Thuyền viên đi biển: Còn đó nhiều tâm tư

Việt Nam hiện có hơn 10 nghìn/47 nghìn thuyền viên đang hoạt động trên biển. Lực lượng tuyến đầu trong thực hiện thông thương hàng hóa cảng biển này đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ lây nhiễm dịch bệnh, stress khi không được lên bờ, bị mắc kẹt ở nước ngoài… Nếu thuyền viên nản chí đi biển, mất cơ hội việc làm vì chưa được tiêm vaccine, ngành hàng hải sẽ bị tê liệt.

Chúng tôi gặp anh Phạm Trung Văn, thuyền trưởng tàu HaiAn Park đúng 5 phút trước khí tàu rời cầu cảng Hải An, Hải Phòng hành trình về miền nam vào ngày 24/6. Chia sẻ nhanh về cuộc sống trên tàu trong đại dịch Covid-19, anh Văn cho biết trên tàu có rất nhiều người đã qua 12 tháng chưa biết lúc nào mới được lên bờ.

Chiều muộn hôm trước, anh có cơ hội được nhìn vợ vài phút ở một khoảng cách rất xa. Dù chỉ như một chấm nhỏ trên bờ, bên hàng rào cảng Hải An, nhưng với người thuyền trưởng đã ba tháng xa nhà như anh, đó là những phút giây rất ấm lòng. Anh biết, mình là người vẫn còn chút may mắn hơn nhiều thuyền viên trên tàu và may mắn hơn nhiều người bạn của anh đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.

HaiAn Park có 19 thuyền viên, phân nửa tại đây đã trải qua hành trình dài 12 tháng. “Những thuyền viên này không biết khi nào mới được lên bờ. Do đại dịch, công ty tự động gia hạn thêm ba tháng, tùy theo điều kiện sẽ thay người hợp lý”, anh Văn nói.

HaiAn Park chủ yếu đi hành trình nội địa từ Hải Phòng vào cảng Vũng Tàu, Sài Gòn. Những chuyến đi xa tới Hồng Kông (Trung Quốc) gần đây đã tạm dừng. Đã có 19 năm đi biển, nhưng hơn một năm qua, với các thủy thủy như anh Văn là những quãng thời gian vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Tất cả thuyền viên ký cam kết với chính quyền cảng và kiểm dịch không được lên bờ. Tâm lý các thuyền viên ngoài lo lắng nguy cơ nhiễm bệnh thì còn rất nặng nề vì không được mua sắm, giải trí, không có cơ hội tranh thủ về nhà.

“Chúng tôi đi nội địa vẫn còn may mắn hơn nhiều anh em khác. Tôi có anh bạn sau khi hết hợp đồng 12 tháng, đã về bờ ở Brazil năm tháng nay mà chưa biết lúc nào có chuyến bay giải cứu về Việt Nam”, anh Văn chia sẻ.

Anh Phạm Trung Văn, thuyền trưởng tàu HaiAn Park chuẩn bị cho tàu rời cảng Hải An chiều 24/6.

Người bạn mà anh Văn đề cập tới là anh Võ Hà. Anh Hà hiện đang bị kẹt ở Brazil gần nửa năm sau khi kết thúc hợp đồng lênh đênh trên biển 12 tháng. Thật không may, anh không được chủ tàu cho xuôi tàu về Việt Nam mà lên bờ ở Brazil. “Có lẽ tới tết âm lịch, may ra mới có chuyến bay giải cứu”, giọng anh Hà chùng xuống khi nghĩ tới tháng ngày dài đằng đẵng nửa năm tới đây sống trên đất khách quê người khi số tiền dần cạn kiệt.

May mắn được về bờ ngày 24/6 vừa qua khi trao đổi thuyền viên tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng, anh Vũ Đình Châu, đại phó tàu Tong Youn tâm sự, đây không phải là chuyến đi xa nhà dài nhất của anh và các đồng nghiệp, nhưng là chuyến đi khó khăn nhất khi các cảng biển nơi tàu đi qua, các anh không được vào bờ.

