Tỉ phú Phạm Nhật Vượng toan tính gì khi thành lập taxi Xanh SM, có thể đánh bại Grab?
Đầu tháng 4 này, những chiếc taxi điện Xanh SM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chính thức lăn bánh, mang đến một luồng gió mới cho dịch vụ taxi tại Việt Nam.
TỈ PHÚ PHẠM NHẬT VƯỢNG TOAN TÍNH GÌ?
Thị trường taxi Việt được một phen dậy sóng khi vào tháng 3 vừa qua, tỉ phú Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi. Theo kế hoạch, quy mô đầu tư dự kiến lên tới 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.
Công ty tuyên bố cung cấp dịch vụ taxi điện mang tên Taxi Xanh SM tại Hà Nội từ đầu tháng 4 và sau đó sẽ có mặt tại 5 tỉnh thành lớn trong năm nay.
Đội xe của Taxi Xanh SM trong thời gian đầu là mẫu xe điện Vinfast e34, sau đó có thể bổ sung thêm Vinfast VF8 và VF5 Plus. Đây là thế hệ taxi mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho khách hàng với đặc điểm xe không mùi xăng, không tiếng động cơ, bảo vệ môi trường.
Những chiếc taxi VF e34 không khác biệt so với xe thương mại thông thường khi được trang bị màn hình giải trí 10 inch, trợ lý ảo VinFast, có tổng cộng 5 ghế ngồi, hàng ghế sau được trang bị cửa gió điều hòa và cổng sạc USB, phạm vi di chuyển tối đa là 285 km.
Tuy nhiên, Taxi Xanh SM không hoạt động độc lập mà bắt tay với Be Group nhằm tận dụng tập khách hàng sẵn có của Be cũng như hỗ trợ các tài xế của Be chuyển đổi phương tiện nếu họ có nhu cầu. Thông qua Be Group, công ty của tỉ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận hành (bán hàng và chăm sóc khách hàng).
Màn bắt tay giữa GSM và Be Group hứa hẹn mang đến một sự cạnh tranh hấp dẫn trên thị trường vận tải hành khách.
Việc tỉ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty GSM cho thấy ông đang toan tính điều gì? Liệu có đơn thuần chỉ là một công ty taxi để giành lại thị phần từ các hãng taxi công nghệ ngoại quốc như Grab và Gojek?
Theo Tổng giám đốc công ty GSM Nguyễn Văn Thanh, mục tiêu của GSM là phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới từng người dân, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về sự tiện lợi, thông minh và bền vững của các dòng xe điện.
Một chuyên gia tài chính giấu tên nói với VietTimes rằng công ty GSM có thể là đầu ra cho dây chuyền sản xuất chiếc VF e34 từ bấy lâu nay. Thông qua việc bán hoặc cho thuê VF e34 dưới dạng xe dịch vụ, công ty có thể tiêu thụ số lượng lớn xe đã sản xuất. Không loại trừ cả những chiếc VF8 phiên bản City Edition được đưa sang Mỹ không tiêu thụ được cũng sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chạy taxi.
Thành quả đầu tiên của việc cho thuê xe đã xuất hiện khi ngày 27/3 vừa qua công ty GSM, Vinfast và công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi - đã ký hợp đồng đặt mua và thuê xe điện Vinfast. Cụ thể, Lado Taxi đặt mua từ Vinfast 40 xe VF e34 để bổ sung vào đội xe taxi hiện có. Đồng thời, Lado cũng đã ký hợp đồng với GSM để thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus. Thời hạn thuê là 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, có thể được gia hạn tùy vào nhu cầu sử dụng thực tế.
Trước đó, Lado đã mua và vận hành đội xe 75 chiếc VF e34 từ cuối tháng 5/2022, phục vụ vận chuyển hành khách tại Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).
Vị chuyên gia nói trên cũng chia sẻ với VietTimes rằng việc đưa những chiếc taxi Vinfast xuất hiện dày đặc trên đường phố cũng là một cách để Vinfast tăng cường nhận diện thương hiệu đối với cả người Việt cũng như khách du lịch nước ngoài - đó cũng có thể là một mục tiêu mà tỉ phú Phạm Nhật Vượng hướng tới.
CÓ THỂ LẬT ĐỔ GRAB?
Theo những gì mà công ty GSM công bố thì dịch vụ Taxi Xanh SM giống dịch vụ taxi truyền thống hơn là dịch vụ gọi xe công nghệ. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, mô hình vận hành của Taxi Xanh SM hoàn toàn giống với taxi truyền thống, chỉ khác ở 3 yếu tố là Phương tiện (hoàn toàn là xe điện), Đặt xe (đặt qua app, đặt tại điểm đỗ và gọi tới tổng đài), Dịch vụ (tài xế được đào tạo bài bản, thân thiện với khách hàng).
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải thì thị trường gọi xe trực tuyến ở Việt Nam hiện nay có sự tham gia của 20 nền tảng khác nhau với khoảng 67.000 xe taxi và 90.000 xe hợp đồng đã được cấp phù hiệu và đăng ký kinh doanh.
Thị phần của 3 doanh nghiệp gọi xe 2 bánh trực tuyến lớn nhất lần lượt là Grab (60%), Gojek (19%) và Be (18%). Đối với xe 4 bánh thì Grab chiếm 66%, Be chiếm 22%, các ứng dụng khác 12% - theo số liệu khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021.
Khi Taxi Xanh SM tham gia thị trường, liệu mục tiêu của hãng có phải là giành ngôi số 1 trên thị trường vận tải hành khách, giành lại thị phần từ các hãng xe ngoại quốc?
