Thuyết khách bất đắc dĩ
Một vùng đồi gần như trọc lốc tám năm về trước bây giờ màu xanh trải rộng, tin cậy và vạm vỡ. Tôi bật khỏi xe, vén chùm quả lòa xòa bước vào nhà khách. - Anh Chiến! - Chào nhà báo!
Trung đoàn trưởng Chiến nhanh nhẹn nắm tay tôi mà lắc. Cặp mắt ba góc nheo nheo nhìn tôi phô phang cười.
- Đúng hẹn lắm. Anh rất mong chú xuống!
Anh nghiêm trang rút cây gậy chỉ bản đồ, tôi chăm chú bước sát đến.
- Đây, đây... Như hôm anh điện cho chú, còn đúng hai mươi ngày nữa bắn diễn tập. Tuần sau “cụ” lên thị sát. Đây, khu đồi vải của nó, rơi đúng vào trọng điểm.
- Không chuyển lên mé trên được à?
- Anh đã thử, không được tầm bắn. Không có cửa mở, sai kích thước quy định. Gay go lắm!
- Thế anh trù tính thế nào mà gọi em lên? Em dốt về tham mưu, bắn biếc.
Tôi khẽ nuốt tiếng thở dài vì lờ mờ đoán ra việc anh nhờ. Chắc việc ấy chứ việc gì khác. Ngay từ khi anh Hùng, phó sư đoàn trưởng nhắc đến Tuấn và khi anh bước đến tấm bản đồ, tôi đã linh cảm ra. Đã tám năm chắc gì nó chịu nghe. Cái thằng ấy đã gan đã lì đến trời cũng chịu. Tôi cân nhắc rồi hỏi anh:
- Xã cấp cho nó khu thung lũng rồi à?
- Không, của ông cụ.
Tôi khẽ giật mình lẩm bẩm “thế thì gay go đấy anh ạ” và nghĩ ngay đến ông bố vợ nó. Ông trời nhiều khi cũng trêu ngươi khi đặt hai tính cách mặt giăng mặt trời vào gần nhau. Tôi biết bố vợ nó qua những lời hằn học của nó để có thể vắn tắt, chuyên quyền, độc đoán, chẳng nghe ai. Trần đời tôi chưa thấy bố vợ, con rể nhà nào như thế. Con thì trốn tránh bố, bố thì không nhìn mặt con. Mọi ý tứ mệnh lệnh của hai bố con chỉ qua con thoi là Hồng vợ Tuấn. Phải cái chơi ác nhưng ông trời cũng biết đặt giữa vùng nước lửa ấy một con thuyền độc mộc. Nếu không họ sẽ giao dịch với nhau thế nào nhỉ? Có gần nhau chỉ là sự đun nấu vùi dập còn gì?
Ngày còn là đại trưởng, tôi vẫn phục anh Chiến đa mưu túc trí. Phải quản, phải rèn giũa những ông “trời con” như chúng tôi, anh đã phải nghĩ ra đủ cách, phải tự làm khổ mình thì đúng hơn. Lúc đó bọn tôi thường nghĩ đơn giản là thế.
Thấy tôi đăm chiêu suy nghĩ, anh Chiến bảo:
- Thật ra anh cũng có lỗi với ông cụ, với nó dịp cưới vợ. Nghĩ đi nghĩ lại thấy nó cũng là đứa dám làm dám chịu. Chỉ có điều sự việc diễn ra nhanh quá mình tính chưa cặn kẽ. Thế mà ông cụ giận anh, nó giận anh đến tận bây giờ.
***
Vùng đồi chúng tôi đóng quân ngày ấy còn trơ trụi lắm. Nắng gió Lục Ngạn thiêu cháy mọi thứ, trừ con người. Đất đỏ toang hoác, đá tảng lổm nhổm cằn cỗi, chỉ mấy loại sim mua dây leo dằng dịt dưới những dãy bạch đàn gân guốc trụ bám và những cụm hà thủ ô tản mát cắm sâu lòng đất sỏi ruồi. Tân binh bọn tôi ngày ấy vất vả, cực nhọc lắm.