Tròn 11 tháng 15 ngày, tàu đi qua nhiều nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng cuộc sống chỉ quanh quẩn trên tàu. Ngoài tìm niềm vui từ hát karaoke, giao lưu văn nghệ, gọi điện về nhà khi có mạng…, hiếm hoi lắm ở một vài cầu cảng được nới lỏng thì thuyền viên được loanh quanh trên bờ kè, được câu cá xả stress.

Anh Vũ Đình Châu, đại phó tàu Tong Youn vừa được lên bờ tối 24/6 sau 11 tháng 15 ngày trên biển.

Mất ba giờ đồng hồ làm thủ tục bàn giao, 8 giờ 30 phút tối 24/6, các anh được xe chuyên dụng chở đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng du lịch Hải Phòng.

“Chúng tôi đã chờ đợi ngày này rất lâu, hồi hộp chờ từng phút để được lên bờ. Đó là cảm xúc của hạnh phúc vì mình vẫn bình an trở về trong đại dịch. Có nhiều đồng nghiệp của chúng tôi không may mắn như chúng tôi vì bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc buộc phải gia hạn hợp đồng làm việc thêm nhiều tháng nữa”, anh Châu nói.

May mắn mà anh Châu đề cập tới, chính là việc anh và tám thuyền viên được chủ tàu tính toán cung đường lưu thông hàng hóa để về Việt Nam trao đổi thuyền viên. Hiện nay, nhiều cảng trên thế giới đã bị tê liệt, không thể diễn ra hoạt động trao đổi thuyền viên. Có nhiều chủ tàu không tiện chuyến ghé Việt Nam lấy hàng cũng không thể đưa thuyền viên về nước. Trong khi nếu xuống bờ ở nước ngoài, chi phí cách ly vô cùng đắt đỏ và cũng không biết liệu có đường bay về Việt Nam hay không.

Suốt những tháng ngày lênh đênh, ai cũng lo lắng nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 bất kỳ lúc nào. “Có tới 90% thuyền viên đi qua cảng Ấn Độ đều nhiễm Covid-19. Vì thế, anh em ai cũng lo ngại”, các thuyền viên vừa lên bờ tâm sự.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là quốc gia vẫn duy trì hoạt động cảng biển tốt nhất, nhịp độ tăng trưởng từ lĩnh vực hàng hải không bị tác động nhiều. Nhưng điều ông lo ngại nhất là tình trạng các cảng biển trên thế giới bị tê liệt có thể diễn ra tại Việt Nam khi không ít thuyền viên quá mệt mỏi khi quá hạn hợp đồng mà không được lên bờ hoặc bị mắt kẹt ở nước ngoài. Có những người đã ở trên tàu tới 18 tháng. Có những người rơi vào trầm cảm vì cuộc sống chật chội trên tàu.

Hiện nay, một số quốc gia như: Bỉ, Ấn Độ đã khởi động chương trình tiêm vaccine cho thuyền viên. Việt Nam hiện có 47 nghìn thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển, trong đó có 10 nghìn thuyền viên đang hoạt động trên biển. Chưa lúc nào, các thuyền viên – lực lượng tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ thông thương hàng hóa qua cảng biển tại Việt Nam lại khao khát có được vaccine như hiện nay.

“Nghị quyết 21 của Chính phủ đã đưa đối tượng vận tải vào trong lực lượng được ưu tiên tiêm vaccine nhưng đến nay, các thuyền viên đều chưa được tiêm vaccine. Trong khi đó, 90% hàng hóa được luân chuyển bằng đường biển. Tôi cho rằng, trong lực lượng ưu tiên thì lực lượng thuyền viên và người làm trong cảng phải được coi là tuyến đầu chống dịch giống như bác sĩ, công an, biên phòng… Mặc dù không phải là các chiến sĩ áo trắng ở bệnh viện, không phải là lực lượng bảo đảm an toàn biên giới đất liền, nhưng họ là lực lượng quan trọng trong vận chuyển hàng hóa đường biển. Thuyền viên cần ưu tiên tiêm phòng bệnh trước để bảo đảm chức năng vận chuyển hàng hóa”, ông Giang nhấn mạnh.