Trong bài viết đăng tải hôm 22/3, hãng tin Nikkei Asia viết rằng hãng taxi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng khi bắt tay với Be có thể trở thành đối thủ đe dọa vị thế của Grab và Gojek trên thị trường gọi xe Việt Nam. Tuy nhiên bài viết đó của Nikkei chưa cập nhật giá của Taxi Xanh SM.
Theo bảng giá được đăng tải trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội thì cước Taxi Xanh SM là 20.000 đồng cho km đầu tiên và 15.500 đồng cho km tiếp theo. Từ km thứ 26 trở đi thì giá cước sẽ là 12.500 đồng/km.
Có thể thấy giá cước mở cửa của Taxi Xanh SM cũng ngang bằng với một số hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Group, G7, Sao Mai. Giá các km tiếp theo cũng tương đương các hãng taxi truyền thống và tất nhiên là sẽ đắt hơn các hãng taxi công nghệ. Bảng so sánh giá cước dưới đây cho thấy điều này.
Mặc dù mức giá của của các hãng taxi truyền thống đưa ra không hoàn toàn giống nhau nhưng chúng cũng gần như tương đương với mức chênh lệch không đáng kể với cùng chủng loại xe. Đặt giá của Taxi Xanh SM vào bảng giá này, chúng ta thấy taxi của tỉ phú Phạm Nhật Vượng không hề rẻ hơn, mặc dù trước đó người ta đã đồn đoán rằng giá vận hành của xe điện rẻ hơn xe xăng.
Trong khi đó, giá của taxi công nghệ, cụ thể GrabCar là 29.000 đồng/2 km. Mỗi km tiếp theo có giá 10.000 đồng. Grab cũng tính thêm một số phụ phí theo thời tiết, giờ cao điểm. Tương tự, BeCar có giá 29.000 đồng. Từ km thứ 2 đến km 12 là 11.500 đồng/km.
Nếu tính giá cước đi một quãng đường 5 km thì Taxi xanh SM có giá khoảng 82.000 đồng, giá xe 4 chỗ lớn của Mai Linh khoảng 80.000 đồng, giá của VinaSun khoảng 90.000 đồng, của taxi Group khoảng 89.000 đồng, của taxi G7 khoảng 70.000 đồng, của Vinataxi khoảng 88.000 đồng. Trong khi đó giá GrabCar cộng phụ phí thời gian là khoảng 68.000 đồng. BeCar có giá là 75.000 đồng.
Nếu di chuyển quãng đường 10 km thì khách hàng phải trả cho Taxi Xanh SM khoảng 160.000 đồng, cho Mai Linh là 160.000 đồng, cho Vinasun là 178.000 đồng, cho Group là 180.000 đồng, cho Vinataxi là 173.000 đồng, cho G7 là 160.000 đồng. Nếu khách hàng đi GrabCar thì chỉ phải trả 109.000 đồng và BeCar là 121.000 đồng.
Như vậy rõ ràng Taxi Xanh SM không thể cạnh tranh về giá cước với taxi công nghệ. Việc lật đổ Grab về giá cước là khó khả thi. Vậy thì cạnh tranh bằng yếu tố nào? Như đã đề cập ở trên, Taxi Xanh SM sẽ cạnh tranh bằng Loại hình và Dịch vụ.
Cụ thể, khách hàng sử dụng Taxi Xanh SM sẽ được trải nghiệm cảm giác đi xe điện sạch sẽ, không mùi xăng, xe chạy êm, thân thiện với môi trường. Sự phục vụ của tài xế cũng sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý.
Được biết, các tài xế đăng ký gia nhập Taxi Xanh SM sẽ phải đáp ứng một số yêu cầu tuyển dụng khá cao. Một tài xế ứng tuyển đã kể với VietTimes rằng điều kiện là phải có lý lịch trong sạch, có kinh nghiệm 6 tháng làm việc tại các hãng xe công nghệ hoặc taxi truyền thống. Tài xế sẽ được kiểm tra kỹ năng lái xe, thái độ ứng xử trong các tình huống thực tế.
Khi được nhận vào hãng, tài xế sẽ có mức thu nhập là 11 triệu đồng/tháng cộng 25% hoa hồng, với điều kiện đạt đủ doanh thu theo yêu cầu của hãng. Trong đó 11 triệu bao gồm 7 triệu lương cứng + 2 triệu phụ cấp + 2 triệu theo đánh giá của khách hàng. Như vậy nếu tài xế nào không được khách hàng đánh giá tốt thì mức lương tháng của họ sẽ chỉ còn 9 triệu đồng + 25% hoa hồng. Các tài xế được yêu cầu cọc trước 8 triệu đồng để có trách nhiệm hơn trong công việc (số tiền này tài xế sẽ được nhận lại nếu nghỉ việc).
Một chuyên gia kinh tế nói với VietTimes rằng doanh thu của các công ty công nghệ chiếm phần đáng kể ở phân khúc xe 2 bánh (chuyên chở khách, giao hàng, giao đồ ăn), trong khi phân khúc xe 4 bánh doanh thu đạt được ít hơn nhiều. Như vậy, kế hoạch lật đổ Grab hay Gojek của Taxi Xanh SM là chưa khả thi vào tương lai gần, mặc dù hãng có liên kết với Be Group.
Tuy nhiên, thị trường gọi xe công nghệ vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Theo Bộ Công thương, với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Statista, thị trường gọi xe và giao đồ ăn Đông Nam Á đạt giá trị xấp xỉ 13 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến tăng lên mức 42 tỷ USD vào năm 2025. Đây vẫn là cơ hội cho mọi hãng xe có sự tăng trưởng trong những năm tới, trong đó có cả những tay chơi mới như Taxi Xanh SM.