Tỉ lệ nhập học ĐH cao do không thể du học

Các trường ĐH quy định nếu thí sinh trúng tuyển không làm thủ tục xác nhận nhập học trong thời gian quy định thì sẽ bị hủy kết quả

Ở thời điểm này, lượng thí sinh đến các trường ĐH làm thủ tục nhập học khá đông.

Tỉ lệ thí sinh ảo ít

Trường ĐH Nông Lâm TP HCM quy định thí sinh xác nhận nhập học từ ngày 5 đến 10-10 nhưng từ ngày 6, 7 và sáng 8-10, lượng thí sinh đến làm thủ tục xác nhận nhập học khá đông. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết chỉ tiêu của cơ sở chính là 4.200 thì trong 3 ngày vừa qua đã có 3.100 thí sinh làm thủ tục nhập học, tức mỗi ngày có khoảng 1.000 thí sinh.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết tính đến 12 giờ ngày 8-10, đã có 3.412 thí sinh xác nhận nhập học nên chắc chắn là từ chiều ngày 8 đến 10-10 trường tuyển đủ, thậm chí dư chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), trong tổng số 3.470 chỉ tiêu tuyển sinh trong năm nay thì đã có 3.105 thí sinh xác nhận nhập học (khoảng 90%). Lịch xác nhận nhập học trường quy định theo từng khu vực nên hiện chỉ thí sinh khu vực xa và vùng lũ chưa xác nhận, từ nay đến ngày 12-10, nếu thí sinh vùng lũ trúng tuyển chưa xác nhận nhập học thì trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Tại Trường ĐH Luật TP HCM, trường gọi 1.924 thí sinh cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, tính đến 15 giờ ngày 8-10 đã có 1.442 thí sinh xác nhận nhập học.

ThS Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng các năm trước, nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học vì có thể là các em đi du học nhưng năm nay do dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp nên thí sinh không thể đi du học lúc này, vì vậy tỉ lệ nhập học sẽ rất cao.

Xét tuyển bổ sung từ 10-10

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ được xét tuyển bổ sung từ ngày 10-10. Theo Bộ GD-ĐT, còn hơn 46% trường ĐH chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Nguyên tắc xét tuyển bổ sung phải bảo đảm lấy điểm trúng tuyển các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Các trường phải công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển... và cần bảo đảm thời gian công bố thông tin đủ để thí sinh tiếp nhận thông tin, cân nhắc và nộp hồ sơ.

Những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc từ chối nhập học có thể tham gia vào các đợt xét tuyển bổ sung nếu có nhu cầu. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên có tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.

Trường ĐH Thăng Long phải giải trình

Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết vừa yêu cầu Trường ĐH Thăng Long giải trình về việc tuyển sinh bổ sung sai quy định. Ngày 5-10, Trường ĐH Thăng Long đã ra thông báo xét tuyển bổ sung với phương thức tuyển sinh theo thứ tự nộp hồ sơ, ưu tiên xét những thí sinh nộp trước mà không theo thứ tự điểm số.

TÀI TRỢ CHÍNH "ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH 2020"

HUY LÂN - YẾN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ti-le-nhap-hoc-dh-cao-do-khong-the-du-hoc-20201008213616149.htm