Tôi với nó cùng trung đội nhưng là trung đội ghép của tân binh hai huyện nên mãi mới biết nhau. Vùng nắng gió thế mà quấn người bện người phải biết. Đến nỗi khi chia tay anh em vào Nam nhận nhiệm vụ, nhiều thằng đã khóc. Thằng Tuấn tiếng là lầm lụi cục cằn hóa ra cũng nhiều nước mắt. Nó xin lỗi chỉ huy, xin lỗi anh em như thể không bao giờ gặp nhau nữa. Tôi được giữ lại làm cán bộ tiểu đội. Đêm khuya, nó kéo tôi ra đồi, nhìn đăm đắm về cụm nhà dân phía trường bắn.
- Tớ yêu con Hồng, Hải ạ!
Tôi sững sờ nhìn nó. Hóa ra cu cậu táo gan và bí mật thật. Hồng thì tôi lạ gì, bí thư chi đoàn xã, tính nết thẳng băng, mắt như lúc nào cũng long lanh. Phải nói là Hồng khá gợi tình. Thế mà bao năm hoạt động đoàn giao lưu với đơn vị, chưa chàng nào chiếm được trái tim cô ả. Biết Tuấn tin tôi, tôi hỏi nó:
- Mày nhờ tao ở lại canh chừng chứ gì?
Tuấn thở dài không nói, thao thiết nhìn những đốm lửa tỏa ra phía triền đồi. Nó vặt những lá sim, vò xé rồi ném xuống quả quyết:
- Tối nay tao không dám gặp, mai tao đi, nhờ mày nói chờ tao hai năm nữa tao về!
Tôi phá lên cười. Bây giờ thời bình chứ có phải gì đâu mà ghê gớm. Cứ thư từ thật lực, thích thì điện thoại cho nhau. Nhưng khi nó nghiêm giọng cho biết ông bố vợ tương lai cấm tiệt Hồng và ghét nó như ghét hủi, thì tôi hiểu nó bí mật cũng có lý. Tôi động viên nó:
- Mày cứ vững vàng tin ở tao, ở Hồng. Hai năm như cơn gió thoảng. Rồi ra quân thì tính.
Nó nhìn tôi rân rấn nước mắt, bặm chặt môi. Đầu óc tôi bỗng nhói lên một ý định.
- Tuấn này, hay tao với mày lên trung đoàn xin đổi. Mày ở lại, tao đi. Như thế tiện cho mày, cũng chả hại gì cho tao.
Nó lắc đầu im lặng, chỉ có ánh mắt lóe lên. Tôi cảm thấy mình vẫn chưa hiểu hết về nó.
Nhưng sự việc lại diễn ra thật đơn giản. Đơn giản đến bất ngờ, ngược hẳn những suy nghĩ lo lắng của chúng tôi. Thằng Tuấn chả phải đi đâu. Nó tiếp tục được ở lại làm tiểu đội trưởng cho đợt huấn luyện tân binh mới. Ánh mắt của nó cháy bùng bắn cả sang tôi. Nó thầm thì vào tai tôi: “Trời thương tao, Hải ạ!”.
Trời thương nó hay trời đày đọa nó? Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại vụ kỷ luật ấy, tôi vẫn cho rằng Tuấn đúng. Có những cư xử, những việc làm chúng ta đã dám nghe lời mách bảo của trái tim.
Chưa bao giờ tôi ngáng trở việc riêng của Tuấn. Tôi vẫn tin vào cách tính, cách nghĩ của nó cho mọi việc. Thế mà lần này, tôi đã rụt rè ngăn cản nó: “Cứ báo đơn vị không được thì đợi nửa tháng nữa ra quân chứ vội gì, mày làm liều tao không ủng hộ đâu”. Tôi nói với nó như thế khi nó bàn làm đám cưới Hồng. Bố Hồng đang ép gả con đi nơi khác rất gấp.