Có rất nhiều thuyền viên đã quá thời hạn lao động mà không thể về bờ.

Ngoài tâm tư về việc chưa được tiêm vaccine để bảo đảm an toàn cho công việc vận tải hàng hóa, các thuyền viên Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi kết thúc hợp đồng lao động nhưng không được bàn giao thuyền viên. Trong khi đó, theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006, thời gian làm việc trên tàu của thuyền viên không được quá 12 tháng. Nhưng do dịch Covid-19, nhiều thuyền viên đã làm việc quá thời gian quy định mà không được trở về bờ.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có hơn 1.500 thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài cần hỗ trợ hồi hương. Tuy nhiên, đến nay chưa biết khi nào các chuyến bay hồi hương ở nhiều nước được mở lại. Và ngay cả khi về Việt Nam, chi phí cách ly cho thuyền viên quá đắt đỏ, tạo gánh nặng lớn cho các chủ tàu.

Ngược với tình trạng 10 nghìn thuyền viên đang lênh đênh trên biển không được về bờ thì 37 nghìn thuyền viên đang ở trên bờ cũng không có cơ hội đi biển. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thư, Cố vấn Công ty UT-STC, các chính sách hỗ trợ người lao động của chính phủ đã không tới được với những thuyền viên đang bị thất nghiệp vì đại dịch.

Nhận định về nguy cơ về làn sóng lây nhiễm các biến thể mới của Covid-19, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thường trực Ban Thư ký IMO Việt Nam đã gửi thư tới Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đề xuất ý tưởng về việc IMO cần khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên (không kể quốc tịch) vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đánh giá cao đề xuất từ Ban Thư ký IMO Việt Nam và một số quốc gia khác, tháng 5/2021, Ủy ban An toàn hàng hải (MSC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine cho các thuyền viên của mình.

Lực lượng biên phòng kiểm soát chặt không cho các thuyền viên lên bờ để bảo đảm an toàn cho các cảng biển.

Mới đây nhất, tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn về vấn đề thay thế thuyền viên và ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho thuyền viên Việt Nam”, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ông ủng hộ việc đưa lực lượng lao động hàng hải là một trong những nhóm được ưu tiên tiêm vaccine. Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi, cập nhật tình hình, cố gắng ưu tiên nguồn lực để giúp các đối tượng, trong đó có thuyền viên được tiêm vaccine, góp phần duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo vệ các thuyền viên, duy trì hoạt động kinh tế cảng biển, Cục Hàng hải đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, có ý kiến với các cấp có thẩm quyền xem xét đưa thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ hồi hương.

Đồng thời, kiến nghị UBND các địa phương mở rộng khu cách ly, tạo điều kiện cách ly thuyền viên với chi phí phù hợp; Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư liên quan đến việc thu phí tàu, thuyền khi thay thế thuyền viên; Đề nghị các doanh nghiệp cùng vào cuộc, chủ động liên lạc với các tỉnh/thành để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho thuyền viên.

Những ngày qua, thuyền trưởng Phạm Trung Văn cùng nhiều anh em hóng về bờ để chờ cơ hội được tiêm vaccine sớm. Anh tâm sự: “Vì chưa được tiêm vaccine nên anh em ai cũng nặng nề tâm lý. Nếu tiêm rồi tư tưởng làm việc thoải mái hơn, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”.

Cơn khát vaccine của các thuyền viên nếu không được giải quyết sớm, ngoài nguy cơ bị dịch bệnh đe dọa, có thể nhiều thuyền viên sẽ mất những cơ hội việc làm tốt trên tàu. Khi đó, “sức khỏe tài chính” của các doanh nghiệp vận tải biển và cung ứng thuyền viên của Việt Nam sẽ khó có thể trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày xuất bản: 29-06-2021

Chỉ đạo nội dung: NGỌC THANH

Thực hiện nội dung: HỒNG VÂN - BÍCH NGỌC

Đồ họa & kỹ thuật: NGUYỄN ĐĂNG

Ảnh: THẢO LÊ - LAM TRẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/thuyen-vien-di-bien-con-do-nhieu-tam-tu-652583/