Tỉ phú Amazon hào phóng chi 10 tỷ USD 'cứu Trái đất'
Ông chủ Tập đoàn Amazon Jeff Bezos vừa gây xôn xao dư luận khi công bố quyết định lập quỹ mang tên ông để phục vụ cho những nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Chống lại “mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh”
Trong quyết định được đăng trên trang Instagram cá nhân, Bezos cho biết ông muốn cải thiện những phương pháp đã được nghiên cứu và tìm ra các biện pháp mới để chống lại những tác động hủy hoại của tình trạng biến đổi khí hậu. Tỉ phú Amazon nói rằng, ông quyết định chi 10 tỷ USD để chống lại “mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta”.
Theo vị tỉ phú, kinh phí từ Quỹ Trái đất Bezos (Bezos Earth Fund) sẽ được phân bổ cho các nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường và các tổ chức phi chính phủ đang quan tâm giải quyết vấn đề này. “Tôi sẽ bắt đầu cấp các khoản tài trợ vào mùa hè này”, ông Bezos cho hay. Cùng với đó, ông này cũng kêu gọi các công ty, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và những người dân bình thường cùng hành động.
Ông Jeff Bezos hiện đang đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới theo thống kê của tạp chí Forbes. Tổng tài sản của ông là 115,5 tỷ USD, nhiều hơn Chủ tịch tập đoàn Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) Bernard Arnault - người có khối tài sản ước tính khoảng 112,9 tỷ USD.
Ông chủ Amazon có tên đầy đủ là Jeffrey Preston Bezos, sinh năm 1964 ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ. Năm 1994, ông này và bà MacKenzie Tuttle – khi đó là vợ ông nhưng nay đã là vợ cũ - đã quyết định nắm cơ hội từ cuộc cách mạng internet toàn cầu năm 1994 với ý tưởng bán hàng qua mạng. Amazon chính thức ra đời từ ý tưởng đó. Tại Seatle, ông Bezos và nhân viên đầu tiên của mình là Shel Kaphan đã xây dựng Amazon.com trong một gara để xe.
Tuy nhiên, con đường để xây dựng Amazon thành một đế chế như hiện nay cũng không hề dễ dàng. Sau rất nhiều thất bại trong quá trình tìm tòi hướng đi cho “con cưng” của mình, Bezos đã nhận ra được những mũi nhọn và lĩnh vực có thể khiến Amazon thành công để dồn lực vào đó.
Trong đó, ông đã liên kết với nhà bán lẻ đồ chơi Toys “R” Us để phân phối sản phẩm mà không cần bỏ vốn hay lưu kho, đồng thời thành lập zShop - cửa hàng riêng của mỗi người bán trên Amazon, là tiền đề của Amazon Marketplace sau này. Nhờ các cách thức này mà cho đến nay, Jeff Bezos đã biến Amazon thành một công ty kinh doanh với các sản phẩm cực kỳ đa dạng. Không chỉ là kho sách trực tuyến khổng lồ, Amazon hiện còn đồng nghĩa với một cửa hàng bách hóa tổng hợp trực tuyến. Cùng với quá trình thành công của Amazon, tài sản của Bezos đã gia tăng nhanh chóng.
Tháng 7/2019, ông Bezos và bà MacKenzie chính thức ly hôn với thỏa thuận 38 tỷ USD. Số tiền này giúp vợ cũ ông chủ Amazon trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới còn ông Bezos với 12% cổ phần của Amazon trị giá 112 tỷ USD tại thời điểm đó vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất thế giới. Theo một báo cáo của Tổ chức từ thiện Oxfam, với khối tài sản như vậy, chỉ 1% tài sản của ông này đã tương đương toàn bộ ngân sách dành cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân Ethiopia – một đất nước có 105 triệu dân.
Hồi tháng 1 vừa qua, ông Jeff Bezos đã vấp phải phản ứng dữ dội sau khi thông báo Amazon quyên góp 690.000 USD để phục hồi sau cháy rừng ở Australia – số tiền được cho là ít hơn những gì ông làm ra trong 5 phút. Hãng tin Bloomberg cuối tháng 1 cho biết, trong phiên giao dịch sau giờ chính thức vào lúc 16h16 ngày 30/1 vừa qua (giờ Mỹ), giá cổ phiếu của Công ty Amazon.com của ông Bezos đã tăng thêm 12%, lên tới 2.100 USD.