Đêm ấy tôi không hề chợp mắt, ngày mai tôi sẽ báo cáo với anh Chiến thế nào đây. Anh Chiến rất quý tôi. Tôi cũng đã thi đỗ sĩ quan, chờ một tháng nữa đi học. Nó đã có danh sách đi học trung cấp, hai tuần nữa sẽ đi. Tôi lật đi lật lại phương án của mình. Thầm khấn trời, khấn Phật mọi tốt lành đến với nó.
Song sự việc không đơn giản ngẫu nhiên như cái lần nó được ở lại, mặc cho tôi viện đủ lý do, anh Chiến vẫn một mực: “Không được. Nếu thế đến hạn ra quân không đi học nữa. Thiệt thòi phải chịu. Đơn vị không giúp được”.
Khi thấy cái dáng thất trận của tôi, nó không buồn mà chỉ đanh mặt lại. Tôi yếu ớt khuyên nó hay là tạm đi học rồi tính sau thì nó gắt: “Cám ơn, tao không mơ làm quan như mày”, rồi lủi thủi bước đi.
Tôi không ngờ Tuấn đã ngấm ngầm chuẩn bị chu đáo mọi việc như thế. Đám cưới được tổ chức sau một ngày nó ra quân trên một con đò vào đêm trăng thứ bảy. Tất cả có bốn người. Ngoài vợ chồng nó (bây giờ đã có thể gọi là vợ chồng), cứ tíu tít như trẻ con thì tôi nửa cười nửa mếu, nửa lo nửa sợ. Trái với tất cả là sự điềm tĩnh kỳ lạ của ông lái đò mà vợ chồng nó giới thiệu là bố nuôi. Ông mời tôi ngồi, mời rượu, rồi nhìn ra mặt sông lấp lóa.
***
- Vợ chồng nó cũng là đứa có gan, có chí Hải ạ! - Anh Chiến cắt dòng suy tưởng của tôi. Tôi bất thần chỉ ra vườn vải: “Anh Chiến này, cũng như cây vải, đất không phụ nó, nó cũng chẳng phụ người đâu anh, thằng Tuấn cũng thế, nó đã khá được nhờ đất, chắc nó không dám phụ đất này đâu”.
Hai anh em phá lên cười. Anh chở tôi đến nhà nó bằng xe máy. Tôi nghe nó kể nhiều, mời nhiều về sự làm ăn của vợ chồng nó, tôi đã mừng đã nhẩm thế nào cũng có dịp lên. Đã tám năm, thằng con trai nó đã sáu tuổi. Căn nhà hai tầng khang trang hiện ra. Nó đứng như trời trồng giữa sân. Nếu không có anh Chiến, hẳn nó đã nhảy bổ ra mà tung tôi lên.
Tôi chào nó trước:
- Chào ông chủ trang trại Tuấn Hồng!
- Hồng ơi! Thằng Hải!
Tôi không ngớt ngắm nó. Vẫn thế. Thằng Tuấn vẫn thế, chỉ khác nó chững chạc đàn ông lên rất nhiều. Tôi thoáng thấy lấp ló ở cửa bếp cô bí thư chi đoàn ngày nào, như tròn ra trắng ra thì phải. Tôi để nó và anh Chiến nói chuyện với nhau, bước về phía bếp:
- Chào đồng chí bí thư chi đoàn xã!
- Em chào anh... bác Hải kìa con...
Thập thò ở cửa bếp là cậu bé lên sáu, thấp đậm, chắc nịch, đen trùi trũi, mặt mũi bóng loáng. Đích thực ông Tuấn con. Bé bằng cái tí trông đã lì lợm như bố.
Đứa bé chớp mắt, nhìn mẹ, rồi nhìn tôi, hai tay khoanh lại:
- Cháu chào bác Hải!
