Tia chớp trong màn đêm

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam được giới nghiên cứu quốc tế ví như một tia chớp lóe lên trong màn đêm đen bao phủ bởi chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Năm tháng đi qua, giới học giả nước ngoài vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu về cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất ấy.

Lực lượng tự vệ Hà Nội trong những ngày Mùa Thu tháng 8/1945. Ảnh tư liệu.

Lực lượng tự vệ Hà Nội trong những ngày Mùa Thu tháng 8/1945. Ảnh tư liệu.

Ý kiến của giới sử gia nước ngoài về sự kiện này có khác nhau do việc nghiên cứu dựa trên những nguồn sử liệu khai thác được rất khác nhau. Và cũng còn do phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận khác nhau, kể cả do mối quan hệ của cá nhân mỗi tác giả với đất nước và con người Việt Nam cũng khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất ở một điểm chung: Đó là một cuộc cách mạng mang tính tiên phong được người dân của một đất nước nghèo nàn lạc hậu trong chế độ thực dân nửa phong kiến hoàn tất.

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1940-1952 (Histoire du Vietnam de 1940-1952) của Ph.Devillers, cũng như cuốn Việt Nam: Xã hội học của một cuộc chiến tranh (Vietnam: Sociologie d’une guerre) của P.Mus (đều do NXB Seuil xuất bản năm 1952 tại Paris) - các tác giả đã phân tích bối cảnh Việt Nam lúc bấy giờ cũng như Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một người trình bày sự kiện theo cách của một nhà báo và dưới góc độ lịch sử chính trị (Ph.Devillers- nhà báo có mặt tại Việt Nam thời điểm diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám); trong khi người kia (P.Mus- sĩ quan tình báo hoạt động tại Đông Dương thời kỳ 1943-1945, dưới sự chỉ huy của tướng Mordan) - lại tiếp cận sự kiện dưới góc độ xã hội học. Cả hai cách tiếp cận, lý giải đều cho rằng người Việt Nam làm cuộc cách mạng đó để tìm lại “sự thăng bằng của xã hội” khi mà những kẻ thực dân đô hộ đã phá hủy. Và tiếp đó, người Việt Nam sẽ xây dựng một chế độ mới khi đã giành được độc lập.

Hai công trình của hai học giả kể trên đã ảnh hưởng lớn tới các nghiên cứu sau này của giới học giả nước ngoài. Tất nhiên những công trình tiếp theo ngày một phong phú hơn do khai thác được nhiều hơn các nguồn sử liệu, trong đó có cả nhiều tài liệu ở Việt Nam, cụ thể là thông qua ngành Việt Nam học khi viết về nước Việt Nam cận hiện đại - theo GS Đinh Xuân Lâm và TS Phạm Hồng Tung.

Còn theo nhà sử học Na Uy S.Tonnesson, sự kiện thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương vào năm 1930 cùng với việc thành lập Việt Nam Độc lập Ðồng Minh (Việt Minh) trong thời kỳ Thế chiến II, cuộc Cách mạng Tháng Tám của người Việt Nam được trình bày như là kết quả của sự tác động qua lại, nhuần nhuyễn, giữa nhiều yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.

Cũng có thể kể tới một số công trình rất nổi tiếng về cuộc Cách mạng Tháng Tám của người Việt Nam thuộc về tác giả D.Marr. Ông là tác giả của nhiều công trình khảo cứu đồ sộ, công phu về lịch sử Việt Nam cận đại, trong đó nổi bật là cuốn Phong trào chống chủ nghĩa thực dân của Việt Nam (Vietnamese Anticolonialism, 1885-1925), xuất bản năm 1971 và cuốn Truyền thống Việt Nam trong thử thách, 1920-1945 (Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945), đều xuất bản tại Mỹ. Nhưng công trình nổi tiếng nhất của D.Marr chính là cuốn sách ông viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam năm 1945. Với khối tư liệu đáng nể, sự khảo cứu kỹ càng, D.Marr đã rất thành công khi tái hiện lại cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam vào Mùa Thu năm 1945. Cuộc cách mạng được trình bày một cách sáng rõ, thực sự là sự nghiệp của quần chúng.

Giới sử học quốc tế thừa nhận rằng, khi nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thì những công trình của D.Marr là một tài liệu tham khảo quý giá mà không một công trình nào về Cách mạng Tháng Tám trong vòng hơn nửa thế kỷ qua có thể so sánh được.

Để kết lại, xin được dẫn một đoạn trong công trình nghiên cứu của nhà sử học Alain Ruscio- người có hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính lô-gíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”.

Phan Quang Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tia-chop-trong-man-dem-506135.html