Thuyển đổi số đã 'gõ cửa' từng nhà...

Chuyển đổi số là cụm từ đã được nhắc đến rất nhiều trong vài năm gần đây và thực sự đã hiển hiện trong rất nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể. Chuyển đổi số (digital transformation) trong đời sống hiện nay tại TPHCM đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, từ kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông cho đến các dịch vụ công. TPHCM, với vai trò là một trong những trung tâm kinh tế và công nghệ quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đang nỗ lực triển khai các sáng kiến chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

TPHCM sớm đi đầu về chuyển đổi số.

TPHCM sớm đi đầu về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong một số hoạt động công

Hiện nay, TPHCM đã có nhiều bước chuyển trong các hoạt động công (cả hành chính công và các dịch vụ công) hướng đến thực hiện chuyển đổi số ngày càng sâu rộng và mức độ hiệu quả ngày càng cao.

Chính quyền TPHCM đã triển khai các nền tảng số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân. Các dịch vụ hành chính công ngày càng được số hóa, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, với chính quyền điện tử, TPHCM đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến (https://dichvucong. hochiminhcity.gov.vn) để người dân có thể tra cứu, nộp hồ sơ, và theo dõi tiến độ xử lý các thủ tục hành chính. Trang này có liên kết với Tổng đài 1022 để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục, đồng thời gắn với Cổng Dịch vụ công quốc gia để giúp người dân có thể yêu cầu các thủ tục hành chính công ngoài phạm vi thành phố; cũng như có liên kết với Dịch vụ thanh toán trực tuyến. Với rất nhiều loại dịch vụ, công dân và doanh nghiệp có thể ngồi tại chỗ để yêu cầu cung cấp các thủ tục hành chính công một cách nhanh chóng, minh bạch và giản tiện.

Hay thông qua hệ thống thông tin giám sát và quản lý, nhiều cơ quan chức năng đã sử dụng các hệ thống thông tin để giám sát, phân tích và quản lý các vấn đề như giao thông, môi trường và các hoạt động kinh tế nhằm tối ưu hóa hoạt động quản lý, phục vụ tốt nhất cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp cải thiện chất lượng dạy và học, với nhiều nền tảng và công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục, như dạy trực tuyến thông qua việc sử dụng phần mềm học trực tuyến (Zoom, Google Meet, MS Teams...) để tổ chức lớp học từ xa; chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế như triển khai các dịch vụ tư vấn y tế từ xa (Telemedicine), giúp người dân không cần phải đến bệnh viện mà vẫn có thể nhận được chẩn đoán và tư vấn từ bác sĩ qua video call hoặc các ứng dụng.

Chuyển đổi số trong một số dịch vụ phục vụ công cộng

Với mật độ dân số cao và tình trạng kẹt xe, TPHCM đang nỗ lực áp dụng công nghệ để cải thiện giao thông. Chẳng hạn, với Hệ thống giao thông thông minh (ITS), TPHCM triển khai các hệ thống giám sát giao thông thông minh, như camera giám sát và cảm biến giao thông, giúp điều tiết giao thông hiệu quả và giảm tình trạng tắc nghẽn. Thí dụ, hệ thống này cho phép điều chỉnh thời lượng của đèn tín hiệu tùy theo mật độ lưu thông của các hướng để giúp các luồng xe lưu thông tốt hơn. Không chỉ vậy, hệ thống này đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động giao thông của thành phố để làm nền tảng cho công tác quy hoạch, quản lý về hạ tầng giao thông và giao thông của thành phố.

Hay việc ứng dụng gọi xe công nghệ cũng là một bước tiến quan trọng, góp phần phát triển hoạt động giao thông công cộng tại thành phố. Các ứng dụng gọi xe như Uber, Gojek (trước đây), Grab, Be, Xanh SM đã trở thành phương tiện di chuyển phổ biến và tiện lợi tại TPHCM, thay thế dần các hình thức di chuyển truyền thống. Dịch vụ xe đạp công cộng TNGo (TN-Go) thời gian qua đã đem đến một hình thức giao thông đô thị mới văn minh, tiện lợi, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp và hoạt động thương mại

TPHCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và các ngành nghề kinh doanh. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và mở rộng thị trường. chẳng hạn, trong hoạt động thương mại điện tử, TPHCM có rất nhiều nền tảng thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...) phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng mua bán hàng hóa qua mạng một cách thuận tiện. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã bán hàng qua app hoặc các hình thức đặt hàng trực tuyến giúp mở rộng đối tượng khách hàng, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh...

Bên cạnh đó, Các doanh nghiệp tại TPHCM đang áp dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP, CRM để cải thiện hoạt động sản xuất, quản lý nhân sự, và bán hàng. Việc áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể quản lý hoạt động hiệu quả hơn, từ đó có thể dễ dàng xác lập các chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn.

Hay việc áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt (qua thẻ, ví điện tử) trong giao thông, sinh hoạt, mua sắm như tại các trạm thu phí và các phương tiện công cộng, các siêu thị, cửa hàng, thậm chí ở các hàng quán nhỏ, giúp tiết kiệm thời gian và an toàn hơn.

TPHCM, hình ảnh của sự năng động, sáng tạo và phát triển.

TPHCM, hình ảnh của sự năng động, sáng tạo và phát triển.

Chuyển đổi số trong đời sống

Công nghệ số cũng tác động mạnh đến lĩnh vực văn hóa và giải trí tại TPHCM, đặc biệt là khi các sự kiện, nghệ thuật, và giải trí trực tuyến ngày càng phát triển. Chẳng hạn, các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok và các dịch vụ streaming như Netflix đã trở thành công cụ giải trí phổ biến của người dân thay thế cho các phương thức giải trí truyền thống.Hay các phương tiện truyền thông tại TPHCM đã và đang chuyển mình sang mô hình số hóa, phát triển các kênh thông tin trực tuyến để tiếp cận khán giả nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện số người xem truyền hình (qua tivi) ngày càng giảm và nhiều người dân xem các chương trình của truyền hình qua các nền tảng trực tuyến (xem phát trực tiếp hoặc xem lại trên mạng xã hội).Tương lai của chuyển đổi số tại TPHCMChuyển đổi số tại TPHCM chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai với các xu hướng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và 5G. TPHCM đang hướng tới xây dựng một thành phố thông minh, nơi công nghệ sẽ hỗ trợ tối đa trong việc giải quyết các vấn đề đô thị hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chủ đề năm 2024 của TPHCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” đủ cho thấy góc nhìn của lãnh đạo thành phố về vai trò và tác động của chuyển đổi số tại thành phố.Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi số, như vấn đề hạ tầng kỹ thuật, bảo mật thông tin, đào tạo nhân lực, đồng bộ phương tiện và thiết bị, tội phạm công nghệ cao và sự đồng thuận của cộng đồng. Các vấn đề này cần có giải pháp khắc phục quyết liệt và hiệu quả với những chính sách mang tầm chiến lược. Có như vậy, TPHCM sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, có chất lượngsống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

NGUYỄN MINH HẢI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thuyen-doi-so-da-go-cua-tung-nha-post307989.html