Điều này đồng nghĩa với việc tổng số tài sản của CEO Amazon đã tăng thêm 13,2 tỉ USD chỉ trong vòng 15 phút. Với giá cổ phiếu đó, theo bảng chỉ số tỉ phú Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản của ông Bezos lên tới khoảng 129,5 tỉ USD. Việc tăng giá cổ phiếu cũng giúp trị giá của Amazon tăng thêm hơn 90 tỉ USD, vượt quá mức 1 ngàn tỉ USD.
Amazon ngày 30/1 thông báo họ hiện có hơn 150 triệu khách hàng trên toàn thế giới chấp nhận trả 119 mỗi năm để là thành viên chương trình Prime nhằm được nhận hàng nhanh và các quyền lợi khác. Con số này tăng 50% so với con số mà Amazon thông báo năm 2018, đồng thời cũng vượt số người trên toàn thế giới trả tiền cho Netflix để được xem các show và phim trên máy điện tử của họ.
Những cảnh báo đáng quan ngại
Tuyên bố của ông chủ Amazon được đưa ra sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/2 nhấn mạnh biến đối khí hậu đang là trở ngại nghiêm trọng nhất và cấp bách nhất đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu. “Hành tinh đang cháy nhưng quá nhiều người ra quyết sách tiếp tục trì trệ”, ông Guterres cho biết trong phát biểu tại Pakistan.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc cho rằng nạn châu chấu mà Pakistan và một số nước khác đang phải trải qua chính là biểu hiện của tình trạng này. Theo ông Guterres, động lực toàn cầu để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu đã bị đình trệ kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015. Do vậy, ông kêu gọi chính phủ các nước hành động quyết liệt vì đó chính là đáp án duy nhất cho cuộc khủng hoảng này. “Chúng ta đang trong một trận chiến bảo vệ sự sống. Tương lai bền vững của chúng ta đang bị đe dọa, nhưng tôi tin chắc rằng đó là một trận chiến mà chúng ta có thể giành chiến thắng”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo một báo cáo được công bố hôm giữa tháng, thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, trong đó 5 năm vừa qua là năm nóng nhất từ trước đến nay. Trong đó, 1 báo cáo công bố ngày 14/2 dự báo rằng hiện tượng băng tan ở Nam Cực có thể sẽ khiến mực nước biển tăng thêm tới 58 cm vào cuối thế kỷ này, cao gấp 3 lần so mức tăng trong thế kỷ trước. Ông Anders Levermann thuộc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam của Đức - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho rằng yếu tố Nam Cực đang trở thành mối nguy cơ lớn nhất và bất ổn nhất đối với mực nước biển trên toàn cầu.
Còn nghiên cứu mới “Ngành năng lượng phải tính tới rủi ro thời tiết cực đoan” được Đại học California - Davis tại Mỹ công bố ngày 17/2 chỉ ra rằng rủi ro gia tăng từ các tác động mang tính vật chất của tình trạng biến đổi khí hậu đối với các thị trường tài chính vẫn chưa được tính đến. Tác giả Paul Griffin cho rằng có quá nhiều rủi ro không thể định giá trên thị trường năng lượng trong khi yếu tố này từng là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc suy thoái 2007-2008. Theo ông Griffin, tại thời điểm này, các công ty năng lượng đã đang gánh nhiều rủi ro trong số đó.
Theo tác giả nghiên cứu, nếu thị trường không làm tốt việc dự báo các rủi ro này, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Ví dụ, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt không chỉ làm gián đoạn hoạt động nông nghiệp, đe dọa sức khỏe con người, kìm hãm tăng trưởng kinh tế mà còn có thể tác động tiêu cực tới hoạt động cung ứng năng lượng.
Thời tiết cực đoan cũng có thể đe dọa các ngành khác như cấp nước và vận tải, từ đó tác động lần lượt tới các doanh nghiệp, gia đình, các thành phố và nhiều khu vực. Tác giả nghiên cứu cho rằng tất cả những điều này sẽ tạo rào cản kìm hãm các nền kinh tế địa phương cũng như các nền kinh tế lớn hơn.