Thuyết âm mưu về COVID-19 khiến hàng loạt cột tín hiệu 5G bị đốt
Hình ảnh do camera giám sát trong một khu kinh doanh ở Hà Lan ghi lại cảnh một người đàn ông đội mũ đen đổ chất lỏng từ một chiếc thùng màu trắng vào chân cột tháp tín hiệu. Lửa bùng lên sau khi người đàn ông quay lại chiếc xe của anh ta để bỏ đi trong đêm tối.
Đây là cảnh tượng xảy ra hàng chục lần trong vài tuần gần đây ở châu Âu. Nhiều thuyết âm mưu liên quan đến mạng di động 5G và đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng những vụ tấn công bằng xăng vào những cột tín hiệu như vậy.
Từ lâu đã tồn tại các thuyết âm mưu cho rằng những cột tín hiệu liên lạc không dây đó là mối đe dọa, và đại dịch COVID-19 toàn cầu xảy ra trong giai đoạn nhiều quốc gia chuẩn bị triển khai công nghệ không dây thế hệ 5 càng khiến một số thuyết âm mưu được phóng đại.
Giới chức châu Âu và Mỹ đang theo dõi sát tình hình và quan ngại những vụ tấn công sẽ làm suy yếu hệ thống thông tin liên lạc quan trọng, vào thời điểm cần sử dụng để đối phó với đại dịch.
“Tôi rất phẫn nộ khi một số người phá hoại hạ tầng mà chúng ta cần để đối phó tình huống y tế khẩn cấp này”, ông Stephen Powis, giám đốc y tế của Dịch vụ an ninh quốc gia Anh, nói hồi đầu tháng 4.
Khoảng 50 vụ đốt cột tín hiệu di động và các hạ tầng khác được báo cáo ở Anh trong tháng này, dẫn đến 3 vụ bắt giữ. Những bức ảnh và video ghi lại các vụ tấn công thường đi kèm với nhiều bình luận sai về COVID-19. Khoảng 16 vụ tương tự xảy ra ở Hà Lan. Các nước như Ireland, CH Síp và Bỉ cũng ghi nhận nhiều vụ việc tương tự.
Những lời đe dọa tấn công các cột tín hiệu điện thoại nhận được nhiều lượt thích trên Facebook. Một thông điệp trong nhóm bài vắc-xin ngày 12/4 đã chia sẻ bức ảnh một cột tín hiệu di động bị đốt kèm theo tuyên bố: “Không ai muốn ung thư & COVID-19. Hãy dừng gây ra nó hoặc tất cả cột tháp, cửa hàng di động sẽ gặp kết cục như thế này”.
Xu hướng này càng được chú ý ở Anh khi một tháp hỗ trợ giao tiếp bằng giọng nói và dữ liệu trong bệnh viện dã chiến ở Birmingham, nơi điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, trở thành mục tiêu tấn công.
“Đã quá đau lòng khi các gia đình không thể ở bên người thân yêu của họ trong lúc ốm nặng. Càng khó chịu hơn nữa khi ngay cả sự an ủi nhỏ nhoi qua điện thoại hoặc cuộc gọi video cũng không thể thực hiện được vì hành động ích kỷ của một số người si mê thuyết âm mưu”, Nick Jeffery, Tổng giám đốc nhà mạng Vodafone UK, viết trên LinkedIn.
Những diễn giải sai về mạng 5G và virus corona được chia sẻ hàng trăm ngàn lần trên mạng xã hội. Chúng có nội dung rất đa dạng, từ khẳng định rằng virus corona là sự che đậy để phát triển 5G đến cáo buộc rằng hạ tầng 5G tạo ra virus.
“Những ý kiến cho rằng 5G bằng cách nào đó tạo ra đại dịch COVID-19 là hoàn toàn sai. Tôi không tìm ra cách hợp lý nào để khẳng định chúng có liên hệ với nhau”, TS Johnathan Samet, Hiệu trưởng Trường y tế cộng đồng Colorado và là chủ tịch ủy ban nghiên cứu về ung thư và phọng xạ từ điện thoại di động của Tổ chức Y tế thế giới, khẳng định.
Nhưng những người chống 5G không nản lòng.
Susan Brinchman, giám đốc Trung tâm phòng chống tác hại điện từ, một phong trào phi chính phủ phản đối “ô nhiễm điện từ môi trường”, nói rằng người dân có quyền quan ngại về 5G và mối liên hệ với COVID-19. “Toàn bộ hệ thống hạ tầng 5G cần phải được dỡ và ngắt”, bà Brinchman nói với AP.
Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy công nghệ liên lạc không dây, dù là 5G hay các thế hệ trước, làm tổn hại hệ miễn dịch của con người, theo ông Myrtill Simko, giám đốc khoa học của tổ chức SciProof International tại Thụy Điển và là người đã nghiên cứu về vấn đề này nhiều năm qua.
Các thuyết âm mưu về 5G hiện nay bắt đầu từ tháng 1, khi một bác sĩ người Bỉ gợi ý về mối liên quan giữa công nghệ này với COVID-19. Trước đó đã có những nghi ngờ rằng bức xạ từ điện thoại di động gây ung thư. Nhưng dù đa số người trưởng thành sử dụng điện thoại di động thường xuyên, Viện ung thư quốc gia (Mỹ) không thấy bằng chứng cho sự gia tăng khối u trong não họ.
Các thuyết âm mưu càng được nâng lên khi có sự tham gia của những người nổi tiếng. Diễn viên Woody Harrelson từng chia sẻ một video nói rằng người dân ở Trung Quốc đã kéo đổ một cột 5G. Nhưng đó thực chất là một “cột đèn thông minh” ở Hong Kong bị người biểu tình kéo đổ hồi tháng 8 năm ngoái vì sợ Bắc Kinh dùng để giám sát. Người dẫn chương trình truyền hình Anh Eamonn Holmes nhắc đến những thuyết âm mưu này trên một talk show, vấp phải sự khiển trách từ các nhà quản lý.
“Tôi muốn nói rất rõ ràng. Khong có sự liên quan về địa lý hay bất kỳ khía cạnh nào giữa việc triển khai mạng 5G với sự bùng phát của virus corona”, Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Johannes Bahrke nói ngày 17/4.