Thủy tinh tự lành khi tiếp xúc với nước

Một nhóm nhà nghiên cứu Israel đã phát triển một loại thủy tinh mới có thể tự hình thành khi tiếp xúc với nước, với những đặc tính độc đáo như tự lành từ nhiều mảnh vỡ nhỏ mà không để lại dấu vết gì. Nghiên cứu này do các nhà khoa học Đại học Tel Aviv tiến hành và được công bố trên tạp chí Nature.

Kính được tạo ra khi trộn một loại peptide nhất định với nước. Ảnh: NATURE

Kính được tạo ra khi trộn một loại peptide nhất định với nước. Ảnh: NATURE

Nhóm nghiên cứu cho biết, loại thủy tinh được làm từ hoạt chất peptide gồm 3 chuỗi axit amin loại tyrosine có chứa nhân thơm. Sau khi hòa tan hợp chất này vào nước, tương tự như pha chế đồ uống có hương vị, mà không cần sử dụng năng lượng như áp suất hoặc nhiệt độ cao, đợi đến khi dung dịch nước bay hơi trong điều kiện nhiệt độ phòng, thì các nhà khoa học thu được một chất rắn vô định hình mà họ gọi là thủy tinh.

Loại vật liệu mới này có tính kết dính cao, có khả năng gắn kết các mảnh nhỏ lại với nhau mà không để lại bất kỳ đường vết nào. Mặt khác, thủy tinh này có độ trong suốt quang phổ rộng, khiến vật liệu mới này có độ rắn chắc hơn nhiều so với loại thông thường.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, loại thủy tinh cải tiến này có thể đem lại sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các ngành công nghiệp như quang học và quang điện, truyền thông vệ tinh, viễn thám và y sinh.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuy-tinh-tu-lanh-khi-tiep-xuc-voi-nuoc-post746289.html