Thuyết phục bằng hành động, mang tri thức đổi mới bản làng
Giữa vùng đất nắng gió và cát trắng, nơi cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó, có một đảng viên trẻ mang dòng máu Ra - glai đang ngày ngày kiên trì, dùng hành động để thuyết phục bà con, gieo những mầm tri thức, thắp lên khát vọng đổi thay cho quê hương mình.


Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Ra - glai làm nương rẫy ở làng Đá Trắng, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, một vùng đất khắc nghiệt của Ninh Thuận, tuổi thơ của anh Katơr Cu gắn liền với những buổi theo cha mẹ lên rẫy, với con đường đi học dài hàng cây số xuyên rừng, vượt đèo, lội suối.

Anh Katơr Cu là 1 trong 444 đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII.
“Có những ngày mưa lũ, con suối như muốn cuốn phăng đi tất cả. Nhưng tôi vẫn đi học, vì tôi tin chỉ có tri thức mới đưa mình thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo”, anh nhớ lại, đôi mắt vẫn ánh lên một niềm tin như thuở nào.
Lớn lên giữa bản làng còn nghèo, nơi dân trí còn hạn chế, nhiều hủ tục chưa xóa bỏ, anh sớm ý thức rằng mình không thể dừng lại ở việc học để thoát nghèo cho bản thân. Anh muốn làm nhiều hơn, trở thành cầu nối giữa chính quyền với đồng bào dân tộc, để mang ánh sáng tri thức, kỹ thuật sản xuất về từng nếp nhà, từng mảnh rẫy.
Trở thành Bí thư Đoàn xã Phước Bình, Katơr Cu phải đối mặt với vô vàn thử thách: nhận thức hạn chế của thanh niên, tư tưởng trông chờ ỷ lại, rào cản ngôn ngữ, tập quán canh tác lạc hậu… Nhưng anh không nản. Thay vì thuyết phục bằng lý thuyết, anh chọn hành động.
Anh tổ chức các buổi tọa đàm bằng song ngữ Ra - glai phổ thông, kết nối thanh niên với mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, và vận động thành lập tổ hợp tác thanh niên. Với anh, từng buổi trò chuyện, từng buổi đi thực tế mô hình là một lần gieo hạt giống hy vọng vào các bạn trẻ quê mình.

Bắt đầu từ thực tế địa phương còn nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời vụ hoặc các công việc thiếu tính bền vững, đảng viên trẻ nhận thấy việc phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lực sẵn có của địa phương là hết sức cần thiết.

Các mô hình sinh kế của anh Katơr Cu đã góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con nơi đây.
Khi Đảng ủy xã Phước Bình đưa cây bưởi da xanh vào Nghị quyết từ năm 2020, xác định là cây trồng chủ lực của địa phương, Katơr Cu là người đầu tiên đăng ký học kỹ thuật. Anh học từ các lớp tập huấn của xã, học qua mạng, qua sách báo, rồi về truyền đạt lại cho bà con. Anh còn áp dụng kỹ thuật khoanh vỏ giúp cây phát triển tán, đậu trái đều, chịu được gió lớn.
“Tôi cũng thường xuyên tìm hiểu các mô hình trồng bưởi thành công ở những nơi khác như Đồng Nai, Bến Tre để học hỏi kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc cây trong từng giai đoạn. Ngoài ra, tôi tìm hiểu thêm từ các tài liệu nông nghiệp, xem video hướng dẫn trên mạng và kết nối với kỹ sư nông nghiệp để được hỗ trợ khi gặp vấn đề về sâu bệnh hay thời tiết cực đoan”, anh Katơr Cu nói.
Đến nay, toàn xã đã có gần 200 ha bưởi da xanh, hơn 20 ha đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Nhờ mô hình bưởi, nhiều hộ thanh niên Ra - glai có thu nhập ổn định từ 80 -120 triệu đồng/năm. Những cái tên như Katơr Hiền, thanh niên từng được anh hướng dẫn giờ đã có thể tự tin đứng giữa vườn bưởi của mình và hướng dẫn lại người khác.
Cùng với bưởi, Katơr Cu góp phần hồi sinh một giống cây bản địa quý đó chuối hột mồ côi. Theo anh, chuối hột mồ côi là cây trồng bản địa của đồng bào Ra-glai, được mệnh danh là “thần dược” nhờ công dụng chữa bệnh.
Trước đây, chuối chủ yếu mọc tự nhiên trên núi cao, chưa đem lại nhiều giá trị kinh tế. Thấy vậy, chàng trai trẻ đã tìm hiểu đặc tính sinh trưởng của cây, cách nhân giống bằng chồi, cách xử lý đất rẫy phù hợp và cả cách thu hoạch, chế biến thành các sản phẩm như chuối hột khô, rượu chuối, để tăng giá trị kinh tế.
Đặc biệt, lúc đầu, sản phẩm của bà con không đạt tiêu chuẩn OCOP vì thiếu nhãn mác, mã vạch, giấy kiểm nghiệm, bảo quản chưa tốt khiến hàng mốc, phải tiêu hủy.
Nhưng nhờ kiên trì cải tiến quy trình, đầu tư máy sấy, làm bao bì, sản phẩm chuối hột mồ côi Phước Bình đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm bản địa. Hiện, người dân đã có vùng trồng 20 ha, có quy trình chế biến thành sản phẩm chuối khô, rượu chuối.


Là một người dân tộc thiểu số để được kết nạp vào Đảng, theo anh Katơr Cu, đó là một quá trình phấn đấu rất gian nan. Nhưng đâu đó, lại đơn giản xuất phát từ tinh thần giúp đỡ đồng bào cùng tiến bộ.
Với tinh thần “mình vì mọi người”, anh thường xuyên hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vận động mọi người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
"Không ai hiểu người Ra-glai bằng chính người Ra-glai. Và tôi muốn mình là người góp phần đưa bản làng mình đi lên, bằng tri thức, bằng sự kiên trì và cả bằng niềm tin”, anh Katơr Cu nói.
Khi đứng trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Bác Hồ để đọc lời tuyên thệ kết nạp Đảng, anh thực sự xúc động và cảm thấy thiêng liêng vô cùng.
Với anh, Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống và tinh thần phục vụ nhân dân. Dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác mặc áo nâu, đi dép cao su, sống giản dị và luôn lo cho dân, cho nước vẫn luôn in đậm trong tâm trí anh.
