Tia hy vọng sau thảm bại của 'Huyền sử vua Đinh', 'Virus cuồng loạn'
'Tro tàn rực rỡ' ra mắt vào thời điểm hàng loạt phim Việt bị tẩy chay và phải lặng lẽ rút rạp. Được đầu tư chỉn chu, dự án này là tín hiệu khởi sắc cho nền điện ảnh nước nhà.
Thể loại: Tình cảm, Tâm lý
Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
Diễn viên: Phương Anh Đào, Juliet Bảo Ngọc Doling, Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng, Thạch Kim Long, Mai Thế Hiệp, Quang Tuấn
Đánh giá: 7/10
Sau gần một thập kỷ vắng bóng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên quyết định tái xuất màn ảnh rộng với dự án Tro tàn rực rỡ mới nhất. Tác phẩm này được chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Vượt qua gần 1.700 đối thủ, bộ phim vinh dự trở thành một trong 15 ứng cử viên tranh giải tại hạng mục Main Section của LHP Tokyo cuối tháng 11 vừa qua.
Nói về Ngọc Tư, người ta nhắc tới một cây bút hiện thực xuất sắc của văn học Việt. Cô được yêu mến với những áng văn dung dị, mộc mạc về cuộc sống con người miền Tây. Ngòi bút của cô mang trọn vẹn sự rung động với cái tình trong từng câu chữ kể chuyện vùng sông nước lận đận này.
Trong khi đó, Bùi Thạc Chuyên từ lâu không còn là gương mặt xa lạ với khán giả Việt. Cái tên ông đứng sau thành công của những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Lời nguyền huyết ngải hay Sống trong sợ hãi...
Giản dị chuyện đời thường
Lấy bối cảnh miền sông nước Cà Mau, Tro tàn rực rỡ là bản tình ca đầy thăng trầm của những mảnh đời đàn bà khốn khổ. Mỗi câu chuyện mang những dáng vẻ khác nhau, nhưng tựu trung đều khắc họa nỗi đau và sự khắc khoải khó nói nên lời.
Chuyện phim diễn ra ở xóm chài Thơm Rơm nhỏ, nơi từ lâu đã trở thành chất liệu của nhiều áng văn hay điện ảnh. Tại đây, ba người đàn bà là Nhàn, Hậu và Loan bải hoải trong vũng lầy tình yêu với những người đàn ông họ yêu.
Vào vai cô gái trẻ tên Nhàn, Phương Anh Đào vừa vặn trong lớp áo của một phụ nữ đẹp, tháo vát cùng cuộc hôn nhân tạm coi là viên mãn. Thế nhưng, biến cố bất ngờ ập đến đã đẩy cuộc tình của Nhàn và Tam (Quang Tuấn) vào thế chia phôi. Mặc cho trầy xước và tổn thương từ cuộc hôn nhân khó bề cứu vãn, cô vẫn lựa chọn sống an phận với chấp niệm tình yêu của mình.
Nhàn sẵn lòng tự tay làm mọi thứ để mua vui cho người chồng đã sớm đổi thay. Cô lặng lẽ thu dọn tàn tích, bất lực gom về những vụn vỡ của mảnh tình bị ngọn lửa hun cháy. Nhàn kiệt quệ như một đốm tro tàn sót lại sau cơn hỏa hoạn. Vết bỏng cuộc tình thiêu đốt người đàn bà trẻ và để lại những đớn đau thầm lặng, kéo dài.
Câu chuyện ấy được kể lại qua góc nhìn của Hậu, do diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai. Vô tình có bầu sau cơn say mèm, Hậu lên xe hoa với Dương (Lê Công Hoàng), một chàng ngư dân trẻ. Cả hai đều yêu theo cách bản năng và cháy bỏng nhất. Nhưng bi kịch ở chỗ, trái tim của Hậu dành trọn cho chồng. Còn trong mắt Dương lại chỉ có Nhàn, người đàn bà anh lỡ để vuột mất.