Tôi cười xoa đầu cháu bé, Hồng dường như vẫn chưa tin ở mắt mình. Tôi bế bổng Nghĩa lên.
- Vẫn bí thư đấy chứ?
- Em... làm bên phụ nữ.
Chúng tôi cùng vào nhà, sau phút trấn tĩnh, Tuấn đã trở lại phong thái tự tin của chủ nhà, của chủ trang trại. Chúng tôi vẫn còn bỡ ngỡ trước sự đầy đủ của nó thì Hồng đã bê khay bia ra. Tuấn rôm rả:
- Hôm nay có anh Chiến, có thằng Hải, lại đúng ngày cưới của mình thật là dịp quý, mình chuẩn bị cơm rồi mời ông qua đây.
Tôi và anh Chiến nhìn nhau. Việc của mình không khéo nó cũng biết cả. Ăn uống vào nó từ chối thì biết tính thế nào? Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi, nó bảo:
- Em vừa ở Sài Gòn ra có nghe nhà em nói chuyện, tối qua em cũng đã thảo luận với ông. Hôm nay anh cứ yên tâm mừng cho em và thằng Hải. Mọi việc đêm qua em và ông cụ đã bàn bạc kỹ.
Tôi bất giác nhớ lời ông lái đò ngày trước. Số nó thế mà khá, lận đận là thế, khó khăn là thế mà đều qua được. Bây giờ vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng cũng là tự bàn tay, khối óc mà nên. Anh Chiến như đã nóng việc của đơn vị, không kìm được, hỏi thẳng Tuấn:
- Anh đến thăm ông, thăm cô chú, còn việc bãi vải. Chú định thế nào?
Tôi thấy hơi căng vì biết xưa nay nó chẳng thích gì anh Chiến. Liệu có dịp nó có chịu buông tay không. Tuấn bình thản cười nhẹ, cái cười của những người cơ cực mà nên.
- Em biết việc rồi, cũng đã nhất trí với ông em. Thực ra em ở nhà thì không căng như thế. Tuần sau anh cứ cho anh em lên chuẩn bị bãi bắn, em bảo mấy thằng chuyển lều xuống dưới này.
Trong cách nói của nó không còn cái gì cam chịu như xưa mà đã là sự thong thả điềm tĩnh. Vườn vải ấy, năm ngoái thu về mấy trăm triệu, nay hy sinh không phải nghĩ ngợi gì ư? Nghe nói người của trung đoàn đến thuyết phục là cái anh cán bộ hậu cần cò kè thêm bớt ngày xưa, tán tỉnh Hồng không được thì trách gì. Anh Chiến hỏi nó:
- Thế chú định bao nhiêu thì thỏa đáng?
Nó cười tóa lên, nhìn tôi như có ý hỏi “Bao nhiêu?”. Tôi đã đọc ra ánh mắt cười ấy mà yên trí cho sự việc đã đơn giản. Sự việc đã may mắn vì tôi không phải làm thuyết khách bất đắc dĩ. Giọng nó nghiêm ngắn khác thường.
- Em tặng đơn vị anh Chiến ạ! Em được thế này cũng là nhờ có đồng đội, có các anh, có vùng đất này. Lúc nữa ông em sang bàn giao cho các anh. Cuối năm em sẽ cho chiết toàn vườn chuyển xuống lũng dưới. Đất ở đây cằn mà tốt lắm. Có thời gian, có con người nó sẽ xanh lên.
Tôi muốn lao đến ôm lấy nó. Nguyên cái chuyện một điều ông em, hai điều ông em đã thấy sự chuyển biến của thời gian tốt thế nào với vợ chồng nó. Tôi mừng cho nó, cho đơn vị hay mừng cho chính tôi. Ngoài kia hương sắc vải ngời lên bạt ngàn...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thuyet-khach-bat-dac-di-664767