Thủy triều xuống thấp, hộ nuôi cá lồng bè gặp khó khăn
ĐTO - Tại TP Hồng Ngự, thời điểm này, gần 200 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Sở Thượng, thuộc phường An Lạc và An Thạnh đang gặp khó khăn do thủy triều trên sông xuống thấp, dẫn đến tình trạng thiếu oxy cục bộ và dịch bệnh phát sinh trên đàn cá nuôi.
Những ngày qua, máy bơm oxy, máy tạo dòng chảy của gia đình anh Tống Thanh ở khóm Sở Thượng, phường An Lạc phải hoạt động hết công suất. Nếu như trước đây, với số lượng 8 bè nuôi, diện tích mỗi bè từ 120 - 200m2, thả nuôi các loại cá hú, cá bụng và cá he, trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 700 tấn cá các loại, nhưng nay chỉ còn khoảng 500 tấn. Để đạt được trọng lượng đó, gia đình anh đã phải tốn thêm chi phí và thực hiện nhiều giải pháp. Anh Thanh cho biết: “Vài năm trở lại đây, nguồn nước trên sông ngày càng cạn kiệt, bị bồi lắng nhiều, cá nuôi bè cần có độ sâu thích hợp, vì mực nước cạn và gần đất quá cá sẽ chậm lớn. Vì vậy, phải mua thuốc thú y hỗ trợ thêm cho cá, tốn thêm dàn bơm oxy, dàn tạo dòng chảy, chi phí nhiều hơn những năm trước”.
Cô Bùi Thị Sàn ngụ khóm Sở Thượng, phường An Lạc cũng đang nuôi 6 bè cá, diện tích mỗi bè từ 70 - 80m2, thả nuôi các loại cá bụng, cá he, cá mè vinh. Thời điểm này, một số bè cá cũng đã đạt trọng lượng xuất bán. Tuy nhiên, những ngày qua, cô cảm thấy lo lắng khi thấy cá ăn yếu, bởi tình trạng thời tiết nắng nóng và nước sông xuống thấp.
TP Hồng Ngự hiện có khoảng 300 hộ nuôi cá lồng bè, tập trung chủ yếu dọc theo bờ sông Tiền, thuộc địa phận phường An Bình A và sông Sở Thượng, thuộc phường An Lạc. Để hạn chế ảnh hưởng và giảm thiệt hại cho các hộ nuôi, lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự cũng đã phân tích, đưa ra nhận định, đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với các hộ nuôi. Theo ông Nguyễn Huấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hồng Ngự: “Khuyến cáo đối với các hộ nuôi cá bè, hiện mực nước trên các sông, kênh rạch luôn thấp, do đó không đóng bè quá sâu. Hơn nữa, mùa nắng nóng lượng oxy rất thấp, nên giảm mật độ nuôi trong bè, không nuôi quá dầy. Để tăng cường sức khỏe cho cá bè, phải thường xuyên theo dõi lúc nước ròng, đứng nước, ngưng chảy, phải tăng cường quạt nước để trao đổi oxy. Ngoài ra, cần phải bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi và lựa chọn những loại thức ăn phù hợp, chất lượng, tránh ăn những thức ăn bị ôi, thối, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh trưởng của cá cũng như đảm bảo môi trường”.