“Ai trong tim cũng có một tòa thương thành”. Tòa thành đó trong lòng Hậu không ai khác ngoài Dương. Bi kịch của cô là chôn vùi tuổi xuân với những khao khát được người yêu đáp lại. Từ thù ghét, Hậu dần thấu hiểu và đồng cảm với Nhàn. Cô nếm được nỗi đau của việc có chồng hờ hững, lạnh nhạt.
Cuối cùng, mảnh ghép thứ ba của Tro tàn rực rỡ là chuyện tình về người đàn bà khùng tên Loan (NSƯT Hạnh Thúy thủ vai). Từng bị Khang (Thạch Kim Long) làm nhục thời trẻ, thân xác Loan còn ở đó nhưng linh hồn đã sớm “lìa đời”. Cô “buồn, vui đều thái quá, như cơm quá lửa khét, canh quá muối mặn lè”.
Rồi một ngày kia, hắn trở về nơi xưa chốn cũ, gặp lại Loan dưới bóng ngôi chùa nghèo rách nát. Cô “rơi vào bi kịch của sự không đủ nhớ để nhảy xổ vào cào cấu, băm vằm gã đàn ông ấy cho hả giận. Chỉ biết chơi vơi nhìn mối thù lớn của đời mình tơi tả như con bù nhìn rơm giữa gió trời”. Trớ trêu ở chỗ, qua từng ly rượu hết đầy lại cạn, oán thù năm xưa bỗng dưng phai nhạt. Loan rơi vào lưới tình với kẻ từng hãm hiếp mình.
Trên mảnh đất thiếu hơi ấm ái tình trọn vẹn, ba người đàn bà bạc phận không hề hờn trách. Họ lặng lẽ yêu, lặng lẽ đón nhận những giông tố, bi kịch.
“Tro tàn rực rỡ”
Những mẩu chuyện tình khác nhau được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xếp đặt chung trong một bối cảnh, nơi cái nghèo khiến con người ta chỉ đủ sức để sống với cảm xúc bản năng nhất của mình. “Khi người phụ nữ còn yêu, không gì khiến họ dừng lại”, ông chia sẻ.
Cả Nhàn, Hậu và Loan đều yêu một cách mạnh mẽ, mù quáng đến đáng thương. Có lẽ, đó cũng chính là vẻ đẹp tình yêu mà Bùi Thạc Chuyên muốn tôn vinh trong tác phẩm của mình.
Từ tựa đề cho tới xuyên suốt bộ phim, ngọn lửa và tro tàn liên tục xuất hiện. Nó ẩn dụ cho nỗi lòng những người đàn bà. Họ muốn được “thấy”, được công nhận và đáp lại. Họ khao khát được yêu thương, được sống cuộc đời bên người đàn ông của mình một cách trọn vẹn.
Dù kể một chủ đề hay với nhiều thủ pháp điện ảnh, Tro tàn rực rỡ không thực sự là một tác phẩm dễ cuốn hút người xem ngay khi mới tiếp xúc lần đầu tiên. Với thời lượng phim gần 2 tiếng, tiết tấu diễn biến chậm, ít cao trào nên dễ tạo cảm giác kể lể, lan man.
Sự kết nối giữa ba câu chuyện về ba người đàn bà cũng tương đối mong manh, dường như như chỉ dừng lại ở đôi câu đối thoại. Chính vì vậy, một vài tình tiết được cài cắm nhưng nặng về lối làm phim nghệ thuật, xa rời chất “thực”, chất “đời”. Ngay chính bối cảnh của phim cũng nhận ý kiến là không thực tế và hiểu sâu sắc về miền Tây.
Bù lại, thoại phim tương đối mộc mạc, gần gũi. Thậm chí, biên kịch còn mạnh dạn thêm thắt cả những tiếng lóng, câu chửi thề.
Giữa lúc khán giả thất vọng và quay lưng với phim Việt sau hàng loạt dự án chất lượng kém, Tro tàn rực rỡ đúng nghĩa là một mồi lửa sưởi ấm lại thị trường nội địa đang trên đà lao dốc này. Dẫu chưa phải xuất sắc, tác phẩm vẫn chứng minh được sự chỉn chu và nghiêm túc trong lối tư duy và sản xuất bộ phim.