Tỉ lệ ngầm hóa cáp viễn thông quá thấp do thiếu đồng bộ trong quy hoạch và doanh nghiệp 'yếu' về tài chính

Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, trong tổng số 529,18 km tuyến đường phố tại địa phương (bao gồm cả tuyến đường do trung ương quản lý, đường tỉnh quản lý và đường đô thị) mới chỉ có 98,66 km tuyến có cáp viễn thông được ngầm hóa, chiếm 18,6%.

Hệ thống dây cáp viễn thông được treo ở khu dân cư thuộc Khu phố 1, phường Đông Lương rất rối rắm, mất mỹ quan đô thị - Ảnh: B.B

Hệ thống dây cáp viễn thông được treo ở khu dân cư thuộc Khu phố 1, phường Đông Lương rất rối rắm, mất mỹ quan đô thị - Ảnh: B.B

Trước đó, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể về công tác ngầm hóa cáp viễn thông tại địa phương, phân chia theo lộ trình cụ thể. Tại Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 5/8/2009 của UBND tỉnh về quy định ngầm hóa cáp thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cụ thể từ năm 2011 - 2013 ngầm hóa 41 tuyến đường với tổng chiều dài 59,85 km.

Tại Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 8/4/2021 của UBND tỉnh về việc ngầm hóa, chỉnh trang, làm gọn cáp thông tin giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Quảng Trị, trong đó về ngầm hóa có 7 tuyến đường, với tổng chiều dài 17,81 km.

Thời gian qua, các đơn vị kinh doanh viễn thông như VNPT Quảng Trị, Viettel Quảng Trị, Mobifone Quảng Trị đã triển khai thực hiện việc ngầm hóa cáp viễn thông các tuyến đường phố. Theo đó, VNPT đã thực hiện ngầm hóa được 50,54 km, đạt 84,4% kế hoạch; Viettel Quảng Trị ngầm hóa được 23,4 km, đạt 39% kế hoạch; Mobifone ngầm hóa được 3,84 km, đạt 6,4% kế hoạch. Hạ tầng cống, bể được VNPT Quảng Trị và Viettel Quảng Trị đầu tư tại các tuyến đường phố đạt khoảng 60%.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, hạ tầng cống, bể của các đơn vị không đồng bộ, không phù hợp khi thực hiện thuê lại để ngầm hóa phát triển dịch vụ cho khách hàng. Việc ngầm hóa chỉ thực hiện được đối với cáp viễn thông truyền dẫn, cáp chính, đối với cáp thuê bao khi đấu nối cho khách hàng vẫn phải thực hiện kéo, treo trên cột điện.

Chi phí cho việc thuê hạ tầng ngầm hóa cáp thông tin còn cao so với doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, vì vậy một số doanh nghiệp chưa đủ khả năng thuê lại hạ tầng mà sử dụng phương án treo cáp với chi phí thấp hơn và triển khai nhanh hơn. Việc quy hoạch và sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa thông báo công khai cho các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông có nhu cầu xây dựng và sử dụng cơ sở hạ tầng biết để phối hợp triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông.

Có thể thấy, công tác ngầm hóa cáp viễn thông còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, các ngành như xây dựng, giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, các địa phương khi xây dựng quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo đô thị cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần tiếp tục đề xuất với tập đoàn, tổng công ty ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện chỉnh trang, ngầm hóa đường dây cáp viễn thông, tháo dỡ, thu hồi các tuyến cáp không còn sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cho người tham gia giao thông.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ti-le-ngam-hoa-cap-vien-thong-qua-thap-do-thieu-dong-bo-trong-quy-hoach-va-doanh-nghiep-yeu-ve-tai-chinh-188070.htm