàn. Vì cần có điện để vận hành thiết bị hấp thụ CO2 và quạt chuyển không khí qua nến oxy.
Vì sao tàu ngầm mất điện?
Theo ông Clark, các tàu ngầm khi lặn dưới nước thường phụ thuộc vào nguồn năng lượng của pin. Và một sự cố trong khoang chứa pin như cháy nổ, ngập nước… có thể gây ra mất điện.
Trong khi đó, ông Ben Ho - nhà phân tích hải quân cho rằng một vụ nổ ngư lôi cũng có thể khiến tàu ngầm mất điện.
“Trong lịch sử, các vụ tai nạn tàu ngầm lớn thường xảy ra do sự cố về kĩ thuật hoặc nổ vũ khí.
Tàu ngầm Indonesia mất tích khi đang tập trận bắn ngư lôi. Có thể một quả ngư lôi đã phát nổ”, ông Ben Ho nói.
Định vị tàu ngầm
Nếu tàu ngầm còn nguyên vẹn, nó có thể được định vị “một cách tương đối dễ dàng” bằng cách sử dụng các cảm biến, theo ông Clark.
Cảm biến từ tính, tương tự như hệ thống dò mìn, có thể phát hiện vỏ thép của tàu ngầm. Cảm biến âm thanh có thể hiện âm thanh từ tàu ngầm.
“Nhưng khu vực mà họ cần tìm kiếm tương đối lớn. Các các cảm biến chỉ có thể hoạt động hiệu quả trong một khu vực nhỏ. Việc tìm kiếm có thể mất nhiều thời gian.”
Ông Ben Ho, trong khi đó, cho biết thiết bị sonar dù hiện đại cũng khó có thể phát hiện ra xác tàu ngầm nếu đáy biển gồ ghề.
“Bản chất là tàu ngầm vốn đã rất khó bị phát hiện. Các hạm đội tàu ngầm thường được mệnh danh là chiến sĩ thầm lặng”, ông Ho nói.
Nếu tàu ngầm thực sự bị mắc kẹt ở độ sâu 600m trở xuống, thì theo ông Ho, thủy thủ đoàn có "cơ hội sống sót gần như bằng không".
“Thực tế nghiệt ngã là một khi tàu ngầm vượt quá độ sâu tối đa, nó sẽ nổ tung do áp lực nước cực lớn.”
Nếu điều này xảy ra, tiếng nổ sẽ được thu nhận bởi một cảm biến ở khu vực lân cận, ông nói thêm.
Quy trình giải cứu
Khi tàu ngầm được tìm thấy, thì tàu cứu hộ MV Swift Rescue của Singapore có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình.
MV Swift Rescue là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á có khả năng cứu hộ tàu ngầm.
Con tàu có thể hoạt động trên biển bốn tuần trước khi cần phải tiếp nhiên liệu. Trên tàu có cabin cứu hộ tên Deep Search and Rescue Six (DSAR 6). Cabin được sử dụng để sơ tán thủy thủ đoàn từ tàu ngầm.
Tuy nhiên, ông Clark cảnh báo thách thức lớn nhất là hướng nằm của tàu ngầm bị nạn. “Ví dụ, nếu tàu ngầm nằm nghiêng, thì DSAR 6 sẽ khó có thể tiếp cận.”
Theo trang tin hải quân Naval Technology, DSAR 6 dài 9,6m có thể đạt độ sâu 500m. Nó được vận hành bởi hai thành viên thủy thủ đoàn và có thể chứa tối đa 17 người.
Khi DSAR 6 nổi lên mặt nước và được thu hồi bởi MV Swift Rescue, thủy thủ đoàn tàu ngầm sẽ được chuyển đến một buồng hồi sức để điều trị. Buồng có thể chứa đến 40 người.
Singapore và Indonesia đã kí thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm vào năm 2012. Thỏa thuận cho phép hai nước gửi nguồn lực và giúp đỡ lẫn nhau nếu tàu ngầm của họ gặp nạn.
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích sáng 21/4 khi đang tham gia diễn tập phóng ngư lôi gần đảo Bali.
Trên tàu có 53 người, bao gồm 49 thủy thủ, một chỉ huy và ba chuyên gia vũ khí.
Tàu KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn được chế tạo tại Đức vào năm 1977, và gia nhập hạm đội Indonesia vào năm 1981.
Khoảng 40 quốc gia trên thế giới có hạm đội tàu ngầm, nhưng chỉ có một số quốc gia có khả năng cứu hộ tàu ngầm.